Nam Định xây dựng mô hình điểm về phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn
Phát huy vai trò của tổ chức Hội trong bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới
Đây là một hoạt động trong Chương trình công tác bảo vệ môi trường năm 2024, đã được Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phê duyệt.
Dự và chỉ đạo Hội nghị tập huấn có ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Thường trực Hội Nông dân tỉnh Nam Định; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND và các phòng, ban của huyện Trực Ninh; đại diện Công ty cổ phần phân bón Bình Điền; các đơn vị cung cấp trang thiết bị; cán bộ của Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội; Hội Nông dân tỉnh, huyện và các xã thuộc huyện Trực Ninh; Thường trực Đảng ủy, UBND, Hội Nông dân và các ban, ngành, đoàn thể các thôn, xóm của xã Trực Thắng; các giảng viên và cán bộ, hội viên nông dân xã Trực Thắng tham dự lớp tập huấn.
Tại Hội nghị tập huấn, các đơn vị cung cấp cũng bàn giao các trang thiết bị và chế phẩm vi sinh cho các hộ tham gia xây dựng mô hình điểm tại xã Trực Thắng, đồng thời hướng dẫn các hộ mua sắm thêm các trang thiết bị đối ứng, cách lắp đặt và sử dụng các trang thiết bị và sử dụng chế phẩm vi sinh.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Văn Thiện, Uỷ viên BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Môi trường (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) nhấn mạnh: Hiện nay chất thải, rác thải trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở yển đến nông thôn đã và đang trở thành vấn đề bức xúc, nổi cộm. Do lượng chất thải, rác thải phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại. Chất thải, rác thải ở khu vực nông thôn có sự khác biệt đáng kể về thành phần và mức độ gây ô nhiễm môi trường, tùy theo nguồn phát sinh và được phân loại theo 3 nhóm chính: Rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp và rác thải làng nghề.
Đối với các loại chất thải từ nông nghiệp gồm nhiều các hợp chất độc hại, khó phân hủy, là mối nguy hại lớn, có khả năng vừa gây ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất, gây hại đối với cây trồng và tác vật nuôi. Đối với lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên toàn quốc là 67.110 tấn/ngày, trong đó khu vực nông thôn là 29.455 tấn/ngày. Rác thải sinh hoạt có đặc trưng là thành phần hữu cơ, dễ phân hủy, chiếm tỷ lệ cao, dao động từ 65-70% tổng lượng rác thải sinh hoạt. Trong khi đó, nhận thức của người dân sống ở khu vực nông thôn còn hạn chế. Việc tổ chức phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt còn manh mún, thô sơ, chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật và vệ sinh môi trường; thậm chí nhiều nơi chưa được thu gom, còn vứt bừa bãi, gây mất mỹ quan, làm ô nhiễm môi trường, các dịch bệnh bùng phát và ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng dân cư sống ở nông thôn.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương; chính sách, pháp luật, quy định về phân loại, thu gom và xử lý chất thải, rác thải nói chung; rác thải sinh hoạt ở nông thôn nói riêng và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Cùng với sự đồng hành vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Hội Nông dân Việt Nam với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp Nông dân, có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã và thôn, ấp, bản, làng. Hội Nông dân đã luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường đoàn kết, tập hợp nông dân; phát huy vai trò của tổ chức Hội trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian qua, các cấp Hội đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm, thành lập các Tổ tự quản, Câu lạc bộ Nông dân tham gia bảo vệ môi trường để tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân tham gia phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và bảo vệ môi trường.
Tập trung triển khai 7 nội dung để thực hiện thành công dự án
Được sự quan tâm tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành, trong 2 năm 2023 và 2024, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiến hành triển khai Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn” tại 6 tỉnh trong cả nước là Sơn La, Quảng Nam, Đắk Lắk, Nam Định, Thừa Thiên Huế và An Giang, với tổng giá trị là 3 tỷ đồng/dự án/1 tỉnh.
Đây là lần đầu tiên Trung ương Hội NDVN triển khai xây dựng mô hình điểm về lĩnh vực bảo vệ môi trường ở cấp xã. Đối với tỉnh Nam Định đã lựa chọn và tổ chức làm điểm tại xã Trực Thắng của huyện Trực Ninh. Dự án đã tập trung vào triển khai 7 nội dung:
-Tổ chức nghiên cứu, khảo sát địa điểm triển khai xây dựng mô hình điểm.
-Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung của dự án, cũng như hiệu quả của dự án đem lại, nhằm giúp các địa phương đến học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.
-Tổ chức biên soạn, in ấn tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia xây dựng mô hình điểm.
-Tổ chức tập huấn “Nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng truyền thông và hướng dẫn phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình cho tuyên truyền viên cấp tỉnh” ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
-Hỗ trợ các trang thiết bị và chế phẩm vi sinh cho tất cả các hộ đăng ký tham gia mô hình của xã Trực Thắng để xây dựng mô hình điểm về phân loại, thu gom, vận chuyển và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ cụ thể như sau: Trang bị cho 984 hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình (cùng ở với nhau hoặc ở gần nhau) tham gia xây dựng mô hình điểm 01 thùng ủ rác thải sinh hoạt hữu cơ có dung tích 160 lít đảm bảo bền, đẹp và không độc hại với môi trường, với tổng số 984 thùng. Theo đó, trang bị cho 1.900 hộ tham gia xây dựng mô hình điểm, mỗi hộ 01 thùng rác 2 ngăn 40 lít ( 1 ngăn chứa rác thải sinh hoạt hữu cơ, 1 ngăn chứa rác thải sinh hoạt còn lại) và 01 nắp hố rác hữu cơ; Hỗ trợ mỗi hộ gia đình tham gia xây dựng mô hình điểm 2 gói chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình trong thời gian 06 tháng; Hỗ trợ xã 60 thùng rác với dung tích 120 lít để bố trí ở các tuyến đường của xã, thôn và nơi công cộng; Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phân loại, thu gom, vận chuyển và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ, việc mua sắm thêm các trang thiết bị đối ứng, cách lắp đặt và sử dụng cho 900 hộ nông dân trong xã.
-Tập huấn hướng dẫn việc thành lập Câu lạc bộ Nông dân tham gia bảo vệ môi trường; xây dựng nội quy, nội dung hoạt động của câu lạc bộ; đồng thời tổ chức ra mắt câu lạc bộ Nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Dự kiến sẽ làm điểm tại 3 thôn.
-Tổ chức kiểm tra, giám sát; nghiệm thu và tổng kết mô hình điểm.
Để tiếp tục triển khai các nội dung trong thời gian tới, góp phần xây dựng mô hình điểm tại xã Trực Thắng thành công, ông Phạm Văn Thiện – Giám đốc Trung tâm Môi trường (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) đề nghị các giảng viên tham gia tập huấn dành nhiều thời gian thích hợp để trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp trong việc tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường; kỹ thuật lắp đặt các trang thiết bị, phân loại, thu gom, vận chuyển và sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả và tham gia bảo vệ môi trường.
Ông Phạm Văn Thiện đề nghị cán bộ, hội viên, nông dân tham gia hội nghị tập huấn lắng nghe và ghi chép đầy đủ những kiến thức được các giảng viên truyền đạt, đồng thời áp dụng những kiến thức học tập được vào gia đình mình và tuyên truyền, vận động bà con, anh em, họ hàng, hàng xóm cùng tham gia thực hiện; tổ chức đào hố, xây hố, mua sắm thêm một số trang thiết bị đối ứng theo sự hướng dẫn của giảng viên và cán bộ kỹ thuật.
Lãnh đạo Trung tâm Môi trường cũng đề nghị Hội Nông dân tỉnh Nam Định, huyện Trực Ninh, xã Trực Thắng tiếp tục tổ chức tuyên truyền và vận động các hộ tham gia xây dựng mô hình thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung của việc xây dựng mô hình điểm để đảm bảo mục tiêu của Dự án. Địa phương cũng cần cử 1 cán bộ có chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm phối hợp với địa phương để tiếp tục hướng dẫn các hộ tham gia xây dựng mô hình về mặt kỹ thuật.