Người dân vùng nông thôn còn chủ quan, chưa quan tâm phòng dại cho chó, mèo
Nguyên nhân chủ yếu là do một phần người dân, nhất là người dân vùng nông thôn còn chủ quan, chưa quan tâm nhiều đến tiêm vaccine phòng dại cho vật nuôi, nhất là chó, mèo.
Trước tình trạng số ca phải điều trị dự phòng bệnh dại tăng, tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể để phòng, chống dại.
Đó là hoạt động tuyên truyến nhóm về phòng chống bệnh dại cho người dân của Trạm Y tế xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Theo báo cáo của Trạm Y tế xã, tính từ đầu năm đến nay, toàn xã có 14 trường hợp phải điều trị dự phòng bệnh dại do bị chó cắn. Số người bị chó cắn đều đến Trạm y tế xã để xử lý vết thương, tư vấn các biện pháp điều trị dự phòng bệnh dại.
Bà Dương Thị Dung, Trưởng Trạm y tế xã Mậu Đông, huyện Văn Yên cho biết, để những người bị chó cắn đều đến Trạm tư vấn và tiêm phòng chống bệnh dại, thời gian qua biện pháp tuyên truyền được đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện với nhiều hình thức: "Khi bệnh nhân đến khám, tiêm… trạm y tế chúng tôi tiến hành tuyên truyền, thảo luận nhóm về công tác phòng chống bệnh dại; khi có các cuộc họp tại thôn bản chúng tôi đến tận nơi để tuyên truyền, cũng như các cuộc làm việc của ban, ngành, cán bộ trạm với người dân chúng tôi đều kết hợp tuyên tuyền về phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh dại nên ý thức phòng bệnh của người dân đã nâng lên, 100% số người bị chó, mèo cắn đều đến tư vấn và đi tiêm phòng dại"
Tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã ghi nhận hơn 230 trường hợp bị động vật cắn. Để hạn chế tới mức thấp nhất người dân bị tử vong do bệnh dại, công tác phòng chống bệnh dại được lực lượng chức năng với nòng cốt là lực lượng Y tế đặc biệt chú trọng bằng cách tăng cường tuyên truyền qua truyền thanh xã, phát tờ rơi, qua các hội nhóm zalo, facebook, trang web của Trung tâm Y tế…Do vậy, hầu hết số người bị chó, mèo cắn đều đến các Trạm y tế để được tư vấn, tiêm phòng, điều trị.
Anh Nguyễn Văn Thìn ở thôn Cầu Vải, xã Mậu Đông là một ví dụ: ngay sau khi bị chó nhà cắn, anh đã đến ngay Trạm Y tế xã để xử lý vết thương: "Chẳng bao giờ nghĩ chó nhà mình nuôi lại cắn mình cả, hôm đấy không hiểu sao ra là bị nó cắn, và ngay sau khi bị cắn tôi đến ngay Trạm y tế để y, bác sĩ rửa vết thương cho, sau đó được tư vấn phải đi tiêm phòng dại, tôi cũng đi Trung tâm Y tế huyện tiêm phòng dại luôn".
Các địa phương ở Yên Bái hiện đang tăng cường vận động, khuyến cáo người dân phải tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi, không thả rông. Đồng thời cảnh báo, phân tích cho người dân hiểu nếu không làm tốt công tác phòng bệnh dại cho chó, mèo, khi cắn người thì mọi chi phí điều trị, chăm sóc cho người bị chó, mèo cắn, chủ nuôi phải chịu trách nhiệm... Ông Nguyễn Kiều Hưng, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết: "Chúng tôi phân công cụ thể cho từng đoàn thể, từng cán bộ xã phụ trách thôn phối hợp với cán bộ Trạm y tế xã, y tế thôn bản tuyên truyền, vận động người dân làm tốt công tác phòng chống dại cho đàn vật nuôi vì chúng có thể lây sang người, nuôi chó phải đảm bảo nuôi nhốt và tiêm vắc xin phòng dại. Đặc biệt tuyên truyền cho bà con biết mối nguy hiểm nếu để dịch bệnh phát sinh tại địa phương".
Chưa hết quý 1 năm 2024, Yên Bái đã ghi nhận gần 900 trường hợp phải điều trị dự phòng bệnh dại, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2023. Số ca tập trung chủ yếu ở huyện Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn và đa số là bị chó cắn.
Nguyên nhân số ca tăng so với cùng kỳ 2023 một phần do việc chăn nuôi chó, mèo của bà con chưa thực hiện tốt theo quy định, chưa tiêm vắc xin phòng bệnh dại đầy đủ...
Tuy đến nay chưa có trường hợp nào phát bệnh, nhưng trước sự nguy hiểm của bệnh dại và số người phải điều trị dự phòng tăng, ngành Y tế Yên Bái đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn, cào; phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại đồng bộ, thường xuyên, đảm bảo cho nhân dân được tiếp cận vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại kịp thời; chia sẻ, đảm bảo thông tin cho người dân để chủ động các biện pháp phòng, chống…
Ông Lại Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái cho biết: bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó bà con nhân dân phải luôn thực hiện theo khuyến cáo của ngành Y tế: "Bà con nhân dân phải chủ động tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi trong nhà và định kỳ nhắc lại hàng năm, không đùa nghịch các con vật nuôi. Khi bị chó, mèo cắn cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng trong vòng 15 phút, nếu không có xà phòng có thể rửa bằng nước thông thường, rửa bằng cồn 70 độ (nếu có), đây là cách sơ cứu hiệu quả nhất chống lại bệnh dại. Hạn chế làm dập vết thương, không băng kín vết thương. Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lăng khám chữa, mà phải đến ngay cơ sở ý tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa được bệnh dại".
Cũng theo ông Hùng, hiện Yên Bái đang duy trì 13 điểm tiêm phòng bệnh dại tại các huyện, thị, thành phố với đầy đủ các loại vaccine và huyết thanh phòng bệnh dại và địa phương có chính sách tiêm phòng dại miễn phí cho người nghèo. Do vậy mọi người dân khi bị động vật cắn dù mức độ nhẹ hay nặng cũng cần phải được tư vấn để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo VOV