Chuyện nhà nông

Làm giàu từ nuôi loài chim khổng lồ

Hoàng Tính - 07:12 23/04/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Bén duyên với những con chim khổng lồ (đà điểu) từ năm 2019, đến nay mô hình nuôi đà điểu đã giúp cho gia đình anh Nguyễn Văn Khiêm (xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) có thu nhập khá.

Giờ đây về xã Giáp Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) không khó để hỏi thăm đến trang trại chăn nuôi đà điểu của anh Nguyễn Văn Khiêm. Sau 3 năm gắn bó với những con đà điểu, gia đình anh Khiêm đã có thu nhập khá, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế ở địa phương.

Mạnh dạn đưa đà điểu về nuôi thương phẩm, anh Nguyễn Văn Khiêm (xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đã có thu nhập khá. Ảnh HND tỉnh Bắc Giang

 Chia sẻ về quá trình đưa giống đà điểu về Giáp Sơn, anh Khiêm cho hay: Trong 1 lần tình cờ được thăm quan mô hình chăn nuôi đà điểu ở Ba Vì (Thành phố Hà Nội), tôi đã bị loài chim khổng lồ này thuyết phục. Năm 2019 về bàn với gia đình nuôi thử 50 con; tiền giống mỗi con giá 2,2 triệu đồng; sau 10 tháng nuôi mỗi con đà điều tăng từ 1,5 kg lên 90-100 kg, tôi bán lại cho các trang trại cấp giống, trừ chi phí thu lãi bình quân 3 triệu đồng/con.

Trong quá trình nuôi, anh Khiêm vừa tìm tòi học hỏi kỹ thuật qua sách báo và các tài liệu trên Internet; ngoài ra anh luôn chủ động liên hệ với các chủ trang trại cung cấp giống để hỏi thông tin. Vì vậy ngay từ lứa nuôi đà điểu đầu tiên, tỷ lệ hao hụt thấp, hiệu quả kinh tế thì rõ rệt.

Nhận thấy nuôi đà điểu thương phẩm với đầu ra ổn định, thu lời cao, trong hai năm 2020, 2021 mỗi năm gia đình anh Khiêm đều đầu tư chăn nuôi 100 con đà điểu/lứa. Chính vì vậy từ việc bán đà điểu thương phẩm gia đình anh Khiêm đã có thu nhập khoảng 300 triệu đồng mỗi năm.

Sức đề kháng cao, nguồn thức ăn dễ kiếm... chăn nuôi đà điểu đang là hướng đi trong phát triển kinh tế hộ ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang

Anh Khiêm chia sẻ thêm: Đà điểu là loài sống ở môi trường hoang dã trên các sa mạc, chính vì vậy sức đề kháng rất cao, ít bệnh tật rất thuận lợi cho người chăn nuôi. Đầu tư chuồng nuôi đà điểu cũng đơn giản, nhưng điều quan trọng nhất là phải có sân chơi và đổ cát để làm nền cho đà điểu vận động, (giống như môi trường tập quán trên sa mạc). Chuồng nuôi đà điều cũng phải cách xa dân cư bởi tập tính sống hoang dã lên đà điểu rất sợ tiếng ồn.

Là loài vật khá phàm ăn, vì vậy trong khu vực nuôi đà điểu cần loại bỏ các vật sắc nhọn, như gạch, đá, thủy tinh, mảnh sành… bởi khi nuốt phải đà điều sẽ bị tổn thương đường ruột, dạ dày; các loại rau cỏ, bèo làm thức ăn cho đà điểu tuyệt đối không nhiễm thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ.

Hiệu quả từ phát triển kinh tế trang trại, đặc biệt là từ mô hình chăn nuôi đà điểu của anh Nguyễn Văn Khiêm đã minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ cùng khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, Nguyễn Văn Khiêm còn luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hộ nông dân trong và ngoài xã về kinh nghiệm chăn nuôi đà điểu thương phẩm để góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Ông Trần Văn Minh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cho hay: Thức ăn chủ yếu của đà điểu là rau cỏ, ngô, thóc… đây là những nông sản rất dễ kiếm, không tốn kém đầu tư khi mua ở huyện Lục Ngạn. Chính vì vậy trong thời gian tới Hội Nông dân huyện Lục Ngạn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cũng như hỗ trợ các hộ gia đình tham quan, học tập kinh doanh nuôi đà điểu.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác