Nghi lễ Then cầu an, cầu mùa của người Tày Quảng Ninh
Năm nay đã 80 tuổi, trải qua hơn 30 năm làm then, bà then Bế Thị Chau, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ đã đạt đến cấp bậc cao nhất trong 15 bậc của thầy Then. Theo nghệ nhân Then Bế Thị Chau, người làm then có uy tín phải là người có đủ 15 cầu then hay đã trải qua 15 bậc then. Các bậc then được chia theo số lẻ 5,7,9,13,15, mỗi lần làm lễ nâng bậc then được gọi là lễ lẩu then, hay còn gọi là “hắt lẩu then”. Mũ của thầy then có 15 dải lụa, tượng trưng cho 15 bậc mà thầy then đã đạt tới. Khi đi làm lễ thầy Then phải mang theo những vật rất quan trọng gồm cây đàn tính, chùm xóc nhạc, hòm then, khăn, bát nước cây thanh thảo...
Bà then Bế Thị Chau nói: "Nghi lễ then ở đây cũng giống như then của vùng Bình Liêu thôi. Người Tày chúng tôi ở đây thường làm lễ cầu an, cầu mùa vào dịp tháng Giêng, còn lễ giải hạn thì làm tháng nào cũng được. Lễ then cầu cho gia đình yên ấm, hạnh phúc, con cháu mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy bồ, trâu bò đầy chuồng, làm gì cũng thuận lợi, hanh thông".
Lễ vật để cũng không quá cầu kì, chủ yếu là sản vật địa phương gồm: thủ lợn, gà luộc, xôi, gạo, rượu, bánh giầy, hoa quả, vải và giấy màu để cắt quần áo... Trong dịp mừng lúa mới, mâm lễ còn có 3 bông lúa được hấp chín dâng lên tổ tiên và các vị thần để cảm tạ. Trước khi tiến hành làm lễ, thầy Then cầm bát nước, lá đào, cây thanh thảo vẩy vài giọt với mục đích giải hết uế tạp ở bàn thờ then, trong nhà...
Nghi lễ then bắt đầu, thầy then trong trang phục áo then tấu đọc lời cúng then cùng với các động tác như tay trái cầm quạt, tay phải cầm chùm xóc nhạc, vừa vung quạt, vừa xóc chùm nhạc, cúi người theo nhịp tiếng đàn tính.
Trong nghi lễ then còn kết hợp điệu múa chầu uyển chuyển theo tiếng đàn tính và tiếng xóc nhạc, các thầy then và những người múa chầu đi vòng quanh. Có dịp chứng kiến điệu múa chầu then được tái hiện trong nghi lễ then cầu an, cầu mùa tại Lễ hội Văn hóa dân tộc Tày lần thứ nhất vừa được tổ chức tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, chị Phương Nga, biên đạo múa Nhà hát tuồng Việt Nam chia sẻ: "Bản thân tôi cũng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, tôi cũng rất thích đến những lễ hội như thế này để tìm hiểu thêm những chất liệu của các dân tộc để có thể phát triển thành những tác phẩm múa phục vụ cho chuyên môn của mình. Tôi cũng đã có những lần xem múa chầu then nhưng thấy ở các vùng Tây Bắc khác với vùng Đông Bắc. Đây là lần đầu tiên tôi đến với vùng Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh và được xem tiết mục múa lẩu then của người Tày rất đặc sắc".
Thông qua lễ then, đồng bào Tày thể hiện ước muốn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tai qua nạn khỏi, mong cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng bội thu... Thầy Then như hòa vào linh hồn của trời đất, là cầu nối thể hiện mối quan hệ thiêng liêng giữa con người và trời đất, thần linh.
Nhằm góp phần bảo tồn văn hóa người Tày nói chung và nghi lễ then nói riêng, huyện Ba Chẽ tổ chức phục dựng lại nhiều lễ hội văn hóa dân tộc thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con nhân dân và du khách thập phương.
Ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Với việc đi sâu vào nét văn hóa riêng như không gian sinh hoạt truyền thống người Tày, nghi lễ hát then, nghi lễ cầu mùa, cầu an, văn hóa ẩm thực, các nghề truyền thống của người Tày để cộng đồng dân cư nhận thức được rằng mình có một truyền thống văn hóa đặc sắc cần phải lưu giữ lại, truyền dạy cho thế hệ sau, trở thành sản phẩm du lịch gắn với phát triển kinh tế của huyện".
Nghi lễ cúng then của đồng bào Tày tại Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh vùng Đông Bắc nói chung là sự hội tụ sinh động nhất các sắc màu văn hóa cổ truyền đặc trưng của người Tày như hát then, đàn tính, âm nhạc, trang phục, nghi lễ, tín ngưỡng. Và một yếu tố quan trọng không thể thiếu đó là giá trị nhân văn cao đẹp trong nghi lễ cúng then. Đó là khát vọng muôn đời của con người về cuộc sống an vui, no đủ, là sự biết ơn tới trời đất, thần linh, là sự tri ân công đức của tổ tiên được người Tày nơi đây gửi gắm trong nghi lễ.
Theo VOV