Nâng cao nhận thức về giá trị của di sản văn hóa trong cộng đồng
Diễn ra từ ngày 1 - 6/8, Hội thảo bao gồm 10 phiên toàn thể và 65 phiên trình bày song song. Trong đó, nhiều phiên thảo luận đem lại những thông tin và góc nhìn đa chiều về di sản văn hóa của Việt Nam và thế giới như: "Bàn luận di sản: Tổng quan, cách tiếp cận và thực tiễn"; nghiên cứu cộng đồng người Việt toàn cầu; giáo dục đại học toàn cầu; du lịch di sản và ngoại giao bảo tàng; di sản từ góc độ kiến trúc, nghệ thuật và bảo tàng; trang phục và quốc phục: thảo luận mở về áo dài…
Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, địa phương là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á đang sở hữu và đồng sở hữu 7 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Ngoài ra, toàn tỉnh có gần 1.000 công trình, địa điểm được kiểm kê; trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh.
Địa phương xác định văn hóa là cầu nối phát triển bền vững và luôn chú trọng các sản phẩm gắn với thương hiệu "Huế - Kinh đô áo dài", "Huế - thành phố của lễ hội", "Huế - Kinh đô ẩm thực" làm đòn bẩy quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Thông qua Hội thảo, địa phương mong muốn, các đại biểu đóng góp những nội dung về chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo và các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế trong bối cảnh xã hội đương đại.
Giáo sư Hoàng Đạo Kính chia sẻ, nửa thế kỷ qua, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế đạt được 2 thành tựu nổi trội. Đó là, tiến hành nghiên cứu rộng và sâu về lịch sự, văn hóa, di sản văn hóa và nhiều lĩnh vực chuyên biệt khác như gia đình và dòng họ, văn hóa dân gian, nghi lễ, lễ hội, tập quán...; các di tích và quần thể kiến trúc cung đình Huế đã vượt qua được giai đoạn cấp cứu, được trùng tu và tôn tạo, phần lớn đã đáp ứng các nguyên tắc cơ bản của khoa học bảo tồn. Thời gian tới, địa phương nên tiến hành điều tra, đánh giá và kiểm kê đầy đủ, theo các tiêu chí và bước đi khác nhau toàn bộ di sản kiến trúc đô thị; đặc biệt chú ý đến các kiến trúc nhà vườn, phủ đệ, cấu trúc phố phường. Về phương diện di sản kiến trúc, tỉnh nên có sự phân biệt rõ giữa di tích và di sản. Với tài nguyên di sản văn hóa phi vật thể, hiểu theo nghĩa rộng, địa phương nên tiếp tục điều tra, đánh giá và làm chủ các yếu tố cấu thành; xác định rõ những gì là di sản, là truyền thống và những gì có sức sống trong cuộc sống đương đại.
Ngoài các hoạt động học thuật, bên lề Hội thảo còn có nhiều hoạt động nghệ thuật, trưng bày, triển lãm và biểu diễn hấp dẫn như: Chương trình triển lãm áo dài và di sản Phong Y Yến tổ chức tại Cung An Định; Triển lãm áo dài kết hợp giao lưu cùng các nhà thiết kế và nghệ nhân; Triển lãm mỹ thuật quốc tế; biểu diễn nhạc cụ truyền thống Khmer Nam Bộ; Chương trình sắp đặt và đêm thơ tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị cùng nhiều hoạt động thú vị khác. Các hoạt động không chỉ hứa hẹn mang lại những trải nghiệm văn hóa và nghệ thuật đặc sắc mà còn tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu giữa các chuyên gia, nghệ sĩ và đại biểu quốc tế, góp phần nâng cao nhận thức về giá trị của di sản văn hóa trong cộng đồng trong và ngoài nước.