Lễ hội – Văn hoá truyền thống

Về Điện Biên, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của khăn Piêu và người phụ nữ Thái

Tào Hải Yến - 14:10 04/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Những ngày này, thành phố Điện Biên Phủ tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong ngập tràn sắc cờ hoa, du khách vô cùng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lộng lẫy của những phụ nữ Thái trong trang phục dân tộc truyền thống và nổi bật nhất là sắc màu của những chiếc khăn Piêu – biểu tượng của dân tộc Thái.

Khăn Piêu - "vật tín" cho tình yêu đôi lứa của người con gái Thái                

Một trong những điểm nhấn quan trọng của Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 chính là show diễn thực cảnh được tổ chức tại bản UVA, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, gồm 3 chương: “Huyền tích về người Thái và UVA” (sự tích quả bầu); “Truyền thuyết Khăn Piêu”; Nghi lễ và văn hóa - Nét đẹp nhân văn, lâu đời, niềm tự hào của người Thái và sự liên kết giữa hiện tại và quá khứ.

Chiếc khăn Piêu là một trong những loại thổ cẩm nổi tiếng của người Thái, một đặc trưng văn hóa biểu hiện những giá trị tinh thần, vật chất được đúc kết, trao truyền qua nhiều thế hệ người Thái. Cùng với váy, áo, nón đội, thắt lưng, khăn piêu góp phần tạo nên một nét đẹp, một sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục truyền thống của dân tộc Thái.

 “Piêu” trong tiếng Thái có nghĩa là “khăn”. Chiếc khăn piêu mang biểu tượng tinh thần, đồng thời là vật dụng được sử dụng hàng ngày của phụ nữ Thái như che đầu khi mưa, khi nắng, làm ấm đầu khi mùa đông giá lạnh; là phụ kiện không thể thiếu của các cô gái Thái, nhất là khi đi chơi, dự lễ hội, tham gia múa xoè, nhảy sạp…

Truyền thuyết  của người Thái kể rằng, ngày xưa, có một mường toàn con gái được gọi là Mường Mẹ, đàn ông ở bất kỳ nơi nào dù vô tình hay cố ý lạc vào đều bị xua đuổi, thậm chí bị sát hại. Một hôm, có một chàng trai lạc vào Mường Mẹ và được một cô gái xinh đẹp yêu thương, che chở. Hai người quyết tâm vượt qua những quy định ngặt nghèo từ bao đời để cùng chung bếp lửa. Họ bàn bạc với nhau, rồi chàng trai về thưa với Mường Cha.

Mường Cha cho đây là duyên trời bèn cùng nhau sang thưa chuyện cùng Mường Mẹ. Mường Mẹ quyết tâm giữ luật tục từ ngàn đời. Mường Cha đành dùng sức mạnh. Mường Mẹ đuối thế phải chấp nhận bỏ lệ cấm đàn ông và cho phép đôi trẻ xây dựng gia đình. Mường Mẹ cho các thiếu nữ xinh đẹp thêu khăn Piêu rồi in dấu vân tay làm chứng.

Từ đó, khăn Piêu trở thành "vật tín" cho tình yêu đôi lứa, là vật trang sức, sứ giả của tình yêu. Trong đời sống tình cảm của người Thái, trai gái yêu nhau thường nhờ chiếc khăn Piêu để nói hộ lòng mình. Lúc xa nhau, các cô gái thường tặng chàng trai mình yêu mến chiếc khăn Piêu đẹp nhất. Đối với chàng trai, khăn Piêu ghi dấu tài hoa, hơi ấm bàn tay cô gái mình yêu.

Giống như cách làm thổ cẩm truyền thống, khăn Piêu được dệt từ sợi bông, sau đó nhuộm chàm. Tới khi vải khô, phụ nữ Thái mới bắt đầu thêu lên những hoa văn sặc sỡ. Để hoàn thành một chiếc khăn Piêu, người phụ nữ Thái phải mất ba tháng dệt vải, thêu thùa, tự tìm kiếm cho riêng mình những màu sắc, đường nét thích hợp nhất, hầu hết phụ nữ Thái chỉ thêu trong lúc nông nhàn, rảnh rỗi nên một chiếc khăn Piêu thêu xong thường phải mất vài tháng.

Nguyên tắc chủ đạo của phong cách trang trí hoa văn khăn Piêu là nguyên tắc đối xứng. Hoa văn trang trí trên khăn Piêu thông dụng và phổ biến nhất là hoa văn móc câu, dùng để trang trí trong các khoang ô vuông đồng tâm; hoa văn hình răng cưa, được ghép bằng cách nối hai góc của nhiều tam giác nối tiếp nhau, dùng để trang trí đường diềm vành ô vuông ngoài cùng. Ngoài các hoa văn trên, còn có hoa văn đồng tiền vuông; hoa văn hình sao 6 cánh hoặc 8 cánh với nhiều biến dạng khác nhau; hoa văn hình sao thường được trang trí ở trung tâm, hoặc trang trí điểm xuyết vào khoảng giữa... Nhìn bố cục hoa văn, màu sắc trên chiếc khăn Piêu, ta như thấy sự kết hợp độc đáo, khéo léo giữa màu sắc và hoa văn. Đó là màu xanh của núi rừng, màu vàng của ánh nắng, nương lúa và màu trắng hồng của hoa thơm, bướm lượn… Mỗi họa tiết là sự thể hiện tình yêu của người Thái với thiên nhiên và bản làng.

Một tiêu chí để đánh giá tài năng, phẩm hạnh của người con gái dân tộc Thái

Ngay từ khi con gái còn bé, người mẹ đã truyền dạy cách thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn. Việc học thêu khăn Piêu là một quá trình nhận thức và rèn luyện sự khéo léo của đôi bàn tay, tính kiên nhẫn, chăm chỉ của cô gái Thái. Đến năm 15, 16 tuổi các cô gái Thái đã thành thạo việc dệt vải, thêu thùa, may vá, tự tay làm khăn Piêu để chuẩn bị lấy chồng.

Khăn Piêu của người Thái độc đáo và đặc sắc ở chỗ phần trang trí không trải dài trên toàn bộ khăn mà chỉ tập trung tạo điểm nhấn ở hai đầu khăn. Khi thêu những hoa văn lên hai đầu khăn, người thêu nhìn theo mẫu song không rập khuân một cách máy móc mà họ có thể tự sáng tạo theo ý muốn chủ quan.

Phụ nữ Thái không thêu khăn Piêu ở mặt phải như lối thêu thông thường mà thêu từ mặt trái, các hoa văn và màu sắc phức tạp sẽ hiện lên ở phía mặt phải, đó là lối thêu truyền thống với trí tưởng tượng của kỹ thuật và mỹ thuật dân gian. Khăn Piêu được thêu theo lối luồn chỉ hay đan chỉ màu vào vải, song cái khó là phải tính toán theo một nguyên tắc nhất định để luồn chỉ vào mặt trái và hoa văn lại hiện lên chính xác ở mặt phải. Hoa văn khăn Piêu không đơn giản, điểm xuyết mà là một hệ thống bố cục nội dung phức tạp, đòi hỏi người thêu phải nắm chắc nguyên tắc kỹ thuật, phải có tư duy sáng tạo.

Có 3 loại hoa văn được thêu trên mỗi chiếc khăn Piêu là tà leo (vật trừ đuổi tà ma, bảo vệ thần hồn cho người đội khăn), cút piêu (những nút bằng vải mầu to bằng khuy áo, hình thù giống ngọn rau rớn cuộn tròn) và sai peng (những tua vải màu). Cút piêu là phẩm vật cao quý của người bề trên và sai peng là dây tình của đôi lứa. "Cút piêu" đòi hỏi phải tỉ mỷ, cầu kỳ nên thường chỉ những người thành thạo mới biết làm. Có nhiều loại "cút piêu" như "cút piêu " đôi, "cút piêu" ba, "cút piêu" năm và "cút piêu" bện thành chùm. "Piêu ba cút dành để tặng bà/Piêu năm cút dành để tặng thím" (tình ca dân tộc Thái).

Khăn Piêu không chỉ có ấn tượng về màu sắc sặc sỡ với những đường nét tinh xảo, tôn vinh vẻ đẹp trên khuôn mặt của người phụ nữ mà còn là một tiêu chí để đánh giá tài năng, phẩm hạnh của người con gái đó. Trong đời sống tình cảm, các cô gái Thái thường tặng chàng trai mình yêu mến chiếc khăn Piêu đẹp nhất.

Không chỉ là vật dụng, khăn Piêu còn gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh của người Thái. Khi chuẩn bị lấy chồng, bên cạnh các món đồ dùng như: Đệm, chăn, gối... c ác cô gái Thái phải tự tay làm những chiếc khăn piêu làm quà tặng nhà chồng. Khi trong nhà có tang, khăn Piêu làm lễ vật mang theo người mất và con cháu cũng phải đội khăn piêu trong đám tang.

Khăn Piêu của phụ nữ Thái bởi vậy là một nét văn hoá không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái. Hiện nay, đồng bào Thái có nhiều mối giao thoa văn hóa với các dân tộc anh em khác, nhưng chiếc khăn Piêu luôn được trân trọng và gìn giữ như một nét văn hóa đặc trưng in đậm bản sắc của dân tộc Thái.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác