Giáo dục - hướng nghiệp

Năm học mới - thêm những nỗi lo mới

Lương Thủy - 07:04 04/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Năm học 2022 - 2023 sắp đến, thông tin về giá sách giáo khoa, học phí tăng 3 - 5 lần khiến nhiều gia đình lo lắng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, chi tiêu cho giáo dục đang trở thành gánh nặng của nhiều gia đình.
Chị Nguyễn Thị Bích Hằng bên ngôi nhà cũ của gia đình.

Người nghèo “chạy đua” với năm học mới

Theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27/8/2021 về cơ chế thu chi, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực đào tạo thì việc tăng học phí đối với tất cả các bậc học ở các cơ sở giáo dục công lập bắt đầu thực hiện từ năm học 2022-2023.

Theo đó, mức học phí dao động từ 50.000 đồng đến 300.000 đồng tùy khu vực và bậc học. Từ năm học 2023-2024, mức học phí sẽ tiếp tục tăng nhưng không quá 7,5%.
Những thông tin này đã khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng, nhất là khi kinh tế nhiều gia đình đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 trong những năm vừa qua. Hơn nữa sức ép lạm phát cũng rất lớn, giá cả tăng đang khiến sự chịu đựng của người dân, nhất là người dân nghèo, công nhân lao động càng trở nên nặng nề hơn. Bên cạnh đó, cứ đến đầu năm học, ngoài học phí, phụ huynh còn phải dành ra khoản tiền lớn cho việc mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, các khoản thu phí đầu năm…

Trước thông tin đó và năm học mới cũng đang đến gần, chị Nguyễn Thị Bích Hằng 37 tuổi, thôn An Lạc Đông 2 (TT. Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) lo lắng: Gia đình tôi có 4 con, đứa lớn nhất học lớp 8, thấp nhất là học lớp 1, hai đứa còn lại lớp 3 và lớp 6. Hiện tại, cứ đầu năm học mới là tôi lo lắng nhất bởi phải mua sắm các khoản chi phí như sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, giày dép đã tốn kém, giờ lại tăng học phí thì không biết gia đình tôi có thể cho con tiếp tục theo học được không?

Theo chị Hằng, gia đình chị thuộc hộ cận nghèo, các con đi học được giảm 50% học phí, tuy nhiên các khoản khác đầu năm đều đóng mà không hề được miễn, cộng thêm chi phí sách vở cũng đã khiến chị đau đầu. “Vừa rồi tôi đã phải bán 5 tạ thóc để lấy tiền mua sắm đồ dùng, quần áo mới cho con khi chuẩn bị cho năm học, những năm mất mùa, không có tiền chị phải đi ứng trước tiền của chủ thu mua lúa, đến vụ thì trừ nợ để lấy tiền đóng học cho con” - chị Hằng chia sẻ.

Vốn đông con, gia cảnh khó khăn, chị Hằng làm nông nghiệp, thu nhập chỉ dựa vào 1 mẫu ruộng chủ yếu là trồng bắp, cấy lúa và nuôi bò sinh sản. Bò có được cũng là nhờ chính quyền xã cho vay vốn 25 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Còn chồng chị đi làm thuê, làm mướn ở xa 2-3 tháng mới về một lần, thu nhập cũng bấp bênh. Gánh nặng học hành đè nặng lên vai chị Hằng. “Sinh nhiều con do tôi không được học hành nhiều, không biết kế hoạch hóa gia đình, gia cảnh khó khăn nên mong muốn con cái được học hành đẩy đủ. Chính vì thế, mong chính quyền có biện pháp hỗ trợ những gia đình như tôi” - chị Hằng chia sẻ thêm. 

Chị Nguyễn Hồng Yến (Việt Tiến, Việt Yên, Bắc Giang) cùng tâm trạng lo lắng. Chị cho biết, chị có 2 đứa con đang học cấp 1, chị lấy chồng ở Hà Nội nhưng hai vợ chồng đã ly hôn. Do con nhỏ nên chị nuôi cả hai đứa. Trước tình hình học phí tăng, chi phí ở thành phố đắt đỏ nên chị đã chuyển 2 đứa trẻ về quê để học hành và nhờ ông bà ngoại giúp đỡ. “Hiện tại, tôi làm công nhân may, nếu ở thành phố thì ngoài các khoản chi phí học hành còn phải lo thuê nhà, chi tiêu hàng ngày, mình tôi không thể gánh nổi. Về quê sẽ đỡ được phần nào” - chị Yến tâm sự.

Bộ sách giáo  lớp 10 theo chương trình phổ thông mới.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phù hợp

Hiện nay, ngoài việc tăng học phí thì giá sách giáo khoa chương trình mới cũng tăng khoảng 3 lần so với chương trình hiện hành đã được các nhà xuất bản niêm yết giá. Bên cạnh đó, khoản chi phí cho học thêm, học phụ đạo, học bồi dưỡng và sách bài tập, sách tham khảo cũng cao gấp nhiều lần học phí và sách giáo khoa mới thực sự là gánh nặng cho các gia đình. Ngoài ra, trong năm học, nhiều nhà trường còn đề ra rất nhiều khoản thu khác, làm tăng mức đóng góp của phụ huynh.

Chị Nguyễn Thị Tâm - công nhân ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc cho biết: Tôi có con năm nay năm chuyển cấp lên lớp 10.  Đầu năm học sắp đến, năm đầu cấp các con sẽ phải đóng rất nhiều khoản tiền trong đó có khoản bắt buộc là tự nguyện. Nói về khoản tự nguyện, có rất nhiều phụ huynh có nhiều băn khoăn nhưng họ e ngại không muốn nói ra vì ngại thầy, cô, ngại nói ra vì đôi khi không biết nói như thế nào cho mọi người ủng hộ theo những gì mình nói. “Đa số phụ huynh như chúng tôi đều theo ý kiến của một số phụ huynh đã có ý kiến. Có những khoản tự nguyện nhưng đôi khi chúng tôi có cảm giác mình đang theo chứ không phải tự nguyện” - chị Tâm chia sẻ.

“Đối với việc mua sách giáo khoa, năm nay chúng tôi chưa mua vì sách của các con có sự thay đổi nên chúng tôi cũng lo, giá sách tăng cao gấp 2-3 lần là lại thêm gánh nặng cho người lao động như tôi. Mà không biết việc thay đổi sách có vừa sức với con không, có phù hợp không. Nói chung là cụ thể như thế nào phụ huynh chúng tôi cũng chưa nắm được, tôi mong muốn nhà trường sớm cho chúng tôi biết nội dung học để cùng tìm hiểu lựa chọn giúp các con học tốt nhất, có lối sống tích cực, có ích cho gia đình, xã hội” - chị Tâm cho biết thêm.

Cũng theo chị Tâm, đối với người làm cha mẹ, ai cũng lo lắng cho con, không chỉ lo về học phí, sách vở… mà còn lo cả về tinh thần, như con chị năm nay chuyển cấp cũng là độ tuổi mới lớn nên môi trường học tập, bạn bè của con như nào thì bố mẹ rất khó để quản lý con.

“Hiện tại Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ cho những gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách nhưng thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh như chúng tôi cũng có hoàn cảnh có khăn vì mức thu nhập còn thấp. Việc tăng các loại chi phí cho giáo dục, khiến cho chúng tôi cảm thấy áp lực đè nặng, nên mong muốn được nhà nước quan tâm đến những đối tượng mà mức thu nhập thấp chứ không phải chỉ riêng hộ nghèo hoặc gia đình chính sách, có những chính sách hỗ trợ phù hợp để chúng tôi giảm bớt gánh nặng lo lắng cho con cái học hành” - chị Nguyễn Thị Tâm mong muốn. 

Hà Nội đã có dự kiến mức học phí cho năm học 2022-2023 như sau: “Với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí vùng 1 và 2 là 300.000 đồng/tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 100.000-200.000 đồng (vùng 3) và 50.000-100.000 đồng (vùng 4). TP. HCM cũng đã có kế hoạch tăng học phí trong năm học tới đây, có cấp học tăng gấp 5 lần năm học 2021-2022. Đối với bậc đại học cũng được các trường thông báo tăng học phí từ năm học 2022 - 2023.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác