“Mát tay” với những cây, con đặc sản rồi trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc 2022
Thoát nghèo từ cây ăn quả
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Gia Cát, chính vì vậy ông Dũng luôn mong mỏi làm giàu bằng nông nghiệp ngay trên chính quê hương của mình, vì vậy mà ông đã không ngừng tìm tòi và phát triển những cây trồng, vật nuôi. Giờ đây mỗi năm trang trại tổng hợp của gia đình ông Dũng đã có thu nhập trên 500 triệu đồng và trở thành mô hình tiêu biểu để nhiều người đến thăm quan học tập.
Theo ông Dũng chia sẻ, trước đây gia đình ông cũng giống như các gia đình khác ở địa phương chỉ trồng lúa, ngô, sắn. Cũng rất siêng năng, cần cù chịu khó, làm việc quanh năm, vất vả là vậy nhưng do giá bán nông sản thấp, thu nhập cũng chả đáng là bao, cái nghèo vẫn cứ đeo bám.
Không cam chịu cái nghèo, ông Dũng đã tự mình đi tìm hiểu cách làm ăn từ những mô hình kinh tế hộ gia đình ở trong và ngoài huyện Cao Lộc, ông nhận thấy phát triển cây ăn quả là hướng đi đem lại thu nhập khá.
Vì vậy, từ năm 1994 ông Dũng đã mạnh dạn mua 200 cây mận cơm về để trồng; với chất đất và khí hậu phù hợp, những cây mận cơm đã phát triển nhanh chóng, sau 3 năm gia đình ông Dũng đã bắt đầu có mận cơm để bán. Với lợi thế là nằm gần trung tâm thành phố Lạng Sơn, vì vậy chỉ cần mang mận cơm ra các chợ Kỳ Lừa, Đông Kinh là đã được các thương lái, cửa hàng hoa quả thu mua hết.
Từ thành công của cây mận cơm, đến năm 1998 ông Dũng lại tiếp tục đưa 200 cây hồng không hạt Bảo Lâm về trồng, đây là cây trồng được đánh giá là “khó tính” bởi cây hay bị sâu bệnh và đòi hỏi nhiều kỹ thuật chăm sóc.
Sau nhiều năm trồng cây hồng không hạt Bảo Lâm, ông Dũng rút ra kinh nghiệm: Đây là cây không ưa các loại phân bón hoá học, chính vì vậy từ khi trồng phải chăm sóc cẩn thận bằng phân chuồng, phân xanh để cây có sức đề kháng tự nhiên tốt, như vậy vừa chống lại được các bệnh (thán thư, giác ban) và cho chất lượng quả tốt nhất.
Với cách làm tỷ mỉ, cận thận, những trái hồng không hạt Bảo Lâm của gia đình ông Dũng khi ăn luôn có vị giòn, thơm, ngọt đậm và đặc biệt là không có hạt, chính vì vậy khi ai ăn một lần thì luôn nhớ mãi hương vị.
Hiện nay với 200 cây hồng Bảo Lâm đang cho thu hoạch từ 50kg-200kg/cây/năm; giá bán lại ổn định, bình quân khoảng 40.000 đồng/kg; mỗi năm đã cho gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng.
Thêm một niềm vui đến với người dân trồng hồng không hạt Bảo Lâm ở xã Gia Cát, là từ năm 2012 sản phẩm đặc sản hồng không hạt Bảo Lâm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý. Vì vậy mà việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn rất nhiều cho bà con nơi đây.
Ông Dũng cho biết: Hiện nay tỉnh Lạng Sơn đang thúc đẩy việc phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm các miền quê; chính vì vậy để nắm bắt nhu cầu, đón xu thế về du lịch, thời gian vừa qua gia đình ông đã quy hoạch lại diện tích trồng cây ăn quả và trồng thêm 600 cây hồng không hạt Bảo Lâm để tạo cảnh quan đẹp và trở thành điểm “check in” cho khách du lịch, thăm quan vào mùa hồng chín.
Không chỉ có cây mận cơm, cây hồng không hạt Bảo Lâm mà ông Dũng còn trồng thêm 800 cây thông để lấy nhựa và bước đầu thử nghiệm một số giống cây trồng dược liệu.
Cùng nhau làm giàu
Không chỉ “mát tay” trong việc trồng cây, ông Dũng còn được biết tới là người đi đầu trong phát triển chăn nuôi gà sáu ngón Mẫu Sơn ở xã Gia Cát. Đây là loại gà rất đặc trưng của chỉ có riêng tại vùng núi Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Từ khi gà mới nở đã có nhiều ngón chân mọc thành chùm ở cổ chân gần với vị trí cựa của các giống gà khác.
“Thịt gà sáu ngón Mẫu Sơn săn chắc có chất lượng thịt thơm ngon, đậm đà đặc trưng riêng và đầy đủ chất dinh dưỡng. Vì vậy mà việc tiêu thụ thịt gà thương phẩm rất thuận lợi, có đến đâu bán hết đến đó” ông Dũng chia sẻ thêm.
Ngoài ra, từ năm 2009 nhận được nguồn vốn vay của Hội Nông dân xã Gia Cát, ông Dũng đã mạnh dạn cải tạo 2.000 m2 diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để thành ao nuôi thả cá (chép, rô phi...) và có nước để tưới phục vụ cho cây ăn quả (vào mùa Đông).
Bên cạnh đó gần đây ông Dũng đã thành công trong việc nuôi thử nghiệm cá bỗng (Đây là loại cá đặc sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc) và ếch hương (loài ếch đặc sản ở vùng núi Mẫu Sơn). Hy vọng trong thời gian tới thì cá bỗng và ếch hương sẽ sớm có mặt trên thị trường để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Bà Hoàng Thị Huệ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) cho hay: Trang trại tổng hợp của ông Hoàng Trọng Dũng là mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở huyện Cao Lộc; thời gian qua chúng tôi đã thường xuyên tổ chức các đoàn của Hội Nông dân đến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm. Cái hay của mô hình kinh tế của gia đình ông Dũng là đã tìm ra hướng đi từ những cây, con bản địa, vì vậy mà bà con nông dân cũng dễ học tập và làm theo.
Trong thời gian qua ông Dũng còn hỗ trợ 800 cây hồng không hạt Bảo Lâm miễn phí để bà con nông dân phát triển sản xuất, hỗ trợ hàng trăm lượt người đến thăm quan học tập kinh nghiệm về kỹ thuật phát triển kinh tế trang trại tổng hợp.
Nhằm giúp mọi người cùng phát triển kinh tế, ông Dũng đã cùng với 23 hộ gia đình trên địa bàn thành lập HTX nông nghiệp cây con bản địa, để cùng nhau chia sẻ cách sản xuất, liên kết tạo chuỗi hàng hoá lớn.
Với những đóng góp của mình, trong nhiều năm qua, ông Hoàng Trọng Dũng đã trở thành tấm gương tiêu biểu của Hội Nông dân xã Gia Cát, huyện Cao Lộc nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Ghi nhận những kết quả đó ông Dũng đã nhận được nhiều phần thưởng của Hội Nông dân các cấp và trong năm 2022 ông đã vinh dự trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.