Nhận diện những cơ hội và thách thức của chuyển đổi số đối với nông dân
Đồng chủ trì hội thảo này là bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN và ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Tham dự còn có lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị của Trung ương Hội, cán bộ lãnh đạo của Hội Nông dân đến từ 22 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền trên cả nước, các chuyên gia và một số nông dân tiêu biểu.
Nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ số của Hội Nông dân
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Bùi Thị Thơm cho biết, trong thời gian qua các cấp Hội Nông dân đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số vào trong các hoạt động của Hội; đặc biệt, tích cực phối hợp với ngành Nông nghiệp, KH&CN, tranh thủ các dự án quốc tế tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số (như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, tự động hóa, truy xuất nguồn gốc nông sản... trí tuệ nhân tạo (AI), mạng lưới vạn vật kết nối (IoT), điện toán đám mây, big data...) vào hoạt động quản lý, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản… góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Đến nay, đã có hàng vạn sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được chào bán trên các sàn Thương mại điện tử có uy tín và đạt doanh số bán hàng khá cao.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn những khó khăn, hạn chế, thách thức liên quan tới người nông dân khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp như: Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, hiệu quả của chuyển đổi số còn hạn chế nên chưa chủ động học hỏi, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số; trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp của nông dân còn thấp; chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp chưa phù hợp, chưa kịp thời, chưa quan tâm việc hỗ trợ cho các hợp tác xã và nông dân ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, canh tác chủ yếu vẫn dựa theo phương pháp truyền thống và phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân.
Bà Bùi Thị Thơm cho biết thêm: Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm, hàng hóa đặc biệt là nông sản thì truy xuất nguồn gốc được xem là giải pháp ưu việt, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những loại nông sản có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo, đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại (vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ). Mặc dù các lực lượng chức năng đã rất tích cực xử lý vi phạm, tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra hết sức tinh vi và phức tạp; bởi vậy, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nói chung, các sản phẩm nông nghiệp nói riêng là yêu cầu bức thiết từ cuộc sống.
Những hàng hoá xuất khẩu, trong bối cảnh nhiều thị trường trên thế giới (phải kể đến là các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật… và cả thị trường Trung Quốc) đều yêu cầu ngày càng cao đối với hàng hóa của Việt Nam, trong đó truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp là yêu cầu bắt buộc, phải tuân thủ nghiêm ngặt, đặc biệt với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm… Do vậy, truy xuất nguồn gốc còn giúp nông sản Việt Nam tiếp cận gần hơn với các thị trường lớn và khó tính trên thế giới.
Việc tổ chức hội thảo này nhằm làm rõ hơn một số vấn đề về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam; đưa ra được những giải pháp giúp nông dân ứng dụng, thực hiện có hiệu quả trong Chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp hiện nay. Đặc biệt, thông qua hội thảo, các thông tin nghiên cứu sẽ góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cán bộ Hội và hội viên nông dân về vai trò, trách nhiệm, tầm quan trọng của chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, trên cơ sở đó góp phần thúc đẩy công tác tuyền truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân tích cực thực hiện chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, hàng hóa. Vì vậy, để hội thảo thành công, đạt mục tiêu đề ra, bà Bùi Thị Thơm đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận nhiều nội dung cụ thể.
Nhiều rào cản trong chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đề cập đến những nội dung liên quan đến chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc như vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; những quy định, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; những khó khăn, tồn tại, hạn chế; những kinh nghiệm, giải pháp thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp nước ta giai đoạn hiện nay; Những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội, thách thức đối với hội viên, nông dân trong quá trình chuyển đổi số và ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm; kinh nghiệm chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Hà Lan…
Theo ông Đặng Duy Hiển – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), chuyển đổi số hiện nay được thể hiện trong nhiều văn bản, nghị định, thông tư hướng dẫn và các chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể của Nhà nước. Tuy nhiên để thực hiện thì vẫn còn nhiều khó khăn như: Nhiều nội dung của văn bản, quy định còn chưa chi tiết, cụ thể, rõ ràng nên khó triển khai; Hoạt động truy xuất nguồn gốc hiện đang phân tán, chưa đồng bộ; Việc kết nối, chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương với nhau còn rời rạc; Xây dựng hệ thống theo hình thức “mạnh ai người ấy làm”.
Bên cạnh đó, do chưa đồng bộ về hạ tầng công nghệ; mô hình sản xuất còn nhỏ lẻ, quy trình sản xuất/quản lý còn phức tạp… nên khó áp dụng công nghệ vào các khâu/công đoạn trong chuỗi cung ứng, chưa có các chế tài nghiêm khắc xử lý các vi phạm, sai phạm về truy xuất nguồn gốc (ví dụ như gian lận trong mã số vùng trồng). Mỗi một sản phẩm, hàng hóa có những đặc thù, quy trình sản xuất, canh tác, chuỗi cung ứng khác nhau nên quy trình áp dụng truy xuất nguồn gốc cũng cần phù hợp cho từng loại sản phẩm, hàng hóa, dẫn đến yêu cầu một hệ thống truy xuất nguồn gốc phải bao phủ được tất cả các sản phẩm, hàng hóa… Do vậy, giải pháp để khắc phục những khó khăn này là tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống truy xuất nông sản của Bộ NN&PTNT cả về xây dựng mở rộng các tính năng, chức năng trên phần mềm và đầu tư, mua sắm thiết bị phần cứng, máy chủ. Giải pháp tiếp theo là thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia và hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản của các địa phương, hình thành hệ sinh thái và mạng lưới truy xuất nguồn gốc nông sản rộng khắp cả nước.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Bến – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị cũng cho hay: Hiện nay, triển khai nhiều chương trình, dự án chuyển đối số đối với nông dân như sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kết nối, tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định. Đó chính là tạo thói quen sử dụng của người tiêu dùng đối với sản phẩm chất lượng cao, đủ chất lượng chứ không phải là sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
Theo ông Bến, khó khăn lớn hiện nay là quy mô sản xuất nhỏ, chưa có sự liên kết sản xuất giữa các vùng để tạo là sản phẩm chất lượng quy mô lớn cung cấp ra thị trường. Do điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn nên ở Quảng Trị dù nhiều sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử nhưng nhiều nông dân không tiếp cận được vì thiếu điện thoại thông minh. Vì vậy, thực hiện chuyển đối số đối với nông dân có rất nhiều rào cản, do vậy phải hướng dẫn cho họ thực hành, làm được ngay, điều này rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học và nhà nông. Đồng thời, nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ trong chuyển đối số về truy xuất nguồn gốc cũng phải rõ ràng cụ thể.
Chia sẻ về giải pháp quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, PGS.TS Mai Quang Vinh – Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam cho biết: Trong 5 năm gần đây, để đóng góp giải pháp chuyển đổi số nông nghiệp, trong đó có quản lý, giám sát, truy xuất minh bạch và kết nối các loại nông sản với thị trường trong nước và quốc tế, các thành viên sáng lập của Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam chúng tôi (VDECA) xây dựng thành công Giải pháp phần mềm eGap (Quản lý điện tử 4.0 thực hành nông nghiệp tốt) và Cổng thông tin Quản lý, Giám sát, Truy xuất minh bạch và Kết nối thị trường nông sản Việt Nam https//egap.vn) với 4 ngành sản xuất đƣợc quản lý và 100 Cổng phụ (Sub – domain) cho 63 tỉnh thành và các doanh nghiệp nông nghiệp lớn. Phần mềm Nhật ký điện tử eGap cho 4 ngành Trồng trọt, Chăn nuôi, Thủy sản, Chế biến (trong đó có sản phẩm OCOP), đo đếm tín chỉ các-bon, quản lý phát thải khí nhà kính trên nền tảng thông tin di động Android và iOS, thay cho Nhật ký giấy thủ công, đưa Tem QR Code vào quản lý chặt chẽ có giám sát của Nhà nước. Thành tựu này được Ngân hàng Thế giới trao giải thưởng đổi mới sáng 117 tạo PoC-WB/2017, được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu năm 2019, Bộ NN&PTNT đã có Công văn ủng hộ cho phép mở rộng ứng dụng ra sản xuất...
Trong thời gian tới, Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam muốn hợp tác với Hội Nông dân Việt Nam theo chương trình hợp tác ứng dụng Gói giải pháp chuyển đổi số và eGap & eGap.vn giai đoạn 2024 – 2028 với nhiều nội dung cụ thể.
Là một trong những người ứng dụng thành công chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hải – Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (tỉnh Bắc Giang) chia sẻ: Việc quyết định thành lập HTX thì HTX đã định hướng các thành viên chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ. Công tác quản lý hệ thống trang trại được thực hiện toàn bộ trên hệ thống phần mềm quản lý trang trại từ đó theo dõi được toàn bộ hoạt đông của trang trại như: theo dõi thông tin chi tiết về từng con vật (số hiệu, phả hệ, giống, tuổi, trạng thái sức khỏe ...). Việc lập lịch theo dõi và ghi chép quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, tính toán nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi, theo dõi tiêm chủng phòng trị bệnh, theo dõi và phát hiện sớm dấy hiệu bệnh tật, phân tích các thông số về năng suất, chất lượng sản phẩm... đều được quản lý, từ đó nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Việc quản lý sản xuất các sản phẩm như thịt lợn, giò lụa heo thảo dược, chả lục heo thảo dược, và xúc xích thảo được quản lý rất chặt chẽ từ khâu giết mổ, đến sản xuất được ra sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhờ vậy, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, có chỗ đứng vững trên thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Hải, hiện nay cái khó đối với HTX là việc tiếp cận các chính sách để áp dụng vào HTX, chi phí hạ tầng ban đầu cho hệ thống áp dụng chuyển số và truy xuất nguồn gốc còn cao so với quy mô sản xuất của HTX, khả năng chủ động tiếp cận với công nghệ số của nhiều nông dân còn hạn chế, cần có sự hỗ trợ về tập huấn, đào tạo.
“Rất mong Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các chính sách về tín dụng hỗ trợ các HTX, người nông dân mạnh dạn đầu tư áp dụng chuyển đổi số và hệ thống truy xuất nguồn gốc vào trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ công tác đào tạo trang bị cho người nông dân những kiến thức về chuyển đổi số và hệ thống truy xuất nguồn gốc, giúp người nông dân dần làm quen với thời đại kinh tế số. Cần có các chương trình, dự án xây dựng hạ tầng CNTT ở vùng nông thôn để người dân có cso hội tiếp cận nhanh hơn với chuyển đối số...” – ông Nguyễn Ngọc Hải đề xuất.
Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho nông dân
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, truy xuất nguồn gốc là một phần nhỏ của chuyển đổi số. Chuyển đổi số là tất yếu và buộc phải làm trong sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng có nhiều cơ hội để thực hiện, cơ hội đối với nông dân là lớn nhất bởi họ có nhu cầu, người tiêu dùng có nhu cầu, nếu không có truy xuất nguồn gốc thì người nông dân cũng khó bán được sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay chuyển đổi số vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn như sản xuất nông nghiệp đa phần vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ nên đầu tư chuyển đối số sẽ rất tốn kém; bên cạnh đó nông dân vẫn tư duy và thói quen sản xuất nông nghiệp phục vụ hộ gia đình, trình độ, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp nên là rào cản lớn của chuyển đổi số trong nông nghiệp. Một khó khăn nữa là chi phí cao, lợi ích lại chưa rõ ràng nên khó hấp dẫn nông dân tham gia.
Để giúp chuyển đổi số trong nông nghiệp hiệu quả, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp thì Nhà nước phải làm là chính, nông dân là người hưởng lợi và ứng dụng những công nghệ đó trong quá trình sản xuất. Ông Hiệp cũng đề xuất cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho nông dân. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho cả đối tượng là quản lý và nông dân.
“Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp muốn làm được phải có đủ dữ liệu, tạo sự đồng nhất trong toàn quốc, việc nào dễ sẽ ưu tiên làm trước. Bộ NN&PTNT đã chọn tỉnh Đồng Tháp làm mô hình điểm để nhân rộng sang các tỉnh, thành khác” - ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm.
Trước đó, bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đã nhấn mạnh: Kết quả thực hiện chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc có nhưng chưa nhiều, Hội Nông dân có trách nhiệm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc thì các sản phẩm mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Bên cạnh đó, Hội cũng cần tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc; tiếp tục đẩy mạnh uyên truyền cho nông dân trong tích tụ ruộng đất, liên kết để ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm.
Qua buổi hội thảo này, các bộ, ngành liên quan trên cơ sở các ý kiến tham luận, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có thể tham mưu cho Chính phủ để tạo nhiều cơ hội cho nông dân, phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyển đổi số trong nghiệp./.