Nông nghiệp

Ngành điều vẫn chưa giải xong bài toán nguồn cung nguyên liệu

00:02 22/11/2017 GMT+7

Năm 2017 là năm thứ 12 liên tiếp ngành điều Việt Nam giữ vị trí số một thế giới về chế biến, xuất khẩu điều nhân. Nhưng vì sao bao nhiêu năm qua, ngành điều chưa giải xong bài toán nguồn cung nguyên liệu, số lượng điều nhập khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước. Và, dù là nước XK điều lớn nhất thế giới, Việt Nam vẫn chỉ tham gia vào khâu chế biến sơ, tương đương 18% chuỗi giá trị điều.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2017, sản lượng điều xuất khẩu (XK) đạt 291,7 nghìn tấn, kim ngạch đạt 2,891 tỷ USD, tăng 0,4% về lượng và tăng 24% về kim ngạch so với cùng kỳ 2016.

Ước tính năm 2017, ngành điều phấn đấu XK đạt 330 nghìn tấn điều nhân các loại với kim ngạch XK các sản phẩm điều trên 3,3 tỷ USD (trong đó XK nhân điều là 3,0 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay.

Cơ hội tỷ đô

Với kết quả này, năm 2017, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì thị phần trên 50% tổng giá trị XK nhân điều toàn cầu (khoảng 5,5 tỷ USD). Năm 2017 là năm thứ 12 liên tiếp ngành điều Việt Nam giữ vị trí số một thế giới về chế biến, XK điều nhân.

Đánh giá về triển vọng XK điều trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết xu hướng tăng đã chững lại trong quý II và quý III/2017 nhưng nhìn chung, giá XK của Việt Nam vẫn ở mức cao so với những năm trước và triển vọng sẽ duy trì vững trong quý IV/2017 và quý I/2018 do nhu cầu tăng trong dịp Lễ Tết cuối năm, nhất là ở châu Âu, châu Á.

Theo thông lệ 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương đánh giá, chưa phải là chu kỳ tăng giá nên vẫn có khả năng còn một đợt tăng giá nữa vào hai tháng cuối năm.

Vì vậy, Bộ Công Thương nhận định, triển vọng XK điều thời gian tới tương đối khả quan do dung lượng thị trường rất lớn, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan… tăng vào dịp cuối năm.

Theo Tổ chức Hạt và Trái cây khô quốc tế (INC), tiêu thụ các loại hạt khô toàn cầu đạt 30 tỷ USD mỗi năm, trong đó dẫn đầu là hạt điều, với tỷ trọng dự kiến sẽ tăng, chiếm 28,91% vào năm 2021, xếp thứ 2 là hạt óc chó. Tới thời điểm đó, châu Á – Thái Bình Dương dẫn đầu về thị trường tính theo khu vực địa lý, chiếm 92,62% thị trường quả khô.

Đáng chú ý, thị hiếu tiêu dùng của người dân Trung Quốc có sự chuyển dịch từ gạo sang các loại hạt ngũ cốc, trong đó người tiêu dùng nước này chuộng ăn hạt điều rang muối, hạt điều tẩm mật ong, hạt điều wasabi… Triển vọng tiêu thụ điều trung và dài hạn sẽ tiếp tục tăng là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển ngành sản xuất và chế biến điều.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam tăng mạnh 94,9% về lượng và tăng 156,3% về kim ngạch, chiếm 97% thị phần (về lượng) và chiếm 97,9% thị phần (về trị giá), tăng so với 90,2% thị phần (về lượng) và tăng 93,6% thị phần (về trị giá) trong 9 tháng năm ngoái.

Đứng trước cơ hội rộng mở, ngành điều lại gặp phải thách thức “ăn đong” nguyên liệu. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, năm 2016, lượng hạt điều nguyên liệu đưa vào chế biến 1,50 triệu tấn, trong đó phải nhập khẩu 1.025.000 tấn, mua trong nước 475.000 tấn, chiếm 31,67% nguyên liệu sản xuất năm 2016.

Xuất khẩu tỷ đô nhưng nhiều năm qua ngành điều luôn lo thiếu nguyên liệu

Năng suất, sản lượng giảm kỷ lục

Nguyên nhân, theo Bộ Công Thương, là do yếu tố thời tiết không thuận lợi, năng suất và sản lượng điều của Việt Nam giảm kỷ lục. Ước tính trong năm 2017, sản lượng điều cả nước chỉ đạt 252.038 tấn, giảm 51.860 tấn so với năm 2016.

Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, năng suất điều cả nước năm 2017 dự kiến chỉ đạt bình quân 7,8 tạ/ha, giảm 0,21 tấn/ha so với 2016. Thậm chí có nơi năng suất chỉ khoảng 1,5 – 2,5 tạ/ha, có nơi mất trắng 100%.

Chất lượng điều thô cũng bị ảnh hưởng, hạt chất lượng xấu ở cả ba giai đoạn đầu – giữa và cuối mùa (những năm trước thường chỉ xấu vào cuối mùa). Từ nay tới cuối năm, điều trong nước vẫn còn một đợt thu hoạch nhưng sản lượng không nhiều.

Theo đó, diện tích điều năm 2005 là 433.391 ha, đến năm 2012 là 352.999 ha, hiện nay chỉ còn 301.738ha, giảm 131.653ha so với năm 2005 và 24.261 ha so với năm 2012.

Trong khi đó, diện tích trồng mới có xu hướng giảm, năm 2006 trồng mới 25,5 nghìn ha, năm 2008 còn 11,5 nghìn ha, năm 2016 trồng mới 5.625,8ha.

Chưa kể, diện tích trồng điều già cỗi cần tái canh chiếm tỷ lệ lớn. Diện tích điều trong vùng quy hoạch, già cỗi… chiếm khoảng 80 nghìn ha ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Bình Phước 50 nghìn ha, Đồng Nai 10,8 nghìn ha, Bình Thuận 12,8 nghìn ha. …

Năng suất điều bình quân cả nước trong thời gian qua có chiều hướng giảm. Năm 2005, năng suất điều bình quân 10,6 tạ hạt/ha, năm 2010 đạt 8,5 tạ hạt/ha, năm 2015 là 12,1 tạ/ha, năm 2016 là 10,7 tạ/ha, năm 2017 là 8,7 tạ/ha.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, từng nhận định công nghệ chế biến điều nhân XK Việt Nam rất tốt nhưng cũng hàm chứa một rủi ro lớn khi hầu hết DN phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước xa xôi về chế biến. Trong khi đó, dư địa trong nước còn lớn nhưng sản xuất nguyên liệu lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Theo các chuyên gia, diện tích trồng điều giảm những năm gần đây do ảnh hưởng của thời tiết, giống và thị trường, dẫn đến lợi nhuận thu được từ việc trồng điều giảm, người nông dân chuyển dần sang trồng các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao hơn như cao su.

Bình Phước, tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất cả nước, đã chứng kiến sự sụt giảm về diện tích trồng điều. Các tỉnh Đăk Lăk, Kon Tum, Đồng Nai không có sự tăng trưởng về diện tích trồng điều.

Do vậy, ngành điều Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào điều thô nhập khẩu từ các quốc gia khác như các nước Tây Phi, Campuchia. Tỷ lệ điều thô nhập khẩu có xu hướng tăng từ năm 2007-2014, tỷ lệ điều thô nhập khẩu năm 2007 là 39%, trong khi đến năm 2014, tỷ lệ này là 62,5%.

Campuchia là một trong những nước sản xuất điều lớn với diện tích trồng loại cây này hiện khoảng 64.840 ha. Nước này XK một phần điều thô nguyên liệu sang Việt Nam.

Mới đây, Campuchia đang có ý định tăng năng suất chế biến điều XK thay cho XK điều thô như hiện nay. Được biết, hiện nước này đã XK điều nhân sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu như vậy, ngành điều Việt Nam chắc chắn sẽ gặp khó khăn vì khan hiếm nguyên liệu.

Ngoài ra, chuyên gia phân tích thị trường Lê Văn Liền cho rằng là nước XK điều lớn nhất thế giới nhưng Việt Nam mới chỉ tham gia vào khâu chế biến sơ, tương đương 18% chuỗi giá trị điều. Phần lợi nhuận lớn nhất vẫn nằm ở khâu chế biến rang muối và phân phối với tổng giá trị gần 60%.

Ngành điều Việt Nam gặp khá nhiều thách thức khi tham gia vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Trên cả nước, có 256 DN chế biến điều, có 119 cơ sở chưa đủ tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Theo Vinacas, phần lớn DN là nhỏ, kim ngạch XK hàng năm dưới 5 triệu USD do XK nhân điều nên giá trị gia tăng thấp.

Ông Trần Công Khanh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cây điều Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam 

Nguồn cung điều thế giới tăng trưởng chậm là cơ hội cho Việt Nam nếu chúng ta xây dựng được vùng nguyên liệu điều cho năng suất cao và ổn định, từ đó chủ động điều tiết giá và giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu điều nhập khẩu. 

Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas)

Việt Nam hiện chế biến hơn một nửa sản lượng điều toàn cầu, XK cũng chiếm hơn một nửa về lượng cũng như giá trị. Mỗi năm, Việt Nam XK khoảng 350 ngàn tấn nhân điều trong khi Ấn Độ chỉ XK hơn 100 ngàn tấn. Thế nhưng, ở nhiều thị trường, khi nói tới hạt điều, người tiêu dùng vẫn chỉ biết hạt điều có xuất xứ từ Ấn Độ.

Ông Lê Văn Liền – Chuyên gia Phân tích thị trường

Để đạt được mục tiêu phát triển đến năm 2020 có năng suất điều bình quân cả nước đạt 1,5 tấn/ha, vùng quy hoạch trồng điều trọng điểm phải đạt 2,0 tấn/ha, đến năm 2030, năng suất điều bình quân cả nước đạt 2,0 tấn/ha. Nếu muốn vùng quy hoạch trồng điều trọng điểm đạt 2,5 tấn/ha thì cần thiết phải quan tâm đúng mức về chính sách, nhất là mối quan hệ giữa DN và nông dân. Đồng thời, đầu tư khoa học công nghệ là yếu tố mang tính quyết định để ngành điều phát triển bền vững. 

Lê Thúy

Tin cùng chuyên mục
Tin khác