Chuyện nhà nông

Lợi nhuận tăng cao khi trồng rừng gỗ lớn

Hoàng Tính - 07:18 19/11/2022 GMT+7
Đó là chia sẻ của những hộ dân trồng rừng gỗ lớn ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ khi được hỏi về giá trị trong việc trồng và phát triển rừng gỗ lớn trong thời gian vừa qua.

Với diện tích 45.000ha đất lâm nghiệp, Thanh Sơn là huyện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn của tỉnh Phú Thọ; chính vì vậy những năm qua Chính quyền và các ngành chức năng huyện Thanh Sơn đã tích cực tuyên truyền, vận động và triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp bà con trồng rừng; đặc biệt là giải pháp trồng rừng gỗ lớn để tăng thu nhập.

Chuyển sang trồng rừng gỗ lớn người dân huyện Thanh Sơn đã có thu nhập khá

Ngoài thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh Phú Thọ, huyện Thanh Sơn cũng tập trung các nguồn lực để hỗ trợ người dân. Đồng thời các ngành, địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ tập trung đầu tư trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật cho các hộ trồng rừng để nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Rừng ở Thanh Sơn chủ yếu là cây keo, mỡ, bồ đề. Bình quân mỗi năm huyện Thanh Sơn trồng được trên 2.000ha rừng. Đến nay, toàn huyện đang có khoảng 500ha rừng trồng gỗ lớn, tập trung ở một số xã như: Võ Miếu, Thạch Khoán, Tất Thắng, Cự Thắng, Thục Luyện.

Chia sẻ về việc phát triển trồng rừng gỗ lớn, hội viên nông dân Nguyễn Văn Sơn ở xã Cự Thắng cho hay: Gia đình tôi có 10ha chuyên trồng keo, nếu như trước đây trồng 6-7 năm thì chặt bán với năng xuất 80m3/ha, tính ra trừ chi phí được 6 triệu đồng/ha/năm. Nhưng chuyển sang rừng gỗ lớn khoảng 10 năm sẽ cho thu 150m3/ha trừ chi phí sẽ cho lợi nhuận 12 triệu đồng/ha/năm. Chính vì vậy giờ đây gia đình đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng rừng gỗ lớn.

Cũng giống như ông Sơn, gia đình ông Lương Sơn Hải ở xã Tất Thắng cũng đã phát triển trồng rừng gỗ lớn trong những năm trở lại đây, ông Hải cho biết thêm: Việc bán gỗ đứng (cây chưa khai thác) ngay tại rừng có thể cho lợi nhuận 120 triệu đồng/ha/chu kỳ, nhưng nếu các chủ rừng tự khai thác và vận chuyển đến các cơ sở chế biến gỗ thì hiệu quả còn cao hơn, trừ chi phí, trung bình lãi khoảng 170 đến 200 triệu đồng/ha/chu kỳ 10 năm và lợi nhuận tăng gấp 3 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ.

Việc người dân chủ động chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn thời gian qua ở huyện Thanh Sơn đã thấy có rất nhiều cái lợi. Trồng rừng gỗ nhỏ thời gian ngắn, nhưng cây vẫn còn nhỏ, chỉ có thể bán làm dăm gỗ giá rẻ; nhưng khi chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, rừng được bán cho các đơn vị xẻ gỗ ván với giá cao hơn nhiều lần, ngoài ra thì các cành, ngọn vẫn bán được cho các cơ sở làm dăm gỗ.

Theo người dân huyện Thanh Sơn tính toán trồng rừng gỗ keo sau 5 năm bán làm dăm gỗ giá chỉ 1.000 đồng/kg. Thế nhưng cây keo trồng được hơn 10 năm, phần thân bán được với giá khoảng 14.000 đồng/kg, giá phần gốc khoảng 17.000 đồng/kg, cành cây lại đem bán giá dăm gỗ. Cùng với đó người trồng rừng gỗ lớn chỉ phải đầu tư phân bón, giống cây trồng, công trồng một lần; nhưng người trồng rừng gỗ nhỏ sau khi thu hoạch thì lại phải trồng lại vụ mới, và đầu tư từ đầu rất tốn kém. Bên cạnh đó cây gỗ đã trồng được từ 5 năm trở lên sống rất khỏe, lớn nhanh rủi ro ít hơn nhiều so với cây trồng từ nhỏ.

Đặc biệt rừng cây gỗ lớn lại mang thêm cả giá trị khác như: Khả năng giữ nước, khả năng chống xói mòn tốt hơn nhiều so với những rừng cây nhỏ, nên rất thích hợp với huyện miền núi Thanh Sơn.

Mặc dù hiệu quả kinh tế rừng gỗ lớn cao hơn hẳn rừng gỗ nhỏ, nhưng việc phát triển rừng gỗ lớn ở huyện Thanh Sơn vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, bài toán khó giải nhất chính là người dân không có điều kiện “lấy ngắn nuôi dài” khi cây gỗ lớn cần thời gian dài để cho thu hoạch. Phần lớn các hộ dân gặp khó khăn trong cuộc sống, cần tiền để mua sắm, chi tiêu... nên đã phải bán rừng non, dẫn tới sản lượng gỗ thấp, đất bị quay vòng nhanh, bạc màu.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác