Nghệ An tham gia “Lễ hội hoa đào, quất cảnh và sản phẩm OCOP các vùng miền Xuân Giáp Thìn 2024” tại Hà Nội
Đây là hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề trong chuỗi du lịch văn hóa tâm linh và làng nghề, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trong giai đoạn mới, lần đầu tiên TP. Hà Nội tổ chức.
Theo đó, Lễ hội được diễn ra trong 7 ngày, gồm chuỗi các hoạt động và sự kiện hấp dẫn: Khai mạc Lễ hội và tôn vinh các tổ chức, cá nhân đoạt giải Hội thi hoa đào, quất cảnh Thành phố Hà Nội năm 2024 trên địa bàn quận Tây Hồ. Với chương trình nghệ thuật đặc sắc hội tụ nhiều nghệ sỹ tên tuổi kết hợp với hoạt động thực cảnh với quy mô gần 20.000m2 có nhiều hoạt cảnh sống động như: Du Xuân chợ Tết; trẩy hội Hồ Tây; trải nghiệm Tết xưa...
Ngoài ra còn có khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền với quy mô 100 gian hàng; khu trưng bày, giới thiệu, quảng bá hoa đào, quất cảnh Tây Hồ; hoa, cây cảnh, tiểu cảnh tạo hình nghệ thuật; triển lãm Bonsai tre nghệ thuật “Vũ điệu Rồng tre” do CLB Bonsai Tre Việt thực hiện với diện tích trên 3.000m2.
Cam của trang trại hữu cơ Ngọc Hường là sản phẩm được lựa chọn tham gia trưng bày, quảng bá. Ảnh: Lữ Nghĩa
Tỉnh Nghệ An tham gia lễ hội với các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tiêu biểu như: Cà gai leo, dây thìa canh, tinh bột nghệ, tinh bột sắn, mật ong, cam hữu cơ, hà thủ ô… của các chủ thể như: Công ty Cổ phần dược liệu Pù Mát, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bình An, trang trại cam hữu cơ Ngọc Hường…
Nhiều sản phẩm như: Hà thủ ô, tinh bột nghệ, tinh bột sắn, mật ong… tham gia lễ hội. Ảnh: Lữ Nghĩa
Khu trưng bày tái hiện không gian Tết Việt và trò chơi dân gian trong ngày Tết cổ truyền, đến từ các làng nghề truyền thống như: Trải nghiệm nghề giã giò, chả của xã Tân Ước, nghề làm nón làng Chuông; trải nghiệm nghề gốm Bát Tràng; trải nghiệm nghề gói bánh chưng làng nghề Tranh Khúc; trưng bày sản phẩm làng nghề đồ thờ Sơn Đồng; trải nghiệm nghệ thuật Tranh Kim Hoàng; trải nghiệm nghề nặn tò he làng nghề Xuân La và nghề may truyền thống Vân Từ; nghề may áo dài Trạch Xá; làng nghề chuồn chuồn tre Thạch Xá; nghề giấy gió phường Bưởi….
Bên cạnh đó còn có ẩm thực ba miền, bên cạnh những đặc sản ngày Tết của Thủ đô, thực khách được trải nghiệm những món ăn nổi tiếng các vùng, miền trong cả nước. Đặc biệt, nhà hàng chay Đạo An lần đầu giới thiệu những món ăn độc đáo từ sen và đặc sản Tây Hồ.
Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát là một trong những chủ thể tiêu biểu với các sản phẩm như: cà gai leo, dây thìa canh… Ảnh: Lữ Nghĩa
Tham gia lễ hội du khách không chỉ được đắm chìm trong không khí của sắc Xuân đất Việt giàu bản sắc văn hóa truyền thống, mà còn được hòa mình trong không gian sinh cảnh lung linh sắc màu của hoa đào, quất cảnh, sen Tây Hồ, hoa cây cảnh, tiểu cảnh tạo hình nghệ thuật với linh vật cổng song long “tinh hoa hội tụ” khổng lồ được tạo hình nghệ thuật bằng hoa quả; chiêm ngưỡng bộ sưu tập cây cảnh nghệ thuật độc đáo; tìm hiểu phong tục thờ cúng gia tiên, nghệ thuật bài trí đồ thờ, sắp xếp mâm ngũ quả, mâm cỗ truyền thống ngày Tết của người Việt; trải nghiệm các trò chơi dân gian, thú chơi hoa, cây cảnh, nhạc cụ dân tộc, thưởng trà, khai bút đầu xuân vô cùng hấp dẫn.
Tỉnh Nghệ An tham gia với 3 gian hàng với hơn 50 sản phẩm. Ảnh: Lữ Nghĩa
“Lễ hội hoa đào, quất cảnh và sản phẩm OCOP các vùng miền xuân Giáp Thìn 2024” diễn ra tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ, là một trong những điểm nhấn quan trọng nhằm kết nối chuỗi hoạt động văn hóa với các hội hoa Xuân khắp Thành phố, thực sự đã trở thành điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua trong dịp này đối với nhân dân Thủ đô, cũng như đông đảo du khách trong và ngoài nước.