Nghệ An: Đề xuất giải pháp nâng cao an toàn, vệ sinh lao động cho hội viên nông dân trong sản xuất nông nghiệp
Sáng ngày 10/6 tại Nghệ An, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nâng cao an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên nông dân”.
Tham dự Hội thảo có ông Phạm Văn Đức – Phó Trưởng Ban Xã hội Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Hiện nay, nông nghiệp là một trong 3 ngành sản xuất tồn tại nhiều yếu tố nguy cơ có hại cho sức khỏe của lao động tại nơi làm việc nhất, chỉ đứng sau ngành xây dựng và hầm mỏ. Hàng năm, số nông dân bị tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi nói riêng chiếm con số khá cao.
Do đó, Hội thảo được tổ chức nhằm tìm giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc thời gian qua trong đó có tỉnh Nghệ An, để trong thời gian tới Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương, với Chính phủ có những giải pháp để tổ chức thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động để ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro cho mọi đối tượng tham gia lao động sản xuất, trong đó trọng tâm là hội viên nông dân.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Đức - Phó Trưởng Ban Xã hội Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng việc nâng cao các giải pháp về an toàn, vệ sinh lao động trong chăn nuôi, trồng trọt sẽ đảm bảo sức khỏe cho người dân, thúc đẩy tăng năng suất lao động, xuất khẩu nông sản, tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa, tăng thu nhập cho người nông dân trong lao động sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giảm tỷ lệ đói nghèo trong xã hội; ổn định đời sống xã hội; góp phần xây dựng công tác hội và phong trào nông dân ngày càng vững mạnh.
Hội thảo cũng đã có nhiều ý kiến tham gia tham luận của các sở ,ngành như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Liên minh Hợp tác xã, đại diện các công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp,...
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn, dân số đông; có gần 85% dân sống ở nông thôn. Toàn tỉnh có 496.699 hội viên nông dân, sinh hoạt tại 3.620 chi hội, 447 hội cơ sở. Hiện nay, lao động đang hoạt động và sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chiếm đại đa số. Xu hướng hiện nay nhiều hộ nông dân tự trang bị máy móc nông nghiệp để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, do không biết cách sử dụng, không nắm vững quy trình, không có trang bị phòng hộ an toàn nên hàng năm vẫn xảy ra hàng trăm vụ tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp như: Hạt lúa bắn vào mắt; bị máy cuốn đứt bàn tay; ngộ độc khi tiếp xúc với hóa chất; điện giật; trật khớp do mang vác không đúng tư thế; bị thương do giẫm phải vật sắc nhọn; trâu, bò húc; nhiễm độc do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách… và tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật lâu dài.
Tại Hội thảo, BS. Lê Tuấn Anh – đại diện Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho rằng cần xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hàng năm, tổ chức các lớp huấn luyện cho người nông dân trong sử dụng máy móc, hóa chất. Xây dựng các điển hình, mô hình để nhân rộng tại cơ sở. Vấn đề sử dụng bảo hộ lao động đối với lao động trong sản xuất nông nghiệp hiện nay chưa được tốt nên rất cần tập trung chú trọng, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến việc tiếp xúc với hóa chất, trong đó cần chú ý đến bảo hộ về đường hô hấp, bảo vệ tiếp xúc với da,...
Để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho hội viên nông dân trên toàn tỉnh trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi tỉnh thời gian tới, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cụ thể như: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục pháp luật, hướng dẫn các văn bản pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đối với người nông dân; Phối hợp với các ngành tổ chức thực hiện tốt công tác huấn luyện, đào tạo, tập huấn về sử dụng máy móc, thiết bị nông nghiệp an toàn đến tận hộ nông dân; Đổi mới và đa dạng hóa công tác thông tin tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động; Xây dựng, nhân rộng và khuyến khích các mô hình cải thiện về an toàn, vệ sinh lao động của nông dân và của các địa phương; Thường xuyên kiểm tra, đánh giá động viên, khen thưởng, tuyên dương những mô hình, sáng kiến cải thiện hay của nông dân và của các địa phương về nâng cao hiệu quả và đảm bảo an toàn trong quá trình lao động sản xuất;…
Trên cơ sở phân tích, đánh giá các rủi ro của hội viên, nông dân trong sản xuất nông nghiệp và những hạn chế, bất cập của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động thực tế của địa phương, Hội thảo đã có những đề xuất về các phương hướng và giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động luôn được khỏe mạnh, an toàn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong giai đoạn hiện nay.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi