Mong Chính phủ bình ổn giá để nông dân yên tâm sản xuất
Đó là những vấn đề đang nổi cộm hiện nay như: Hiện tượng bán đất nông nghiệp diễn ra tại nhiều tỉnh, thành; Giá phân bón và thức ăn chăn nuôi tăng cao làm ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi và trồng trọt... tâm lý của người nông dân đang rất lo lắng trước các biến động trên.
Sốt đất, phân lô tách thửa đất nông nghiệp tràn lan, nông dân lo lắng
Tình trạng sốt đất, phân lô tách thửa đất nông nghiệp, tình trạng tín dụng “đen” len lỏi khắp các lĩnh vực đời sống nông thôn là những vấn đề khiến nhiều cán bộ, hội viên nông dân bất an.
Nhiều hội viên nông dân ở Tây Ninh đã phản ánh những vấn đề nóng đang diễn ra trong đời sống hiện nay. Đó là tình trạng tín dụng “đen” len lỏi khắp các lĩnh vực đời sống nông thôn. Tình trạng chơi hụi dẫn đến “bể” hụi gây khốn đốn cho nhiều người…
Vấn đề sốt đất, phân lô tách thửa đất nông nghiệp được rất nhiều nông dân Tây Ninh quan tâm phản ánh.
Đặc biệt, vấn đề sốt đất, phân lô tách thửa đất nông nghiệp được rất nhiều nông dân Tây Ninh quan tâm phản ánh. Ông Nguyễn Văn Bên, hội viên Hội Nông dân xã Phan (huyện Dương Minh Châu) cho biết, tình hình đất nông nghiệp bị cò đất mua lại, rồi phân lô bán nền diễn ra rầm rộ thời gian qua.
“Việc này gây ảnh hưởng đến quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng. Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương, Chính phủ có hướng xử lý để ổn định tình hình”, ông Bên nói.
Không chỉ ở Tây Ninh mà ở nhiều địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Nam Định, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh… cũng sốt đất. Tại xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), từ sau Tết Nguyên đán 2022 tới nay, chính quyền địa phương đã tiếp nhận và xử lý 7 đơn thư, kiến nghị liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm đất đai.
Bà Chu Thị Thanh Thủy - Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương cho hay: “Khi có thông tin về dự án đầu tư trên địa bàn, giá đất được “thổi” trên trời và kéo theo nhiều hệ lụy như: gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến những giá trị truyền thống văn hoá. Số vụ tranh chấp, khiếu kiện ở địa phương liên tục xảy ra, chủ yếu liên quan đến đất đai. Đau lòng nhất khi hàng xóm, người thân cũng quay ra tranh giành, tố cáo lẫn nhau”.
Điều đáng nói, có rất nhiều câu chuyện để lại không ít nỗi lòng cho người trong cuộc, gây khó khăn cho việc giải quyết tại cơ sở. Chẳng hạn mới đây, xã vừa tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người anh vào buổi sáng thì ngay buổi chiều, người em đã cầm đơn thư lên UBND xã, đề nghị không giải quyết vì gia đình chưa thống nhất việc phân chia. Hay, câu chuyện về những đứa con đi làm ăn xa nay trở về “níu áo” cha mẹ đòi chia đất; chuyện hàng xóm kiện cáo nhau do lấn chiếm đường đi, cây đổ qua hàng rào… Chứng kiến sự việc, nhiều người không khỏi thở dài: Mộng giàu đâu chưa thấy, chỉ thấy mất tình, mất nghĩa!.
Thậm chí, một bộ phận người dân còn bỏ bê cả sản xuất để chạy theo giới đầu tư, chờ cơ hội đổi đời.
Trước khó khăn trong sản xuất nông nghiệp như hiện nay không ít nông dân xã Long Phước, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bán đi mảnh đất là sinh kế của gia đình mình để lấy tiền làm công việc khác. Trong số người bán đất có không ít người chỉ một thời gian ngắn số tiền bán đất đã vơi đi gần một nửa do cầm tiền tỷ trong tay mà không biết làm gì chỉ tiêu xài.
Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước chia sẻ: Chỉ trong vòng hơn 1 năm nay mà nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Long Phước đã phân thành nhiều mảnh và đã sang tên đổi chủ.
Tình trạng thu gom đất nông nghiệp sau đó phân lô, bán nền, san lấp đất trồng lúa cũng diễn ra khá phổ biến. Hầu hết những người mua đất là người từ địa phương khác đến. Họ mua là để bán lại kiếm lời chứ không có nhu cầu sử dụng nên một diện tích đất bỏ hoang vô cùng lãng phí.
Nói về tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp gây nên tình trạng “sốt đất” đang diễn biến phức tạp hiện nay, theo GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần phải có giải pháp mạnh để đất nông nghiệp không bị phân lô bán nền.
“Có một thực tế ở nhiều địa phương hiện nay nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất rừng bị phân lô sau đó bán đất nền, tự chuyển thành đất ở sau khi xây dựng một vài công trình hạ tầng như điện, đường...”, ông Võ nói.
Cũng theo ông Võ, tất cả hình thức chia lô bán nền đất nông nghiệp là sai bởi hình thức chia lô bán nền chỉ được áp dụng với đất ở theo Luật Đất đai 2013.
Còn theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước ông Nguyễn Văn Minh thì: Trước thực trạng nông dân bán đất ngày càng nhiều và theo nguyện vọng của đa số nông dân, Hội Nông dân xã Long Phước kiến nghị Chính phủ có những giải pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn để quản lý đất đai.
Chính phủ cần siết chặt các quy định về phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp; không cấp phép phát triển khu dân cư một cách ồ ạt. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi lập dự án giả để gom đất nông nghiệp và lừa nhà đầu tư; xử phạt nặng và buộc khôi phục nguyên trạng nếu san lấp đất lúa trái phép một cách triệt để.
Để người nông dân sống được với mảnh đất của mình và kinh tế nông nghiệp thật sự là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước, đề nghị Chính phủ và ngành Nông nghiệp có những giải pháp vĩ mô, căn cơ để phát triển nông nghiệp.
Quan tâm bình ổn giá cả các loại phân bón để nông dân yên tâm sản xuất
Trước tình trạng giá phân bón tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, nông dân kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có biện pháp bình ổn giá thị trường phân bón cũng như chi phí đầu vào để nông dân yên tâm sản xuất nông nghiệp.
Suốt 5 năm đổ vốn đầu tư, năm nay vườn sầu riêng của ông Nguyễn Thanh Bình (nông dân ở xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) mới chính thức cho thu hoạch. Năm ngoái, vườn mới chỉ có trái bói nên tiền bán sầu riêng chỉ đủ cho nhà vườn trang trải chi phí đầu vào.
Ông Bình cho biết, chi phí nặng nhất của nhà vườn chủ yếu là tiền phân, thuốc. Theo đó, mỗi khi giá phân, thuốc “leo thang” là nông dân đứng ngồi không yên. Ông Bình so sánh: “1 bao phân NPK năm ngoái chỉ hơn 700 ngàn đồng thì năm nay tăng lên gần 1,2 triệu đồng, mức tăng của các loại phân, thuốc hóa học khác cũng cao tương tự. Dự tính chi phí đầu tư cho sản xuất vụ này tăng gần gấp đôi so với mọi năm. Chưa năm nào nông dân chúng tôi lại hồi hộp lo đầu tư thua lỗ như năm nay”.
Từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng cao trong khi nhiều nông sản rơi vào cảnh “được mùa mất giá” do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nông dân gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Huy Minh (Võ Nhai, Thái Nguyên) cho biết, hơn 30 năm trồng chè, chưa bao giờ thấy buồn rầu vì giá phân bón liên tục tăng mạnh như hiện nay. Để mua 1 bao phân NPK về bón cho chè, hiện gia đình ông phải bỏ ra 1-1,5 triệu đồng. Trong khi từ năm ngoái đến nay, giá chè rớt hơn một nửa, chỉ khoảng 1.500 đồng/kg.
“Tính ra một bao phân bón hiện tương đương khoảng 1 tấn chè. Riêng tiền mua phân giờ đã ngốn hết tiền chè. Chưa kể, tiền thuê người thu hái, công chăm sóc. Với giá phân như thế, chúng tôi lỗ nặng”- ông Minh nói.
Tại Thái Bình, vườn thanh long ruột tím 7.000m2 của ông Trịnh Tiến Mạnh, thôn Hóa Tài, xã Thụy Duyên là một trong những mô hình chuyển đổi cây trồng có hiệu quả của huyện Thái Thụy. Để có được vườn cây xanh tươi, trĩu quả như ngày hôm nay, ông Mạnh đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư hàng trăm triệu đồng quy hoạch lại đồng ruộng, làm giàn bằng bê tông theo công nghệ của Israel, đầu tư phân bón và chăm sóc cây đúng kỹ thuật.
Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng khiến người trồng cây ăn quả gặp nhiều khó khăn.
Ông Mạnh cho biết: Giá phân bón chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất và có thể cao hơn tùy theo thay đổi của thị trường. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông sản nói chung, thanh long nói riêng rớt giá, chỉ còn 10.000 - 12.000 đồng/kg, bằng nửa so với trước, trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng khiến người trồng cây ăn quả như chúng tôi gặp nhiều khó khăn.
Gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình nhiều nông dân mong muốn Chính phủ sớm có chính sách bình ổn giá phân bón. Bởi lẽ, nông dân hiện gặp rất nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi nông sản, giá vật tư đầu vào như phân bón, thuốc BVTV tăng phi mã, trong khi đầu ra nông sản khó khăn.
Ông Trịnh Tiến Mạnh kiến nghị Thủ tướng có giải pháp mạnh hơn trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và xử lý nghiêm tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, tránh thiệt hại cho nông dân.
Nông dân Nguyễn Văn Cường (Hải Dương) cũng kiến nghị đến Thủ tướng, Nhà nước cần quản lý chặt chẽ việc sản xuất, tiêu thụ mặt hàng phân bón để hạn chế hàng nhái, hàng giả gây thiệt hại cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước chia sẻ: Xã Long Phước, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng diện tích trồng lúa là 300ha. Trước tình trạng giá lúa xuống thấp, trong khi giá phân bón, dịch vụ tăng cao, người trồng lúa xã Long Phước cảm thấy lo lắng và trăn trở về tiếp tục canh tác vụ Hè Thu nữa hay không.
“Để nông dân sản xuất lúa hạn chế tối đa thua lỗ do giá phân bón tăng cao và giá lúa giảm, Hội Nông dân xã Long Phước kiến nghị Chính phủ có giải pháp bình ổn giá phân bón và các vật tư khác phục vụ cho sản xuất lúa. Đồng thời, hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư xây dựng kho dự trữ lúa, tăng cường xuất khẩu lúa gạo. Phía các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần ưu tiên cho nhu cầu sản xuất trong nước, có dư thừa mới xuất khẩu”- Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước nêu ý kiến.
Nông dân khó chồng khó khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng
Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, giá sản phẩm bán ra lại giảm khiến người chăn nuôi “thiệt đơn, thiệt kép”. Anh Bùi Văn Tỵ ở xóm Ba Lầm, xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình cho biết: Trang trại của anh hiện chỉ còn 5 con lợn nái và hơn 10 con lợn thịt. Từ quy mô 30 - 40 con lợn thịt xuất chuồng luân phiên, đến nay anh Tỵ đã co hẹp quy mô chỉ còn một nửa do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao.
“Bỏ hoàn toàn lợn nái thì cũng là nước đi mạo hiểm vì khi giá tăng trở lại sẽ không có lợn con để bán, mà nuôi duy trì thì phải xác định rằng sẽ lỗ bởi giá lợn con giờ chỉ còn 700.000 - 800.000 đồng/con” - anh Tỵ cho biết.
Là chủ một trang trại gà trên 1.000 con tại thôn Kim Đức, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình, anh Bùi Văn Vương cũng đang đắn đo trước quyết định có nên nhập thêm gà để tiếp tục nuôi hay chờ giá cả thị trường thức ăn chăn nuôi ổn định.
Anh Vương cho biết: “Thông thường, vào thời điểm này nhiều hộ chăn nuôi ở đây đã bắt đầu tái đàn, tuy nhiên năm nay do giá cám quá cao nên chưa dám quyết định”.
Theo anh Vương, hiện nay tại thôn Kim Đức có khoảng 60 hộ chăn nuôi quy mô trên 1.000 con, nhưng hầu hết đang bỏ chuồng vì còn nhiều khó khăn.
“Bây giờ có nhà nào nuôi thì cũng chỉ dám nuôi vài trăm con cho đỡ bỏ phí chuồng trại chứ nuôi nhiều chắc chắn lỗ” - chủ trang trại này cho biết thêm.
Để giảm thiểu mức thiệt hại, bà con tại các khu vực miền núi thường tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp và rau có sẵn để làm thức ăn cho lợn, gà. Tuy nhiên, đó chỉ là phương án trước mắt bởi chăn nuôi bằng thức ăn đơn thuần khiến vật nuôi chậm lớn, hiệu quả kinh tế thấp.
Bà Nguyễn Thị Chuyên - Giám đốc HTX Chăn nuôi gà thương phẩm xã Tân Việt (Thanh Hà, Hải Dương) cho biết, trong thời gian dài dịch Covid-19 khiến sản xuất bị đình trệ, việc tiêu thụ khó khăn khi các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bị đứt gãy, người chăn nuôi bị thua lỗ. Thế nhưng, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục khiến người chăn nuôi đã ở thế khó lại càng thêm khó khăn hơn.
Hiện HTX có quy mô chăn nuôi 13-14 vạn con gà mỗi lứa, 3 lứa gà/năm. Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 11 lần. Riêng trong tháng 2 và 3 lại tiếp tục tăng một lần nữa. Do giá thức ăn chăn nuôi tăng “nóng” từng ngày, trong khi giá gà giảm mạnh và đầu ra khó khăn, các hộ nuôi gà đang bị “thiệt đơn, thiệt kép”.
Theo bà Chuyên chia sẻ, năm 2017 - 2018, giá cám loại 25kg là 270.000 đồng/bao. Với mức giá đó, người chăn nuôi lãi 40.000 - 50.000 đồng/con gà, thấp nhất cũng được 30.000 đồng. Hơn 1 năm trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục. Từ tháng 2 đến nay, tháng nào cũng tăng. Với giá cám tăng như vậy, người nuôi gà chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ.
“Khó khăn chồng chất, nhưng chúng tôi không thể bỏ nghề nuôi gà được. Không nuôi gà thì chúng tôi cũng không biết làm gì. Hơn nữa, bao nhiêu vốn liếng, công sức, tâm huyết chúng tôi đều dành cả vào trại gà. Chúng tôi rất mong được Nhà nước, Chính phủ hỗ trợ. Đồng thời, chúng tôi mong muốn phía các Ngân hàng chia sẻ khó khăn với người nông dân, hạ lãi suất vay vốn xuống thấp hơn nữa”. Bà Chuyên nói.
Giá cám tăng cao không chỉ người chăn nuôi mà cả những đại lý bán cám cũng chật vật.
Bà Bùi Thị Thu - chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi tại thị trấn Bo (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) cho biết: “Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 10.2021 đến tháng 4.2022, thức ăn chăn nuôi đã chục lần tăng giá. Cho đến nay, nhiều sản phẩm đã chênh lệch so với thời điểm cuối năm ngoái đến 80.000 đồng/1 bao (25kg). Giá cám tăng cao đã khiến sức mua của bà con giảm hẳn, người bán cám cũng chật vật vì không có người mua.
“Ví dụ như loại cám ECO FEED 551 - Thức ăn hỗn hợp cao cấp dùng cho heo siêu nạc từ 7kg đến 15kg trước đây có giá 430.000 đồng/bao, hiện giờ đã lên 510.000 đồng/bao và đơn vị cung cấp thông báo giá vẫn còn tiếp tục tăng” - bà Thu cho biết thêm.
Ông Lê Văn Quyết - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ - cho biết, nếu giá thành tiếp tục tăng, hầu hết người nuôi nhỏ lẻ có nguy cơ treo chuồng. “Hiện 70% nguồn cung gà công nghiệp từ các doanh nghiệp lớn, nhưng chỉ trong thời gian ngắn nữa tỉ lệ này sẽ lên 80 - 90% vì người nuôi nhỏ lẻ sẽ bỏ nghề do quá bấp bênh”, ông Quyết nhận định.
Gửi gắm tâm tư, nguyện vọng tới Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tới đây, các hộ chăn nuôi như anh Tỵ, anh Vương, chị Chuyên và hàng nghìn hộ nông dân khác đều bày tỏ mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành sẽ nắm bắt tình hình và sớm có chính sách giúp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, để người dân bớt khó khăn.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi