Đắk Lắk: Cơ hội xây dựng "hệ sinh thái sầu riêng" bền vững
Sự kiện lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần thứ 2 khai mạc đêm 31/8/2024 được xem là dấu mốc quan trọng về định hướng đầu tư tập trung, tổ chức cấu trúc lại các giá trị thương hiệu sầu riêng tại địa bàn Đắk Lắk. Cho đến nay, tỉnh Đắk Lắk có hai thương hiệu sầu riêng ở Krông Pắc và Cư M’gar, thì cả hai đều đang nỗ lực củng cố quy hoạch diện tích chăm trồng và giá trị nông sản.
Từ chuỗi giá trị đến kinh tế tuần hoàn
Trong khuôn khổ lễ hội sầu riêng lần thứ hai, chính quyền huyện Krông Pắc đặc biệt đầu tư chương trình hội thảo kết nối hợp tác, mời gọi đầu tư định hình một hệ sinh thái đồng bộ. Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh, lễ hội là điểm quy tụ sự kiện, quảng bá chất lượng, hình ảnh sầu riêng tại Krông Pắc, lan tỏa các giá trị truyền thông. Nhưng thực chất, địa phương hướng đến mục tiêu vận động, xây dựng cho được các chuỗi giá trị, thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa bàn, phát triển sản xuất của bà con nông dân ngày một tốt hơn. “Làm sao để bà con nông dân canh tác đúng, liên kết bền vững với các doanh nghiệp; mời gọi được các dự án chế biến chuyên sâu, tăng giá trị hàng hóa nông sản, thì thương hiệu sầu riêng Krông Pắc mới bền vững được” - Bà Ngô Thị Minh Trinh phát biểu.
Theo ông Vũ Đức Côn - Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, cách đặt vấn đề này thể hiện cái tâm, cái tầm của nhà quản lý, thật sự nhắm đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, xây dựng giá trị kinh tế nông nghiệp địa phương đi từ chuỗi giá trị canh tác đến hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn. Đó là, địa phương phải có được chuỗi đầu tư kinh tế khép kín giá trị, từ chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản cho đến vận chuyển bán hàng, đưa đến các vùng thị trường giá trị cao, và gia tăng các giải pháp chế biến, đầu tư chuyên sâu. Cây sầu riêng trong chuỗi định hình này, mới thực sự có giá trị hàng hóa cao, ổn định đầu ra, giảm giá đầu vào… Điều này đã được địa phương đề cập từ lâu, nhưng đến nay mới đủ điều kiện triển khai.
Ông Vũ Đức Côn mô tả, hệ sinh thái sầu riêng bền vững của địa phương cần có 3 điều kiện cơ bản:
Thứ nhất, vùng chuyên canh diện tích lớn, đã và đang được ngành nông nghiệp địa phương vận động, từ chọn các giống sầu riêng chất lượng, đến hình thành những mã vùng canh tác, đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Thứ hai, xác định rõ những tiêu chí sản lượng, chất lượng cho hàng hóa sầu riêng. Ở đây, phải nhìn thấy cơ hội từ nghị định thư xuất khẩu sầu riêng cấp đông thay vì chỉ xuất khẩu trái tươi. Sầu riêng được cấp đông sẽ đảm bảo tỷ lệ tiêu thụ cao hơn, giảm chi phí gia tăng và thoát khỏi bó buộc thời vụ, thật sự giúp người nông dân an tâm sản xuất và doanh nghiệp an tâm tổ chức bán hàng, thực hiện các hợp đồng lớn.
Thứ ba, từ quy hoạch lại vùng canh tác, sản lượng, địa phương đủ sức hấp dẫn mời gọi các dự án chế biến chuyên sâu, giúp tăng giá trị kinh tế từ quả sầu riêng lên gấp vài chục lần, cũng như các giá trị nông sản khác.
Bài toán đầu tư tổng hợp
Với ba điều kiện đó, Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung sẽ cần một bài toán đầu tư tổng hợp về chiến lược sầu riêng. Lợi thế tự nhiên của vùng là thời vụ thu hoạch loại quả này ở Tây Nguyên lệch pha so với các vùng đất khác, giúp Tây Nguyên có hàng hóa xuất khẩu trong lúc các nơi khác không thu hoạch được. Chất đất Tây Nguyên cũng là một lợi thế lớn, chỉ cần canh tác đúng sẽ mang lại quả sầu riêng ổn định và đúng quy cách. Như vậy, chỉ cần làm tốt hướng đầu tư vào giống cây, chủng loại sầu riêng, áp dụng quy trình thao tác đúng chuỗi giá trị ở người nông dân, vận dụng kinh tế tuần hoàn với nông nghiệp Tây Nguyên là địa phương vững vàng có một hệ sinh thái mạnh mẽ.
Ông Vũ Đức Côn lưu ý, cho đến nay, vấn đề giống cây, chủng loại sầu riêng canh tác trong nước và riêng ở Tây Nguyên vẫn chưa ổn định, thiếu tham chiếu, sự tham gia của các nhà khoa học về cấy tạo giống. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì hướng vận động này, cùng các viện nghiên cứu khẩn trương có các giải pháp cải tạo chuyên sâu về giống, làm sao đưa được các giống cây, chủng loại đã xác minh chất lượng gien, nguồn tốt nhất cho người nông dân.
Tiếp đó, cần có quy chế phối hợp, hỗ trợ làm sao để các doanh nghiệp đầu tư an tâm bỏ vốn, đưa dự án hợp tác canh tác, và chế biến chuyên sâu vào Tây Nguyên, mới có thể hướng dẫn người nông dân tuân thủ đúng các quy trình khoa học và kỹ thuật tiến bộ trong chăm sóc, thu hoạch, cũng như bảo quản nông sản. Qua đó, công nghiệp chế biến mới có thể phát huy tốt trong từng mùa vụ sầu riêng, tạo đà để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chú trọng.
Cuối cùng, kinh tế tuần hoàn là yêu cầu quan trọng để đảm bảo cho môi trường canh tác sầu riêng bền vững; phải vận động, thậm chí lập nghiêm các chính sách, quy chế quản lý, kiểm soát tốt nhất trong hệ sinh thái sản xuất tiêu thụ sầu riêng. Người nông dân cần bỏ tập quán canh tác cũ, ứng dụng các quy trình, cách thức canh tác mới, triệt tiêu hẳn tình trạng sử dụng các hóa chất, phân vô cơ có tác động xấu đến vùng trồng. Các tổ chức xã hội, chuyên ngành cần có mặt, hợp tác với nông dân, vận động doanh nghiệp liên kết đầu tư xử lý môi trường sau thu hoạch, tận dụng phế phẩm nông nghiệp vào chế biến phân bón hữu cơ, quy trình canh tác “xanh hóa”…
Để đạt được mục tiêu đó, “cần một sự hợp tác quy hoạch, triển khai đồng bộ, nhịp nhàng, và trách nhiệm, từ chính quyền, đến ngành nông nghiệp, doanh nghiệp và người nông dân” - ông Vũ Đức Côn nhấn mạnh.