Ngành chế biến và xuất khẩu điều: Vượt rào cản, xuất khẩu điều về đích
Năm 2021 là năm có nhiều biến động lớn đối với ngành chế biến và xuất khẩu điều. Đặc biệt trong bối cảnh vừa phải đối mặt với tình hình giãn cách xã hội để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, vừa phải ứng phó với tình trạng thiếu container, chi phí logistics tăng cao khiến lợi nhuận của ngành điều phải san sẻ vào những phát sinh này.
Tuy nhiên, thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, kết quả xuất khẩu điều năm 2021 đạt 577.400 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,63 tỷ USD, tăng 13% về giá trị và tăng 12% về lượng so với năm 2020.
San sẻ lợi nhuận
Theo Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, giá xuất khẩu bình quân hạt điều trong tháng 11 và tháng 12/2021 ở ngưỡng 6.500 USD/tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thêm vào đó, quý 4/2021 là mùa cao điểm tiêu thụ hạt điều, các thị trường như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc... tăng cường nhập khẩu. Còn ở trong nước, tình trạng giãn cách đang dần được nới lỏng, giúp hoạt động sản xuất và vận chuyển thuận lợi hơn.
Chính vì số lượng tiêu thụ hạt điều trong quý 4 tăng và chuẩn bị đón Giáng sinh của các thị trường trên thế giới đã thúc đẩy xuất khẩu điều tăng lên, đạt mục tiêu xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra ngay từ đầu năm 2021.
Theo nhận định của các chuyên gia, sự tăng trưởng này giữ được ổn định là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều. Bởi trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để ứng phó với dịch COVID-19, các doanh nghiệp gia tăng chi phí vào nguồn lực lao động hoạt động sản xuất "3 tại chỗ," cộng với những phát sinh chi phí vận chuyển tăng cao và tình trạng thiếu container trong thời gian vừa qua.
Ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam cho biết, năm nay tuy dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía Nam, nhưng xuất khẩu điều vẫn tăng trưởng tốt nhờ ngành sản xuất chế biến điều vẫn hoạt động tốt. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều vẫn cố gắng duy trì nhà máy sản xuất, cung ứng nguồn nguyên liệu đầy đủ cho nhà máy.
Thêm vào đó, những thiết bị phục vụ cho nhà máy cũng được doanh nghiệp sắp xếp đặt hàng, vận chuyển và thay thế kịp thời, giúp quá trình sản xuất các đơn hàng kịp tiến độ. Với diễn biến tình hình ứng phó dịch bệnh trong nước, các doanh nghiệp chế biến điều có thể vượt qua, nhưng vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp và hoạt động xuất khẩu chính là giá vận chuyển, logictics biến động mạnh, tăng hơn 10 lần so với năm 2020 khiến lợi nhuận của ngành điều phải san sẻ vào phân đoạn này lúc giao hàng.
Tận dụng cơ hội
Đến nay, hạt điều của Việt Nam đã có mặt tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là cơ hội để ngành chế biến điều có thể xoay chuyển tình thế trong bối cảnh dịch COVID-19 bởi thị trường này bị ảnh hưởng hoặc đóng cửa giao thương thì các thị trường khác vẫn có thể hoạt động, tránh được đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu hạt điều.
Trong những thị trường nhập khẩu điều Việt Nam, thì thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ vẫn là những thị trường chủ lực của hạt điều Việt Nam. Tại thị trường châu Âu, Hà Lan và Đức là 2 quốc gia nhập khẩu hạt điều của Việt Nam lớn nhất.
Khi giá cước vận chuyển, logistics tăng cao trong những tháng qua khiến giá hạt điều Việt Nam khó cạnh tranh với hạt điều Ấn Độ và Brazil, ngành điều Việt Nam đã tranh thủ khai thác các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản và một số thị trường ngách của Liên minh châu Âu.
Việc mở rộng hình thức vận tải sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giao hàng. Đoàn tàu chở container điều từ Hà Nội sang Bỉ đã đánh dấu mở thêm tuyến đường vận tải vào sâu nội địa châu Âu, giúp ngành điều thuận lợi hơn.
Thêm vào đó, thị trường nhân điều tốt quanh năm và 3 thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc luôn duy trì mức tăng trưởng dương cũng như nhu cầu thị trường lớn vào dịp cuối năm, nhất là thị trường châu Âu.
Theo đại diện Hiệp hội điều Việt Nam, Hoa Kỳ duy trì là thị trường xuất khẩu nhân điều lớn nhất của Việt Nam, đạt khối lượng 149.000 tấn, trị giá hơn 880.600 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đối với thị trường châu Âu, chiếm tỷ trọng hơn 24% kim ngạch xuất khẩu điều cả nước. Với thị trường Trung Quốc, chiếm hơn 14% kim ngạch xuất khẩu điều của Việt Nam.
Hiện nay, hai thị trường có dấu hiệu sẽ tăng mạnh nhập khẩu hạt điều Việt Nam là Đức và Đài Loan (Trung Quốc). Cụ thể, theo cơ quan thống kê châu Âu, nhập khẩu hạt điều của Đức chiếm khoảng 29% trong tổng lượng và kim ngạch toàn khối. Nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại Đức liên tục tăng do nhu cầu cao từ các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nhu cầu tiêu dùng cuối cùng của người dân.
Xét về cơ cấu nguồn cung, Việt Nam vẫn là nguồn cung hạt điều số 1 tại thị trường Đức nhờ nguồn cung ổn định và chất lượng đảm bảo. Triển vọng xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường Đức sẽ khả quan trong năm 2022 nhờ lợi thế về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA). Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu hạt điều của Đức tăng sẽ tác động tích cực lên ngành điều Việt Nam.
Riêng thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam là đối tác xuất khẩu hạt điều lớn nhất vào Đài Loan trong nhiều năm qua. Hải quan Đài Loan gần đây cho đăng thông báo đang tiến hành sửa đổi Biểu thuế nhập khẩu hải quan. Theo đó, để đồng bộ với các chính sách phát triển ngành, thuế suất nhập khẩu mặt hàng "hạt điều khô, bỏ vỏ" vào Đài Loan sẽ được giảm xuống còn 10% thay vì thuế suất 26,2 Đài Tệ/kg, hoặc 16% như hiện nay.
"Mặc dù Đài Loan không đứng trong top các thị trường xuất khẩu chủ lực nhưng với động thái giảm thuế nhập khẩu hạt điều sẽ khích thích hoạt động xuất khẩu vào thị trường này tăng mạnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo," đại diện Hiệp hội điều Việt Nam nhận xét./.
Theo Vietnam +