Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Đăk Lăk: Trồng mắc ca theo hướng an toàn sinh học, nâng cao chất lượng nông sản

Đức Thịnh - 10:58 02/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Được “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn kỹ thuật và được hỗ trợ cây giống, phân bón, chế phẩm sinh học khi tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng mắc ca theo hướng an toàn sinh học, 40 hộ nông dân xã Ea Sin (huyện Krông Búk, tỉnh Đăk Lăk) rất phấn khởi, vui mừng. Bà con kỳ vọng mô hình này sẽ mang lại lợi ích kép cho người nông dân.
Bàn giao cây giống mắc ca cho nông dân xã Ea Sin, huyện Krông Búk, tỉnh Đăk Lăk. 

Thay đổi thói quen canh tác, trồng mắc ca theo hướng an toàn sinh học

Mới đây, tại xã Ea Sin, huyện Krông Búk, tỉnh Đăk Lăk, Văn phòng Phát triển bền vững – Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ thuật và bàn giao giống, vật tư xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng mắc ca theo hướng an toàn sinh học năm 2024.

Ông Trần Văn Ruân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Sin cho biết: Ea Sin có 6.280ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó khoảng 67% diện tích là đất bazan màu mỡ, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp nói chung và các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao nói riêng như: cà phê, hồ tiêu, mắc ca. 

“Hiện nay, toàn xã Ea Sin có khoảng 120 hộ trồng cây mắc ca xen canh trong vườn cà phê và một số cây ăn trái khác, với tổng diện tích khoảng 50ha. Cây mắc ca trong xã chủ yếu được trồng rải rác, trồng ở quy mô nông hộ, tập quán canh tác dựa trên kinh nghiệm sản xuất, rất thiếu quy trình, công nghệ, kỹ thuật nên chất lượng hạt mắc ca không cao, không đồng đều và khó cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, được Văn phòng Phát triển bền vững - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng mắc ca theo hướng an toàn sinh học năm 2024 tại xã Ea Sin, bà con nông dân trong xã rất phấn khởi”- ông Ruân cho biết.

Ông Võ Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk thông tin, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Văn phòng Phát triển bền vững - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng mắc ca theo hướng an toàn sinh học năm 2024 tại xã Ea Sin, huyện Krông Búk, nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng năng suất và chất lượng của hạt mắc ca.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk cho rằng việc phát triển cây mắc ca theo hướng an toàn sinh học sẽ cho hiệu quả kinh tế và bền vững. Đồng thời, với quy mô trồng diện tích lớn, nông dân Đăk Lăk sẽ dễ dàng áp dụng những khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất cây mắc ca như: Lựa chọn loại giống tối ưu, sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, thiết lập nhật ký trồng, chăm sóc, hệ thống tưới nhỏ giọt, đo lường phân, thuốc BVTV.

“Tuy nhiên, để trồng và chăm sóc cây mắc ca thành công là điều không hề đơn giản với người nông dân. Thực tế lâu nay người nông dân đã bỏ qua nhiều quy trình kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc cây mắc ca, dẫn đến năng suất, chất lượng hạt mắc ca không cao, chi phí sản xuất lại lớn. Xuất phát từ thực tế cần có mô hình trồng mắc ca đem lại năng suất, chất lượng và tiết kiệm chi phí sản xuất để nông dân học hỏi kinh nghiệm và áp dụng vào sản xuất của hộ gia đình, Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk đề xuất Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ xây dựng “Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng mắc ca theo hướng an toàn sinh học tại xã Ea Sin, huyện Krông Búk”- ông Võ Văn Dũng thông tin.

Để thực hiện mô hình, các cấp Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk đã khảo sát và lựa chọn 40 hộ hội viên nông dân có diện tích đất sản xuất phù hợp với cây mắc ca tại xã Ea Sin, huyện Krông Búk. Khi tham gia mô hình, nông dân được chuyển giao tập huấn khoa học kỹ thuật ứng dụng chế phẩm sinh học trồng mắc ca theo hướng an toàn sinh học; được hỗ trợ về giống và vật tư như cây giống, phân bón, chế phẩm sinh học.

Hội ND, giảng viên Trường CĐ NN&PTNT Bắc Bộ, cán bộ chỉ đạo kỹ thuật và các nông dân tại buổi bàn giao cây giống, vật tư.

Xây dựng thương hiệu mắc ca Đăk Lăk, nâng cao giá trị kinh tế

Trước khi bàn giao cây giống, vật tư, các hộ tham gia mô hình ở xã Ea Sin đã được giảng viên Trường Cao đẳng NN&PTNT   Bắc Bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng cây mắc ca; quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca; sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng mắc ca theo hướng an toàn sinh học…

Là 1 trong 40 nông dân tham gia mô hình, ông Huỳnh Văn Nam (ở buôn Ea Kap, xã Ea Sin), chia sẻ: Trước đây, người dân như ông trồng mắc ca hay cây cà phê thì thường xuyên sử dụng thuốc BVTV, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học nên đất bị hư hỏng, chai lì. Vì thế, năng suất cây trồng không cao, chất lượng thấp. Hiện nay, ông Nam bên cạnh việc chăm sóc và cải tạo 0,5ha mắc ca được trồng xen trong vườn cà phê của gia đình (số cây này gia đình tự trồng trước đây), còn chăm sóc 0,5ha cây mắc ca mà Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk hỗ trợ thông qua mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng mắc ca theo hướng an toàn sinh học.

“Được Hội Nông dân và cán bộ kỹ thuật tổ chức tập huấn cho nông dân chúng tôi, hướng dẫn cách chăm sóc, ghép cải tạo và chăm sóc cây mắc ca theo hướng an toàn sinh học chúng tôi rất tâm đắc. Cách làm này hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu dùng phân bón hữu cơ, tăng năng suất, chất lượng hạt mắc ca, vì thế thu hút người dân tham gia” - ông Nam nói.

Theo các hộ nông dân trồng xen canh mắc ca ở xã Ea Sin, trồng mắc ca xen trong vườn cà phê mang lại lợi ích kép. Cây mắc ca chắn gió, tạo bóng nên cà phê ở tầng dưới ổn định, không bị ảnh hưởng nhiều bởi gió mạnh; đồng thời còn có tác dụng giữ ổn định nguồn nước ngầm trong đất, giúp đất không bị xói mòn, rửa trôi. Cây mắc ca ít tốn công chăm sóc và phân bón như các loại cây ăn quả hiện có.

Nông dân xã Ea Sin tham gia mô hình được tập huấn về kỹ thuật. 

“Nhận cây giống mắc ca mà Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ, chúng tôi rất vui mừng. Cây giống khỏe mạnh, không bị xoăn lá, không bị sâu bệnh. Hiện, mắc ca có giá trị kinh tế cao, có giá bán từ 70.000 - 80.000 đồng/kg quả khô. Mô hình này giúp chúng tôi có kiến thức về canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học và bền vững. Sau buổi tập huấn được cầm tay chỉ việc, chúng tôi có thể tự tin ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho mô hình của mình. Chúng tôi rất kỳ vọng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng mắc ca theo hướng an toàn sinh học này sẽ mang lại lợi ích kép cho người nông dân, giúp cây mắc ca phát triển tốt, tăng chất lượng, năng suất, giá bán mắc ca ngày càng cao hơn” - ông Kiều Xuân Hương (buôn Ea Kring) tham gia mô hình với diện tích 0,5ha mắc ca chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk, ông Võ Văn Dũng cho biết: Khi thực hiện dự án trên, Hội đã giúp cho 40 hộ dân tham gia được hỗ trợ giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật canh tác trồng xen thâm canh cây mắc ca theo hướng an toàn sinh học. Từ đây, kỳ vọng góp phần nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.

Mặt khác, khi triển khai, cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Krông Búk nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung có điều kiện tham quan, học tập, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào canh tác, trồng xen cây mắc ca đạt hiệu quả, ổn định đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng.

Dự án khi thực hiện còn khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học gắn với chế biến tiêu thụ, nhằm xây dựng thương hiệu mắc ca Đăk Lăk, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân. Đồng thời vận động người dân hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đảm bảo cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Sau khi kết thúc mô hình, Hội Nông dân sẽ thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp chuyên trồng và chế biến mắc ca an toàn xã Ea Sin.

Dịp này, Văn phòng Phát triển bền vững -  Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã bàn giao cho 40 hộ nông dân xã Ea Sin, huyện Krông Búk, tỉnh Đăk Lăk 2.420 cây giống; 1.100kg phân bón, 660kg vôi bột và 100 lít chế phẩm sinh học.

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác