Nông thôn mới

Tuyên Quang: Huyện Lâm Bình tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Trung Kiên - 15:20 27/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm qua, với sự nỗ lực của cấp ủy, Chính quyền địa phương cùng sự đồng lòng của nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ một huyện nghèo khó khăn của cả nước đến nay diện mạo huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) đang ngày càng đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Vượt khó xây dựng nông thôn mới

Năm 2011, huyện Lâm Bình mới được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Na Hang và huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang). Lúc mới thành lập, huyện Lâm Bình có tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 71,16%, thu nhập người dân chỉ khoảng 8,5 triệu đồng/người/năm, điều kiện đi lại gặp nhiều khó khăn (nằm cách TP. Tuyên Quang 120km). Người dân sản xuất nông nghiệp là chính, nhưng quy mô sản xuất lại nhỏ lẻ và mạnh mún… Bởi vậy khi vừa được “khai sinh”, Lâm Bình đã vào danh sách các huyện nghèo của cả nước.

Nhân dân  huyện Lâm Bình chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới.

Chính vì vậy, cùng với nhiệm vụ kiến thiết và xây dựng trên các mặt của huyện mới thành lập, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (XDNTM) cũng đã được chính quyền và nhân dân huyện Lâm Bình chung sức đồng lòng triển khai.

Ngày mới thành lập huyện Lâm Bình, các xã của huyện đều là những xã khó khăn thuộc vùng III, vì vậy quá trình triển khai XDNTM  gặp rất nhiều khó khăn. Để Chương trình XDNTM được triển khai có hiệu quả, huyện Lâm Bình đã tổ thực hiện, triển khai theo phương châm: Những tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau; lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; huy động các tổ chức chính trị cùng vào cuộc.

Ông Quan Văn Phùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình cho biết, để tạo sự đồng thuận và nhất trí cao trong XDNTM, ở cấp huyện, Lâm Bình đã thành lập Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM (Văn phòng XDNTM); ở cấp xã đã thành lập  Ban quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM (Ban quản lý XDNTM). Mỗi xã cũng đã bố trí một công chức địa chính chuyên trách XDNTM. Từ đó các đơn vị này đã thường xuyên họp bàn, đánh giá về tiến độ, thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện XDNTM… Nhờ vậy, đã có nhiều giải pháp nhanh chóng, kịp thời được đưa ra mỗi khi gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.

Lãnh đạo huyện Lâm Bình thường xuyên kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Văn phòng XDNTM huyện Lâm Bình đã tham mưu cho Huyện uỷ, UBND huyện Lâm Bình chỉ đạo, ban hành 8 quyết định và 7 kế hoạch để tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình XDNTM trên địa bàn, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các xã ban hành các văn bản để tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu XDNTM kịp thời, đảm bảo phù hợp với mục tiêu, kế hoạch của tỉnh Tuyên Quang, huyện Lâm Bình và tình hình thực tế của địa phương.

Với những kế hoạch chi tiết và cụ thể theo từng giai đoạn, từng năm mà Văn phòng XDNTM huyện Lâm Bình và Ban quản lý XDNTM các xã của huyện Lâm Bình triển khai, Chương trình XDNTM ở huyện Lâm Bình đã ngày càng đi vào thực chất. Việc XDNTM không chạy theo thành tích mà đã hướng tới sự hài lòng của người dân, người dân đã được hưởng lợi thành quả từ chương trình này, đời sống vật chất, tinh thần ngày một cải thiện.

Giảm nghèo hiệu quả

Do tỷ lệ hộ nghèo ban đầu khá cao, tiêu chí giảm nghèo được xác định là tiêu chí khó trong XDNTM ở Lâm Bình. Vì vậy để có cơ sở thực tiễn trong quá trình triển khai ở địa phương, nhằm nâng cao thu nhập và giảm nghèo ở địa phương, huyện Lâm Bình đã có Nghị quyết về phát triển các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh (trong đó "3 con" là: Con dê, lợn đen, cá đặc sản và "3 cây" là: Lúa, lạc, chè Shan).

Cây lúa được xác định là một trong 3 loại cây trồng có thế mạnh ở Lâm Bình

Từ sự định hướng rõ ràng đó, các phòng chức năng, tổ chức đoàn thể xã hội của huyện Lâm Bình trong quá trình tham mưu, triển khai các dự án về hỗ trợ Nhân dân phát triển sản xuất, cũng đã đều tập trung vào 3 con và 3 cây thế mạnh của huyện.

Theo báo cáo của huyện Lâm Bình, từ nguốn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở Dự án 2 (Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo), từ năm 2022-2023 huyện đã phê duyệt và triển khai được 22 dự án đa dạng hoá sinh kế (10 dự án nuôi dê sinh sản; 6 dự án nuôi bò sinh sản; 5 dự án nuôi trâu sinh sản, 1 dự án nuôi lợn đen sinh sản) với số hộ tham gia mô hình là 469 hộ (hộ nghèo 240 hộ, hộ cận nghèo 113 hộ, hộ mới thoát nghèo 68 hộ, hộ khác 48 hộ) sau 2 năm triển khai đã có 47 hộ thoát nghèo.

Cùng với đó, huyện Lâm Bình cũng chủ động xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp, xây dựng các sản phẩm OCOP (đến nay trên địa bàn huyện đã có 30 sản phẩm OCOP chất lương như: Lạc, chè, cá, lợn, dê…). Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, nông sản Lâm Bình đã ngày càng có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Ông Trần Xuân Cản – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lâm Bình cho biết thêm: Trong quá trình triển khai và thực hiện các phong trào, hoạt động của Hội Nông dân huyện Lâm Bình, chúng tôi cũng đã tập chung việc việc hỗ trợ nông dân, hội viên nông dân phát triển sản xuất nông – lâm – thủy sản. Từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lâm Bình, chúng tôi đã tập chung vào phát triển các mô hình chăn nuôi bò, dê, lợn đen, cá lồng...

“Chính vì vậy đến nay trên địa bàn huyện Lâm Bình đã có nhiều mô hình của hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu như: Mô hình nuôi cá lòng hồ của anh Nguyễn Văn Tùng năm 2024 ước đạt gần 2 tỷ đồng; mô hình nuôi cá đặc sản ở ao nước sạch của anh Nguyễn Văn Hòa thu nhập 500 triệu đồng/năm; mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi dê tại xã Thổ Hà với 10 hộ gia đình tham gia nuôi 150 con dê, từ năm 2023 đến nay đã bán được trên 100 con dê thịt, thu nhập bình quân từ 100 - 200 triệu đồng/lao động gia đình/năm; mô hình chăn nuôi lợn đen của các hộ gia đình ở xã Phúc Yên, Xuân Lập, Khuân Hà, Thượng Lâm...”, ông Cản cho hay.

Lâm Bình đang dần hình thành nhiều vùng quê đáng sống

Với sự nỗ lực không ngừng của chính quyền các cấp và nhân dân huyện Lâm Bình trong hơn 10 năm XDNTM qua, giờ đây, thay cho những ngôi nhà tranh vách nứa, những thôn, bản, làng, xã đường xá đi lại 4 mùa đều khó khăn… là những ngôi nhà khang trang, hiện đại được xây dựng vững chắc; đường xá đi lại đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Điện lưới thắp sáng được đưa đến từng hộ để phục vụ sinh hoạt và nhu cầu phát triển sản xuất và sinh hoạt. Trường học, trạm y tế được quan tâm đầu tư đáp ứng cho nhu cầu phát triển của người dân… Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 giảm 11,49% (từ 55,91% đầu năm 2021 giảm xuống còn 40,93% cuối năm 2023), tức bình quân giảm 7,5%/năm. Huyện đang phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 34,15%...

Ông Nguyễn Thành Trung - Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết thêm:  Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM ở huyện Lâm Bình đã làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, tác động trực tiếp đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy hoạt động kinh tế - xã hội tại địa phương phát triển. Đến nay đã có nhiều tiêu chí NTM mà 9/9 xã đều đã đạt 100% như: Quy hoạch; thủy lợi và phòng chống thiên tai; điện; thông tin và truyền thông; lao động; giáo dục và đào tạo; văn hóa; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; quốc phòng và an ninh... Đặc biệt, 3 xã Thượng Lâm, Khuôn Hà và Thổ Bình đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Diện mạo vùng nông thôn Lâm Bình đã có nhiều đổi thay, trên địa bàn đã và đang có thêm nhiều “miền quê Lâm Bình đáng sống”./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác