Liên kết nâng giá trị bưởi da xanh ở Củ Chi
Do phù hợp phát triển trên vùng đất gò địa phương, nên cây bưởi da xanh trồng tại xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) cho năng suất cao, trái đẹp, da xanh ruột hồng, ngọt, dòn, được khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt, người trồng bưởi đã liên kết thành lập Tổ hợp tác (THT) trồng bưởi da xanh Phú Mỹ Hưng để mở rộng diện tích và gia tăng giá trị cho quả bưởi đặc sản này.
Liên kết sản xuất mở rộng quy mô
Hiện nay, diện tích trồng bưởi của Tổ hợp tác đã tăng lên 15ha, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 120 tấn bưởi với doanh thu 4 tỷ đồng/năm. Theo ông Lê Minh Truyền, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Thời gian qua, THT luôn nghiên cứu, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân có nhu cầu. Sản phẩm bưởi da xanh của THT được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, có mã vạch, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhằm phục vụ quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm.
Bưởi là một loại cây ăn quả chủ lực nằm trong quy hoạch của địa phương. Đồng thời, đây cũng là loại quả được ưa chuộng nhất, có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tiềm năng thị trường tiêu thụ bưởi da xanh được dự báo là rất lớn, những cơ sở sản xuất có thương hiệu và đạt các tiêu chuẩn có nhiều thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt cho thị trường cao cấp và xuất khẩu.
Nhằm hỗ trợ người trồng bưởi trong tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp, theo ông Truyền trong thời gian tới THT sẽ tổ chức buổi giao lưu giới thiệu các sản phẩm sinh học nhằm giúp nâng cao năng suất cây trồng. Từ đó, hỗ trợ các thành viên trong Tổ chăm lo phát triển năng suất và chất lượng vườn bưởi.
Trên diện tích vườn bưởi đã được đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, với hệ thống béc tưới cây tự động giúp tiết kiệm sức lao động và tưới được đều hơn. Thêm vào đó, THT còn sử dụng máy phun thuốc với sức chứa 200 lít giúp nhẹ sức lao động, tăng hiệu suất phun thuốc. Chính việc áp dụng khoa học kỹ thuật giúp tiết kiệm được tiền công lao động và mang lại năng suất cao hơn nên sẽ mang lại thu nhập tốt hơn so với hướng truyền thống.
Ngoài ra, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng những sản phẩm sinh học kết hợp phân bón hữu cơ nên cây sẽ có đủ dưỡng chất cho ra nhiều quả ngon ngọt cũng như chế phẩm sinh học giúp diệt những côn trùng gây hại mà từ đó trái sẽ được đẹp và đều. Nên vì thế mà bưởi của Tổ hợp tác rất được mọi người ủng hộ vì chất lượng tốt không chỉ ngon mà còn đảm bảo mẫu mã đẹp.
Ông Truyền đánh giá, việc liên kết sản xuất với nông dân sẽ tạo vùng sản xuất quy mô lớn, THT luôn chủ động nguồn cung ứng sản phẩm thường xuyên cho các thương lái, siêu thị và xuất khẩu. Mô hình bưởi da xanh cho hiệu quả cao vì được thị trường ưa chuộng. Giống bưởi lại phù hợp với đất đai ở địa phương nên bưởi phát triển rất tốt. Từ khi được chứng nhận VietGAP đã giúp kết nối tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Cây chủ lực nâng cao thu nhập
Từ khi đưa về địa phương trồng cây bưởi da xanh đã phát triển rất tốt. Hiện nay, năng suất và sản lượng bưởi trung bình đạt 37 tấn/ha. Hiện các tổ viên tham gia mô hình đều đạt chứng nhận VietGAP. Để nâng cao giá trị và tận dụng quỹ đất, nhiều hộ đã chủ động trồng xen canh một số loại rau đặc sản của địa phương để lấy ngắn nuôi dài và giữ ẩm đất giúp cho cây bưởi phát triển tốt.
Hiện nay, tại địa phương cây bưởi được nông dân ưu tiên trồng, phát triển diện tích sản xuất vì giá trị mang lại kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác và cho trái quanh năm. Để cây bưởi đạt năng suất chất lượng, ngoài kiến thức kỹ thuật sẵn có, bà con nông dân cần tham khảo thêm kinh nghiệm thực tế của các nhà vườn như khi cây ra hoa kết trái, cần ngắt bỏ bớt trái, chỉ chọn để lại những trái to, khỏe trên thân nhánh chính. Tỉa cành, tạo tán cho cây giúp cây thông thoáng, ít sâu bệnh, phát triển tốt và chú ý việc ghi chép nhật ký đồng ruộng qua đó kiểm soát được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng cho cây trong từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Trong thời gian chăm sóc bưởi, ruồi đục trái xuất là đối tượng gây hại mà các nhà vườn đang e ngại hiện nay. Để khắc phục, hầu hết các nhà vườn đều thực hiện bao trái và các hộ đã được cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình khuyến cáo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ…
Ông Truyền cho biết thêm: Chính quyền địa phương luôn động viên các hộ nông dân trong THT phối hợp với đơn vị khuyến nông trong việc chuyển giao những mô hình đạt hiệu quả. Mong rằng các hộ sẽ tiếp tục duy trì và chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân lân cận để nhân rộng.
Theo ông Phạm Phú Cường, Phó Chủ tịch Hội ND huyện Củ Chi, cho biết: Mô hình vườn bưởi da xanh của ông Truyền và Tổ hợp tác được đầu tư khá bài bản và đạt hiệu quả. Ông Truyền là hội viên nông dân đam mê nông nghiệp, cần cù, chăm chỉ sáng tạo trong sản xuất. Mô hình của Tổ hợp tác mang lại doanh thu bình quân 37 tấn/ha/năm với diện tích 5.000m2 cho thu nhập là 600 triệu đồng/năm.
“Thời gian qua, được Hội ND huyện Củ Chi tư vấn hỗ trợ thành lập THT Bưởi da xanh VietGAP, các thành viên đã gặp gỡ, trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc vườn bưởi, các mô hình kinh tế tập thể như THT bưởi da xanh, Hợp tác xã trồng rau… xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn. Sắp tới, địa phương sẽ từng bước quy hoạch lại vùng sản xuất, ưu tiên phát triển các loại cây ăn trái, hướng tới hình thành đặc sản địa phương. Các hộ tham gia mô hình trong thời gian qua đã thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông để tạo ra sản phẩm bưởi an toàn cho người tiêu dùng” ông Cường cho hay.
Bưởi da xanh là giống bưởi đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống Quốc gia. Bưởi da xanh đã được xuất khẩu sang 50 thị trường khác nhau trên thế giới.
Vân Nguyễn