Hội ND Nghệ An kêu gọi tiêu thụ gừng cho nông dân Kỳ Sơn
Theo thống kê của ngành chuyên môn, đến cuối tháng 2/2022 toàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) còn tồn đọng khoảng 5.400 tấn và rất cần được người dân cũng như các tổ chức trong và ngoài tỉnh cùng chung tay tiêu thụ giúp bà con.
Gừng Kỳ Sơn có đặc điểm không to, mẫu mã không bắt mắt như ở một số vùng khác nhưng vi lượng tinh dầu của gừng Kỳ Sơn đứng đầu cả nước. Người dân trên địa bàn chủ yếu trồng 2 loại gừng là gừng dé và gừng sừng trâu, được trồng chủ yếu ở vùng có khí hậu ôn đới mát lạnh như Na Ngoi, Nậm Càn, Tây Sơn, Mường Lống, Huồi Tụ, Đọoc Mạy,…
Năm 2021, toàn huyện sản lượng gừng chỉ dao động từ 3.500 đến 3.700 tấn nhưng năm nay được mùa nhờ thời tiết thuận lợi, kết hợp với việc tự phát trong quá trình sản xuất của người dân mặc dù đã được UBND huyện định hướng nhưng do người dân thấy có lời nên cứ ồ ạt trồng. Năm qua, giá gừng dao động từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/ kg nhưng năm nay thu hoạch bán tại rẫy 5.000 đồng/kg còn nếu vận chuyển ra trung tâm thị trấn bán được giá 7.000 đồng/kg. Gừng năm nay rớt giá khá sâu, lượng gừng vào vụ cứ thế ùn ứ do không có thị phần để tiêu thụ.
“Một nguyên nhân khác khiến gừng rớt giá là do lượng gừng của người dân Trung Quốc đầu tư trên đất Lào và các vùng khác, gừng Trung Quốc được đầu tư trồng với số lượng rất lớn nên có những khu chợ tràn ngập gừng Trung Quốc. Những doanh nghiệp thu mua lâu nay trên vùng Kỳ Sơn vắng bóng vì gừng Trung Quốc thương lái thu mua giá cả rẻ hơn nhiều so với gừng Kỳ Sơn. Tại của khẩu quốc tế Nậm Cắn, gừng Trung Quốc chỉ dao động từ 4.000 đến 4.300 đồng/kg. Lợi dụng vận chuyển cùng cung đường nên dễ dàng đánh tráo gừng Trung Quốc với gừng Kỳ Sơn để về nhập cho các đại lí.
Cùng với đó, gừng năm nay không tiêu thụ được cũng vì các đơn vị doanh nghiệp xuất khẩu không tiến hành thu mua vì giá dầu tăng cao mà cung đường từ trung tâm lên Kỳ Sơn khá xa xôi. Việc gừng tồn đọng số lượng lớn như năm nay đã có tác động không nhỏ đến tâm lý sản xuất cho mùa vụ năm sau của bà con”, ông Phan Văn Mạnh – Chủ tịch Hội ND huyện Kỳ Sơn cho biết.
Trước đây người dân chỉ bỏ công trồng, chăm sóc và đi đào gừng để thương lái đến thu mua nhưng nay do nhiều nguyên nhân khiến gừng không có đầu ra nên bị động và lo lắng cho công, vốn của mình đã bỏ ra. Trước tình hình đó, Hội Nông dân huyện đã kịp thời vào cuộc để cùng với các cấp, ngành có kế hoạch kết nối, tiêu thụ giúp bà con trồng gừng trên địa bàn huyện. Sau 3 ngày kêu gọi, hiện tại đã tiêu thụ được khoảng 200 tấn.
Gừng là cây trồng có giá trị kinh tế cao, cho chất lượng sản phẩm đặc trưng, hàm lượng tinh dầu cao và mùi thơm nồng, tính ấm, kháng khuẩn cao, có công dụng tốt để làm gia vị, làm thuốc chữa bệnh, có tác động tích cực cho sức khỏe và sắc đẹp. Người dân Kỳ Sơn cũng nhờ nó mà có nhiều nhà thoát nghèo kể từ khi được Bộ Khoa học Công nghệ công nhận chỉ dẫn địa lý về sản phẩm gừng Kỳ Sơn.
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi
- Nông dân Hiệp Hòa thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa “thân thiện với môi trường”
- Bà Rịa-Vũng Tàu: Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên vươn lên làm giàu
- Hội Nông dân Cà Mau hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển bền vững