Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023): Chăm sóc người có công từ góc nhìn chính sách
Gần 80 năm qua, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Khởi nguồn từ Sắc lệnh 20 của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chính sách người có công lần đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành bằng Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/2/1947 quy định về hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Từ đó đến nay đã có hàng ngàn văn bản pháp quy được ban hành về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó, nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994. Đây là hai văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 1992, đánh dấu sự tiến bộ trong hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công, cùng với các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành hai pháp lệnh này tạo thành hệ thống pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng tương đối hoàn chỉnh và toàn diện.
Năm 2020, với quan điểm sửa đổi, bổ sung toàn diện, khách quan, phù hợp với điều kiện đất nước thời kỳ đổi mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thay thế Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13 chuẩn hóa về điều kiện, tiêu chuẩn đối với 13 diện đối tượng là: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước tổng khởi nghĩa; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng lao động thời kỳ kháng chiến; Thương binh; Người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ Quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng; Thân nhân người có công với cách mạng.
Năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Năm 2020, tiếp tục sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng với các nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng như: Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được xác định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Từ năm 2012 đến nay, đã ban hành 69 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 3 pháp lệnh của Quốc hội, 1 chỉ thị của Bộ Chính trị, 1 chỉ thị của Ban Bí thư, 2 nghị quyết của Chính phủ, 11 nghị định của Chính phủ, 10 quyết định của Chủ tịch nước, 2 chỉ thị và 10 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 29 thông tư và thông tư liên tịch của các bộ, ngành liên quan đến chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã thể chế hóa tương đối đầy đủ các chủ trương của Đảng đối với người có công với cách mạng và thân nhân; các chế độ ưu đãi được tập hợp quy định thống nhất, rõ ràng, cụ thể theo từng đối tượng; tạo khung khổ pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia tích cực vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo người có công, tạo sự đồng thuận trong xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để người có công xây dựng cuộc sống, tiếp tục khẳng định vai trò trong cộng đồng và xã hội.
Để mọi người có công đều được chăm sóc, phụng dưỡng
Hiện nay, cả nước có trên 1,2 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng và hơn 280.000 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở. Giai đoạn 2012-2022, mức trợ cấp đã tăng lên khoảng 40%, đạt 1.624.000 đồng từ năm 2019, cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức. Mỗi năm giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 10.000-12.000 trường hợp; 512.000 lượt người có công được điều dưỡng luân phiên; hỗ trợ giáo dục cho khoảng 54.200 lượt người (trong đó gần 27.800 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng và gần 26.400 người hưởng trợ cấp một lần); gần 1.815.000 đối tượng người có công được Nhà nước mua bảo hiểm y tế; khoảng 49.000 người có công và con của họ được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng, trong đó có trên 24.000 người được đào tạo nghề nông nghiệp và 25.000 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp. Bộ Quốc phòng đã tiếp nhận 1.149 người là con của thương binh, con bệnh binh nặng vào làm việc tại các doanh nghiệp quốc phòng.
Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công với cách mạng”, đến năm 2020 đã giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng theo Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công bảo đảm công khai minh bạch theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Quá trình giải quyết thông qua ý kiến của các bậc lão thành cách mạng, lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ và các cụ cao niên ở địa bàn dân cư cũng như công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng là cơ sở để xem xét giải quyết các trường hợp tồn đọng. Do đó đã góp phần khắc phục được tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách người có công. Với những hồ sơ không đủ điều kiện trả về địa phương cũng được trả lời một cách thấu tình, đạt lý.
Giai đoạn 2012-2022, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho gần 7.500 liệt sĩ, trong đó có 2.400 liệt sĩ thông qua Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng; các địa phương và các bộ, ngành đã thẩm định gần 63.000 hồ sơ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, ngành liên quan tích cực triển khai thực hiện chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế tổng kết việc thực hiện chính sách đối với dân công hoả tuyến; thực hiện chế độ hỗ trợ và đãi ngộ đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài. Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người có công. Hiện cả nước có 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự đủ để đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng.
Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được khẩn trương triển khai từ năm 2013 với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực như rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ; xây dựng quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; chuyển trọng tâm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở địa bàn trong nước và tăng cường hợp tác quốc tế...
Hiện cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 công trình ghi công liệt sĩ. Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư. Bên cạnh nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa, hàng năm Nhà nước đều bố trí một phần kinh phí từ ngân sách Trung ương để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn; 3.625 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Nhìn chung, công tác chăm sóc người có công được thực hiện toàn diện và luôn là chính sách được thực hiện tốt nhất trong các chính sách xã hội. Đặc biệt, những năm qua ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã quyết liệt giải quyết hồ sơ tồn đọng, công tác xác nhận người có công, đảm bảo không bỏ sót những người có đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, tạo thành phong trào sâu rộng, được xã hội ghi nhận và nhân dân ủng hộ. Đến nay, 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
- Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, 60 triệu đồng/hộ nếu xây mới
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày liên tục
- Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam