Nghi Lộc nhiều cách làm hay, hiệu quả trong xây dựng Nông thôn mới
Lấy kinh tế nông nghiệp làm gốc tạo đà
Từ năm 2011, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước như đã thổi một luồng gió mới, tiếp sức cho phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện Nghi Lộc. Từ đó, Đảng bộ, chính quyền đã kịp thời có những chủ trương, chính sách thực sự đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Việc xem phát triển nông nghiệp không chỉ hướng đến thay đổi bộ mặt đời sống nông thôn, giải quyết vấn đề hoang hóa đất đai mà đó còn là mục tiêu chính trị về đảm bảo an ninh lương thực theo kế hoạch đề ra.
Mặc dù nông nghiệp thời gian qua còn gặp khó khăn bởi nhiều yếu tố nhưng nhìn chung, nông nghiệp trên địa bàn huyện Nghi Lộc đang dần thích ứng với những đổi mới theo xu hướng đa dạng thị trường nông sản, sản xuất, ứng dụng công nghệ cao đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh nông sản, an toàn môi trường,…
Hiện nay, Nghi Lộc đang là huyện được đánh giá cao về việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất những loại cây con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, mùa vụ từng vùng nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản… Nhờ đó mà nay xuất hiện nhiều vùng sản xuất tập trung, điển hình như: Trồng các loại hoa, rau củ quả tại xã Nghi Long với gần 80 ha và đang được mở rộng sang các xã Nghi Trung, Nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Xá, Khánh Hợp... Thu nhập mang lại từ sản xuất hoa, rau củ quả ở mô hình sản xuất công nghệ cao đạt trên 350 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, những vùng có diện tích đất đồi, đất cao trồng lúa không hiệu quả, người dân đã chuyển đổi sang trồng một số loại cây trồng có hiệu quả kinh tế khá cao như: Trồng hành tăm ở các xã Nghi Lâm, Nghi Thuận, Nghi Văn với diện tích gần 150 ha; trồng nghệ ở Nghi Kiều gần 20 ha; trồng măng tây ở Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Công Nam... với diện tích hơn 10 ha đưa giá trị sản xuất bình quân của ngành Nông nghiệp lên trên xấp xỉ 100 triệu đồng/ha/năm.
Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành Nông nghiệp giai đoạn 2010-2015 đạt 2,18%, giai đoạn 2016-2010 đạt 3,29%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 47 triệu đồng/người/năm, tăng 33,8 triệu đồng/người/năm so với năm 2010; trong đó thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 46,545 triệu đồng/người/năm.
Để nông nghiệp ngày càng đáp ứng những biến động cũng như đòi hỏi nhu cầu từ thị trường tiêu thụ, Nghi Lộc đang từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, trọng tâm xây dựng mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực. Tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường…
Nâng cao năng lực và chất lượng sống cư dân nông thôn
Xây dựng NTM là một trong 3 chương trình MTQG kỳ vọng sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng sống cho người dân và mang lại những giá trị bền vững trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sống trong lành… Với mục tiêu tổng quan đó, lộ trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã có những chuyển mình đáng kể trong đó phải kể đến đời sống dân trí ngày một tăng, chất lượng cuộc sống thay đổi rõ rệt.
Cũng qua thời gian thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hiệu quả. Huyện, xã đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới để phát huy được những cách làm hay, khắc phục được những tồn tại, hạn chế.
Đặc biệt các địa phương đã có được những kinh nghiệm trong việc phát huy dân chủ, huy động nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,8%, giảm 12,21%. Diện mạo nông thôn đổi mới với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, môi trường sinh thái, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh ổn định, bền vững và phát triển.
Một trong những tiêu chí được quan tâm hàng đầu trên lộ trình xây dựng NTM là giao thông. Bởi đây được xem là bộ mặt nổi và góp phần rất lớn đến vấn đề giao thương trong quá trình sản xuất. Nhìn nhận rõ điều đó, năm 2021, huyện Nghi Lộc đã huy động tốt các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thông đường giao thông huyện, xã, thôn xóm. Trong năm đã nâng cấp một số tuyến đường huyện và hỗ trợ 11.536,1 tấn xi măng (trong đó tỉnh 1.000 tấn, huyện 10.536,1 tấn) phục vụ xây dựng NTM nâng cao và chống mất chuẩn NTM cho các xã. Đến nay, đã triển khai cung ứng xi măng làm đường GTNT tập trung tại các xã Nghi Lâm, Nghi Long, Nghi Xuân, Nghi Hoa, Nghi Đồng,...
Song song với đó, đời sống văn hóa của người dân cũng luôn được quan tâm mà trước hết là chủ trương bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa trên địa bàn huyện nhằm hướng đến đời sống tinh thần phong phú cho cư dân tại từng địa phương; Tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa thể dục thể thao đạt chuẩn. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi, các khu tập luyện thể dục thể thao ngoài trời. Còn đối với những xã cơ sở vật chất còn chưa hoàn thiện, huyện tiếp tục có các cơ chế hỗ trợ, cụ thể như: Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa các xã Nghi Phương, Nghi Tiến, duy tu sửa chữa nhà văn hóa xã Nghi Yên; Xây mới và đưa vào sử dụng 186 phòng học và phòng hành chính, chức năng phục vụ học tập;…
Nhờ đó, đến hết năm 2021, toàn huyện có 210 xóm/250 xóm đạt danh hiệu Làng Văn hóa (đạt tỷ lệ 83,9%); tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 88%; công nhận thêm 7 dòng họ văn hóa, 10 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa và 100% các xã, thị trấn có thiết chế thể thao đạt chuẩn.
- Xã nghèo Bình Tân nỗ lực vượt khó về đích Nông thôn mới nâng cao
- Bắc Ninh: Cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu
- Kim Sơn xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu từ hạt nhân xóm, làng
- Chú trọng phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Trung bộ