Năm nay có nhiều ca sốt xuất huyết trở nặng, sốc nhiễm trùng sớm
Bất thường nhiều ca trở nặng sớm
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 314.271 trường hợp mắc sốt xuất huyết; trong đó có 115 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc năm nay tăng 4,9 lần; số tử vong tăng 91 trường hợp.
Đặc biệt, số ca tử vong năm nay tăng cao hơn năm ngoái, nhiều trường hợp trở nặng sớm, không theo quy luật như mọi năm.
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ tháng 5/2022 đến nay, tại Bệnh viện đã ghi nhận 14 ca tử vong do sốt xuất huyết. Hiện cả 2 cơ sở của Bệnh viện đang điều trị cho hơn 100 trường hợp sốt xuất huyết nặng; trung bình mỗi ngày tại đây có khoảng 10- 20 bệnh nhân nặng nhập viện điều trị.
Các chuyên gia nhận định, năm nay dịch sốt xuất huyết có diễn biến khác thường khi ghi nhận nhiều ca bệnh đi vào sốc nhiễm trùng sớm ngay từ ngày thứ 3- thứ 5, trong khi mọi năm diễn biến nặng thường vào ngày thứ 5- thứ 7 trong chu kỳ mắc bệnh.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp, nghiên cứu sơ bộ trên 14 ca tử vong tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa qua cho thấy, nhiều người bệnh có tình trạng chồng chéo nhiều cơ chế tổn thương. Điểm chung của các trường hợp này là đều được đưa đến Bệnh viện trong tình trạng sốc sâu, suy đa phủ tạng; nhiều người đã ngừng tim trên đường vận chuyển. Những bệnh nhân này thường thuộc nhóm nguy cơ cao, nhưng không được kiểm soát tốt, không phát hiện kịp thời các dấu hiệu nặng hoặc có phát hiện nhưng xử lý ban đầu chưa đạt hiệu quả. Trong đó, có thể kể đến việc truyền chưa đủ tốc độ, ngừng hoặc giảm tốc độ truyền dịch quá sớm hay không duy trì truyền dịch đủ trên đường vận chuyển lên tuyến trên.
Theo đó, các tình trạng chồng chéo nhiều cơ chế tổn thương dẫn đến khó phát hiện ở những nơi ít kinh nghiệm. Có thể kể đến là tình trạng sốc ở người có tiền sử tăng huyết áp trước đó, khi được điều trị nâng huyết áp lên mức như người bình thường nhưng vẫn không đủ áp lực tưới máu đối với bệnh nhân. Bên cạnh đó, những người bệnh bị chảy máu kín đáo như: Chảy máu trong ổ bụng, trong cơ trên nền cô đặc máu cũng rất dễ bị bỏ sót. Hoặc tình trạng bội nhiễm vi khuẩn trên nền hạ bạch cầu máu do sốt Dengue cũng khiến nhiều thầy thuốc ít kinh nghiệm khó phát hiện ra. Nếu các tình trạng bệnh lý này không được phát hiện và xử lý đúng kịp thời, bệnh nhân sẽ diễn biến nặng nhanh chóng.
Ca bệnh cần được theo dõi sát
BS. Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định, nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết không có biểu hiện xuất huyết nhưng vẫn bị giảm tiểu cầu nặng và tử vong nhanh chóng. Vì vậy cần thay đổi khái niệm về bệnh để người dân vào viện sớm hơn khi bị sốt, không phải cứ đợi đến khi có xuất hiện xuất huyết thì mới nghĩ đến bệnh nặng.
Theo đó, người mắc sốt xuất huyết cần được điều trị dưới sự giám sát của nhân viên y tế, để sớm phát hiện khi có diễn biến nặng; nếu không kịp phát hiện, bệnh sẽ rất dễ rơi vào sốc, thậm chí tử vong rất nhanh.
Theo các chuyên gia, trong thời điểm dịch chồng dịch như hiện nay, nhiều người dễ nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết với các bệnh khác. Khi bị sốt xuất huyết, nhiều người có thể nghĩ mình bị cúm hoặc COVID-19 nên không đi điều trị; đến ngày thứ 4- 5 khi đã trở nặng đã ở giai đoạn muộn. Vừa qua rất nhiều ca mắc sốt xuất huyết nặng vì đến bệnh viện muộn, đã chuyển sang sốc.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, với các bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại nhà, cần phải được theo dõi sát sao, khi thấy có các dấu hiệu như: Mệt lả, nôn, tiêu chảy, đi ngoài phân đen, chả máy chân răng, chảy máu mũi… cần được nhập viện sớm để được chẩn đoán, xét nghiệm chính xác tình trạng bệnh và có hướng điều trị phù hợp.
Đặc biệt, hiện là thời điểm cao điểm của dịch sốt xuất huyết, người dân cũng không nên chủ quan trong việc phòng dịch, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, nhất là diệt muỗi truyền bệnh và phòng muỗi đốt để ngăn chặn sự lây lan của dịch sốt xuất huyết.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
Mỗi người dân cũng cần có ý thức loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng. Để phòng muỗi đốt, người dân cần ngủ màn phòng ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
Mỗi người dân cũng cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi có dấu hiệu bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Theo TTXVN/Vietnam+