Sống khỏe

Lâm Đồng chủ động khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh lao

Trương Thị Thùy Trang - 14:29 16/08/2022 GMT+7
Thực hiện chỉ đạo của Bệnh viện Phổi Trung ương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng đã hướng dẫn các đơn vị: Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện truyền thông phòng, chống lao trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm mục tiêu giảm số người mắc bệnh lao và tử vong do lao; giảm sự lây nhiễm lao, khống chế bệnh lao đa kháng thuốc để hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng.
TIN LIÊN QUAN

Sàng lọc, phát hiện, điều trị và quản lý bệnh lao, lao tiềm ẩn tới cấp xã

Đến năm 2025, Lâm Đồng phấn đấu giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 50 ca/100.000 dân, giảm số người tử vong do bệnh lao xuống dưới 10 ca/100.000 dân, khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. 

Tầm nhìn đến năm 2030 duy trì thành quả phòng, chống bệnh lao đạt được vào năm 2025 và tiếp tục giảm số người mắc, số người chết do bệnh lao; trong đó, số người mắc bệnh lao trong cộng đồng giảm xuống dưới 20 ca/100.000 dân vào năm 2030.

Để thực hiện mục tiêu này, năm 2021, tỉnh Lâm Đồng đã khám sàng lọc cho gần 4 nghìn người, phát hiện qua chụp phim có tổn thương nghi lao 678 người, xét nghiệm Gen Xpert cho 821 người, tổng số bệnh nhân lao đưa vào điều trị 11 người. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người có hành vi nguy cơ cao, người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS hiểu về bệnh lao và có các biện pháp phòng, chống lao.

Đồng thời xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với người mắc lao; tăng cường công tác chẩn đoán, phát hiện, chăm sóc, dự phòng, hỗ trợ và điều trị người mắc bệnh lao. Tổ chức phát hiện chủ động, Xquang di động, sàng lọc lao trong số người tiếp xúc và hệ thống xét nghiệm Xpert, huy động cộng đồng tham gia phát hiện chủ động, tích cực và điều trị khỏi bệnh lao. Triển khai linh hoạt và đa dạng phong phú các hình thức truyền thông phù hợp với nguồn lực sẵn có của từng địa phương.

Tại Lâm Đồng, hoạt động phòng, chống lao thuộc tiểu dự án Quỹ toàn cầu năm 2021 đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 107 cán bộ y tế cấp huyện, xã về sàng lọc, phát hiện, điều trị và quản lý lao, lao tiềm ẩn, bằng hình thức trực tuyến. Tổ chức 20 buổi truyền thông trực tiếp tại 4 huyện thực hiện dự án gồm: Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Cát Tiên, tuyên truyền về mục đích, nội dung về khám sàng lọc phát hiện bệnh lao chủ động và tình hình bệnh lao tại địa phương; cung cấp một số kiến thức cơ bản về bệnh lao và các biện pháp phòng, chống lao tại cộng đồng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng tổ chức khám, phát hiện bệnh lao mới tại cộng đồng.

Tổ chức khám sàng lọc bệnh lao tiềm ẩn, kết quả sàng lọc bệnh lao cho 559 người, đưa vào điều trị 28 người. Chủ động phát hiện bệnh lao tại 39 xã của 4 huyện thực hiện dự án, với tổng số 3.925 người được khám sàng lọc, chụp phim cho 3.925 người, phát hiện qua chụp phim có tổn thương nghi lao 678 người, xét nghiệm Gen Xpert cho 821 người, tổng số bệnh nhân lao đưa vào điều trị 11 người.

Tỉnh cũng tăng cường phối hợp y tế công - tư trong kiểm soát quản lý bệnh lao. Hiện, toàn tỉnh đã có 9 đơn vị y tế cam kết tham gia kiểm soát bệnh lao gồm: 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 2 bệnh viện chuyên khoa tỉnh (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh), Bệnh viện Nhi, Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt và 2 Phòng khám đa khoa (tại Đà Lạt và Bảo Lộc). Các cán bộ y tế thuộc 9 cơ sở này được tập huấn chuyên môn, trong năm 2021, đã phát hiện chuyển 117 bệnh nhân lao đến chương trình phòng, chống lao thuộc tiểu dự án Quỹ toàn cầu.

Năm 2022, Lâm Đồng tiếp tục duy trì các hoạt động của tiểu dự án Quỹ toàn cầu, tập huấn cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã về sàng lọc, phát hiện, điều trị và quản lý lao, lao tiềm ẩn. Thực hiện truyền thông có sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể tại cộng đồng đối với hoạt động sàng lọc và phát hiện chủ động lao, lao tiềm ẩn tại 4 huyện thuộc dự án.

Bên cạnh đó tiếp tục duy trì sàng lọc bệnh lao tiềm ẩn thường kỳ cho người tiếp xúc hộ gia đình và những nhóm nguy cơ cao, phát hiện chủ động lao ở 4 huyện tiếp theo trong tỉnh. Tổ chức triển khai hoạt động phối hợp y tế công tư trên địa bàn tỉnh.

Sàng lọc định kỳ bệnh lao cho phạm nhân trên địa bàn

Chương trình chống lao tỉnh Lâm Đồng đã triển khai tới 100% số xã và số huyện trong toàn tỉnh, nhưng công tác phát hiện, điều trị và quản lý bệnh nhân lao đang còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các vùng núi, vùng sâu vùng xa, và các nhóm đặc biệt như tù nhân trong trong các trại giam.

Phạm nhân chủ yếu là người trẻ tuổi từ 18-44 tuổi, học vấn thấp và thường sống trong những điều kiện kinh tế xã hội không thuận lợi. Họ thường thuộc những nhóm người di cư, mắc nhiều bệnh tật, sống bên lề xã hội. Phạm nhân trong các cơ sở tập trung có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn nhiều lần ngoài cộng đồng chung, vì điều kiện sống trong trại giam tạo điều kiện cho bệnh tật phát triển và nguy cơ đó vẫn tiếp tục khi họ được ra trại trở về với cộng đồng.

Từ năm 2012, Trại giam Đại Bình tỉnh Lâm Đồng tham gia vào Chương trình chống lao Quốc gia, hoạt động như 1 tổ chống lao tuyến huyện. Công tác khám, phát hiện, chụp phim XQ phổi và xét nghiệm đờm cho những trường hợp nghi ngờ mắc lao được duy trì thường xuyên, nếu kết quả xét nghiệm đờm AFB (+) được cấp thuốc điều trị ngay trong vòng 24 giờ đầu và có sự giám sát hỗ trợ của CTCL tuyến tỉnh. Các trường hợp âm tính, có phim XQ tổn thương được hội chẩn theo quy định của Chương trình.

Qua các điều tra khảo sát cho thấy tỷ lệ mắc lao AFB (+) của phạm nhân trong các trại giam là cao so với cộng đồng. Cùng với Lao/HIV làm cho tỷ lệ lao phổi AFB (-) và lao ngoài phổi gia tăng. Chính vì thế, hoạt động sàng lọc định kỳ bệnh lao cho phạm nhân là một hoạt động rất hiệu quả và sau hoạt động sàng lọc định kỳ cán bộ trại giam có danh sách phạm nhân tổn thương XQ lấy đờm xét nghiệm làm GeneXpert.

Xe Xquang của Công ty Việt – Nhật sàng lọc định kỳ bệnh lao cho phạm nhân tại Trại giam Đại Bình.

Thực hiện công văn số 537/BVPTU-CTCL ngày 14/3/2022 của Bệnh viện Phổi Trung ương về việc sàng lọc bệnh lao cho phạm nhân. Chương trình chống lao tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Công ty cổ phần thiết bị Y tế Việt – Nhật thực hiện sàng lọc định kỳ bệnh lao cho phạm nhân tại Trại giam Đại Bình trong 2 ngày 16/4 – 17/4/2022. Kết quả khám sàng lọc và chụp phim XQ phổi cho 1.503 phạm nhân, trong đó có 34 người có tổn thương phổi nghi lao trên phim XQ, làm xét nghiệm soi đờm trực tiếp cho 150 phạm nhân. Làm xét nghiệm GeneXpert cho 90 phạm. Sau 2 tuần, Trại giam Đại Bình tiếp tục chụp XQ phổi lần 2 cho các trường hợp tổn thương phổi bất thường và hội chẩn với CTCL tỉnh thu dung các trường hợp lao phổi AFB âm tính.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác