Làng nghề

Làng nghề gỗ Vạn Điểm ngày càng vươn xa

08:11 04/04/2021 GMT+7

Với doanh thu 95-100 tỷ, tạo công ăn việc làm ổn định cho 4.000 lao động, nghề mộc cao cấp ở xã Vạn Điểm huyện Thường Tín (TP. Hà Nội) đang ngày càng phát triển và khẳng định được thương hiệu của riêng mình.

Khẳng định vị trí trên thương trường

Cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 30km hướng Bắc-Nam, chạy theo Quốc lộ 1A hay đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ là tới được Làng nghề gỗ xã Vạn Điểm.

Sản phẩm trang nhã, hoạ tiết cổ kính

Trong những ngày đầu năm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước không khí tấp nập, sôi động ở nơi đây bởi những tiếng cưa, tiếng xẻ, tiếng máy đục… những chiếc xe tải nối tiếp nhau xếp hàng để đi khắp các vùng miền của cả nước.

Với những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo lại phát huy được truyền thống “bách nghệ của Xứ Đoài”, người dân làng nghề xã Vạn Điểm đã khẳng định được thương hiệu của mình qua các sản phẩm: Sập gụ, tủ chè, bàn ghế đến giường, tủ, đồ thờ… từ những thân gỗ quý nhập khẩu: Lim, gụ, hương, trắc, mun, gõ đỏ… Vạn Điểm đã khẳng định mình trên thị trường với nhiều làng nghề truyền thống Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Chàng Sơn (Thạch Thất – TP.Hà Nội).

Ở mỗi sản phẩm đều mang nét riêng của Vạn Điểm, tạo nên một thương hiệu khó nhầm lẫn, thể hiện ở nét hình thưa thoáng, vẻ đẹp trang nhã, họa tiết, hoa văn cổ kính nhưng duyên dáng, ưa nhìn.

Hiện nay ở xã Vạn Điểm có 3 thôn phát triển làm nghề mộc cao là Đặng Xá, Vạn Điểm và Đỗ Xá; Trong đó, 2 thôn đã được TP. Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống chuyên sản xuất đồ gỗ (làng Vạn Điểm được công nhận năm 2001, làng Đặng Xá được công nhận năm 2006) với hơn 1.000 hộ sản xuất lớn, nhỏ.

Ông Nguyễn Như Vương, ở thôn Vạn Điểm cho biết: Hiện nay với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhất là trong khâu đục, đã có máy tự động, chỉ cần cài đặt trên máy tính là máy có thể đục 24/24h, sản phẩm tạo ra rất sắc nét. Vì vậy đã giảm được sức lao động rất lớn cho người dân chúng tôi.

Máy đục góp phần giảm sức lao động cho người dân làng nghề Vạn Điểm.

Trước đây các công đoạn sản xuất đều được người làm nghề ở xã Vạn làm thủ công, thì nay đã được hiện đại theo hướng chuyên môn hóa, với những máy thông dụng như: Máy đục, máy vanh, máy mài, máy khoan, đánh giấy giáp…

Chinh phục thị trường quốc tế

Ngày nay, sản phẩm đồ gỗ cao cấp Vạn Điểm đã có mặt ở khắp nơi, trở thành địa chỉ uy tín đáng tin cậy của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Thị trường tiêu thụ nội địa càng mở rộng và việc xuất khẩu đi nước ngoài cũng khá tiện lợi.

Hàng hóa của Vạn Điểm ngày càng đáp ứng được yêu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, những loại đắt tiền thì làm bằng gỗ trắc, mun; còn thì phổ biến là gỗ gụ và cũng tùy theo giá trị mà hàng được đóng với chất lượng cao.

Nhiều sản phẩm đã chinh phục thị trường trong và ngoài nước

Ở đây có cả hàng đặt theo hợp đồng và hàng chợ theo nhu cầu người mua. Nhiều lô hàng của công ty tư nhân và của các chủ hàng đã được xuất sang Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hàng Vạn Điểm đã có tiếng trên thương trường và luôn giữ được chữ tín.

Nhiều chủ hộ sản xuất ở Vạn Điểm đã đưa hàng đi triển lãm hội chợ, hội thi và đều dành được những phần thưởng xứng đáng. Người thợ Vạn Điểm luôn năng động, sáng tạo, biết cải tiến các mẫu mã cho phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

Anh Hoàng Kỳ Tùng ở đường Làng Nghề – thôn Vạn Điểm cho biết thêm: Với việc hiện đại hoá của máy móc, làng nghề đã có hàng trăm mẫu đáp ứng cho mọi nhu cầu của khách hàng. Với nhiều vị khách khó tính chúng tôi lại có những mẫu thiết kế riêng tạo sự đặc sắc và “Độc nhất vô nhị”.

Rất nhiều thanh niên sinh ra ở làng quê Vạn Điểm đã đúc kết được kinh nghiệm, học hỏi được nghề trở thành những ông chủ trẻ có xưởng sản xuất quy mô lớn.

Về miền quê Vạn Điểm hôm nay, ai ai cũng nhận thấy sự đổi thay của một làng nghề với rất nhiều cái mới, xóm làng được “thay da đổi thịt”, nhiều nhà tầng, biệt thự được mọc lên, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Vạn Điểm được nâng lên rõ rệt cũng là nhờ từ đồ gỗ mỹ nghệ.

Một số sản phẩm của làng nghề gỗ Vạn Điểm:

Câu đối treo tường
Tranh đồng hồ
Tủ bàn thờ.
Sập ngụ, tủ chè cổ kính                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                       Hoàng Tính
Tin cùng chuyên mục
Tin khác