Nhà nông cần biết

Nghệ An chủ động ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi

Bùi Ánh - 09:30 30/10/2023 GMT+7
Dịch tả lợn Châu Phi đã gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hiểu rõ hậu quả của dịch bệnh gây nên, Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động nắm bắt, tham mưu hiệu quả cho UBND tỉnh đưa ra phương án ứng phó.
Việc phòng chống dịch bệnh tốt sẽ tăng tổng đàn chăn nuôi và giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi

Những năm gần đây, dịch tả lợn Châu Phi khiến người chăn nuôi tại Nghệ An mất ăn mất ngủ triền miên, ngay hiện tại diễn biến vẫn rất khó lường. Đang trong giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, ẩm độ cao tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh và lây lan. Trong khi đó, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm phần đa số, người nuôi chưa tuân thủ đúng quy trình, khó kiểm soát dịch bệnh, kết hợp chưa có vắc xin phòng trừ,… càng góp phần gia tăng nguy cơ.

Nhằm giảm thiểu tối đa mức độ thiệt hại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đã triển khai quyết liệt các bước, làm tốt khâu tham mưu để UBND tỉnh, Sở NN&PTNT nắm rõ tình hình tổng quan, kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo mang tính sát sườn, qua đó giúp các địa phương, đơn vị liên quan chủ động ứng phó.

Nhiều cuộc hội thảo về các loại vacxin phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đã được tổ chức để giúp người chăn nuôi hiểu rõ hơn về phòng bệnh cho đàn lợn.

Dưới góc nhìn chuyên môn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An kiến nghị chính quyền cấp huyện, xã cần chủ động giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh (nếu có) trên đàn vật nuôi, đồng thời tập trung nguồn lực, ưu tiên phòng chống dịch, tránh không để lây lan và phát sinh trên diện rộng.

Song song với đó, các địa phương phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng dưới nhiều hình thức để các tổ chức, doanh nghiệp, người nuôi hiểu rõ hậu quả do dịch bệnh gây nên, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuyệt đối xóa bỏ tư tưởng việc ai người đấy lo.

Ông Nguyễn Viết Lương - Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi

Nhu cầu đặt ra rất lớn nhưng nguồn lực thực hiện hạn chế, do đó các địa phương không thể dàn trải cùng lúc tất cả nội dung. Trước mắt, người dân không nên vội vã tái đàn, tăng đàn. Quá trình nuôi nếu phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân, hoặc có biểu hiện khác thường cần báo ngay cho cơ quan chức năng thay vì tự điều trị, cũng như tuồn bán lợn bệnh.

Về phía chính quyền địa phương và ngành chăn nuôi, thú y cần linh hoạt trong công tác ứng phó, phải bố trí cán bộ chuyên trách bám sát cơ sở, hiện trường để kịp thời hướng dẫn, giám sát chặt chẽ tình hình chung. Khi có sự cố phải khẩn trương lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm, đồng thời xử lý nhanh lợn bệnh để tránh nguy cơ lây lan.

Phòng chống dịch bệnh tốt mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi. Ảnh: Thắng Tình

“Từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn phát sinh một số ổ dịch tả lợn châu phi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo yêu cầu an toàn sinh học. Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các phương án, giải pháp chống dịch nên tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, dịch bệnh cơ bản đều được khống chế”, ông Nguyễn Viết Lương - Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết thêm.

Từ công tác tham mưu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện số 21/CĐ-UBND ngày 11/8/2023 về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn trái phép qua biên giới vào tỉnh Nghệ An; Công văn số 7296/UBND-NN ngày 30/8/2023 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh và sử dụng vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi; Sở NN-PTNT ban hành Kế hoạch số 3667/KH-SNN.CNTY ngày 22/9/2023 về việc triển khai khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn; Công điện số 33/CĐ-UBND ngày 23/10/2023 về việc tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm giai đoạn hiện nay.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác