Lễ mừng lúa mới của người Jrai: Lòng biết ơn mẹ thiên nhiên
Dân tộc Jrai là một trong 54 dân tộc Việt Nam. Trải qua bao nhiều thăng trầm, biến thiên của lịch sử, đồng bào vẫn giữ được nhiều sinh hoạt văn hóa hết sức riêng biệt và đặc sắc. Trong đó, lễ mừng lúa mới có ý nghĩa quan trọng để tạ ơn các vị Thần đã cho buôn làng có được một mùa vụ no đủ.
Từ bao đời nay, mỗi năm khi mùa màng đã đến kỳ thu hoạch, khi rượu trong ché đã nồng đượm thơm men cũng là lúc lễ mừng lúa mới của người Jrai (hay Gia Rai) ở Tây Nguyên được tổ chức với ý nghĩa quan trọng. Theo các già làng, lễ cúng này để xin các vị Thần (7 vị Thần: Thần Đất, Thần Trời, Thần Nước, Thần Nuôi dưỡng, Thần Che chở, Thần Bảo vệ và Thần Lúa) phù hộ cho gia đình, dòng tộc và cả bản làng được bình an. Đây cũng là dịp để tạ ơn các vị Thần đã che chở cho dân làng mùa màng tốt tươi từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch.
Với tâm hồn mộc mạc, bình dị, người Jrai cho rằng vạn vật đều hữu linh và các vị thần linh cũng có đời sống tình cảm như con người. Do đó nếu như biết ơn, dâng cúng với một tấm lòng thành kính với lễ vật đầy đủ thì sẽ được các bậc ơn trên, thần linh che chở. Từ quan niệm đó, lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Tây Nguyên được tổ chức đều đặn hằng năm và cũng trở thành một nét đẹp văn hoá độc đáo của người dân nơi đây.
Theo phong tục của người Jrai, lễ cúng mừng lúa mới được chia thành hai phần rõ rệt: phần lễ và phần hội. 3 hoạt động chính gồm: cúng lúa mới tại rẫy, cúng tại kho lúa và cúng tại nhà chủ lúa. Trước khi tổ chức lễ tại nhà, người Jrai tiến hành cúng lúa mới tại rẫy. Lễ vật cho buổi lễ cúng ở rẫy chủ yếu là rượu, gà và đặc biệt là phải có một cái chén để đựng rượu bằng đồng.
Để nghi lễ được diễn ra suôn sẻ, ngay từ sáng sớm chủ nhà cùng các thành viên và thầy cúng ra ruộng chuẩn bị kỹ lưỡng lễ vật để làm nghi thức cúng hồn lúa tại rẫy. Đối với người Jrai, chủ lễ thường là người bác cả của dòng họ. Bởi đây là người có vai trò và vị trí quan trọng trong hệ thống thần tộc, là người lớn tuổi có kiến thức và uy tín của dòng họ.
Trong lúc khấn thầy cúng sẽ làm động tác chạm 7 lần vào chén rượu đồng và cầu khấn 7 vị thần cho lúa mau chín, cho lúa thơm ngon. Đặc biệt, sau mỗi lời khấn các thành niên nam nữ khỏe mạnh sẽ nhẹ nhàng vuốt từng bông lúa, không làm cây lúa bị đau, không phạm đến các thần. Người Jrai tin rằng có như vậy mùa vụ năm ấy mới tốt tươi bội thu.
Khi dâng cúng xong, phong tục của người Jrai vẫn theo chế độ mẫu hệ, nên người được mời rượu đầu tiên là người phụ nữ, đầu tiên là vợ và mẹ vợ chủ lúa, rồi tiếp theo là chủ lúa và anh của vợ chủ lúa. Sau đó lần lượt khách đến dự từ lớn đến nhỏ cùng uống rượu. Cũng như bao lễ nghi khác trong năm, nghi lễ cúng lúa mới ngoài rẫy người Jrai cũng mời anh em, bạn bè đến càng đông càng tốt để chung vui cùng cầu may mắn bình an, no đủ.
Sau khi lễ cúng tại rẫy xong, tất cả nam nữ cùng nhau thực hiện việc tuốt lúa để đưa cất vào chòi lúa và kết thúc phần cúng ở ngoài rẫy, chuẩn bị cho lễ cúng mừng lúa mới tại nhà. Lễ vật cúng tại nhà sẽ cầu kỳ hơn gồm gà, lợn, cây nêu, 1 thúng lúa, rồi cả những vật dụng như nia, liềm, gùi, thúng... Và không thể thiếu 3 ché rượu, 1 ché để cúng Thần linh, 1 ché dành cho bác cả của dòng họ và 1 ché để cảm ơn thầy cúng.
Có một điều đặc biệt là trong lễ mừng lúa mới, trước khi lúa được đưa vào kho người Jrai sẽ tiến hành cúng kho lúa hay còn gọi là rước hồn lúa vào kho. Kho lúa như một ngôi nhà sàn thu nhỏ, có diện tích chừng 10 mét vuông được làm bằng ván trụ gỗ, mái tranh kín đáo, tránh mưa nắng và ngăn các loài chim, sóc, chuột chui vào phá hoại. Kho lúa có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của đồng bào Jrai. Vì thế, việc làm kho lúa được người Jrai đặc biệt quan tâm.
Theo quan niệm của người Jarai, bông lúa tượng trưng cho sự sinh sôi phát triển, hạt gạo mang đến sự no ấm yên vui cho cuộc sống con người. Lúa tốt thì đời sống con người sung túc đủ đầy. Chính vì vậy, con người có nhà để trú ngụ thì lúa cũng phải có kho để ở. Nếu gia đình nào không có kho để đựng lúa thóc sẽ bị Giàng trách phạt, không được ban tặng sự no đủ. Cũng xuất phát từ đó, lễ cúng kho lúa cũng đặc biệt được coi trọng như đối với nhà ở.
Đối với lễ cúng lúa mới tại nhà cũng được tiến hành tương tự như ở ngoài rẫy. Sau đó là lễ giã gạo nấu cơm. Việc giã gạo từ lúa mới thường được các cô gái đảm nhiệm. Trong quá trình các cô gái giã gạo, các chàng trai có động tác vỗ đinh bương làm nhịp tạo ra không khí vui vẻ, để các cô gái quên đi mệt mỏi cũng như làm cho ngày lễ thêm phần vui tươi.
Trong ngày mừng lúa mới, gia chủ cũng phải chuẩn bị thêm nhiều đồ ăn thức uống để thết đãi khách mời. Tuy nhiên, các vị khách thường đều mang theo một ít thịt rượu để đến góp vui, cầu may mắn.
Kết thúc phần nghi lễ, mọi người cùng nhau ăn uống trò chuyện thâu đêm suốt sáng. Lúc này, tiếng chiêng tiếng trống cùng ngân vang, buôn làng cùng nhau vui hát. Mọi người cùng hòa trong điệu múa xoang xoay vòng và những điệu dân ca dân vũ.
Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Tây Nguyên còn là dịp để cộng đồng, buôn làng lưu giữ những kết nối tình cảm, gắn bó với nhau, bởi đó không còn là việc riêng của mỗi gia đình mà là việc chung của cả buôn làng.
Theo VOV