Người nông dân trong thời đại mới: không chỉ mạnh về kinh tế mà còn mạnh về chính trị, văn hóa, xã h
Tạo liên kết chuỗi sản xuất
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Trong bối cảnh mới, Đề án 61 cần phải được nghiên cứu bổ sung một số nội dung mới như khâu tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thì vai trò của người nông dân cần được nâng cao hơn nữa nhận thức thị trường, về những yêu cầu trong công tác thị trường. Để đạt điều này, ngoài vai trò của chính quyền địa phương, của hợp tác xã tại địa phương thì Hội Nông dân có vai trò rất quan trọng trong tổ chức đào tạo cho người nông dân trong bối cảnh hội nhập. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp cùng Hội Nông dân, chính quyền địa phương xây dựng các hàng rào kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực về nông sản, thực phẩm để bảo vệ thị trường trong nước, cũng như nâng cao chất lượng hàng hóa.
Mặt khác, tiếp tục đào tạo và phổ biến cho người nông dân về pháp luật; đặc biệt trong các vấn đề về phòng chống hàng giả và sở hữu trí tuệ để thực thi cam kết hội nhập có hiệu quả, đảm bảo gắn mục tiêu xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo các sản phẩm đủ năng lực cạnh tranh thị trường nước ngoài và trong nước. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của Hội Nông dân trong gắn kết các chương trình của các bộ, ngành thực hiện các chính sách phát triển của Chính phủ. Ngoài ra, cần đẩy nhanh hơn nữa thu hút các nguồn lực đầu tư của cộng đồng, đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và khu vực nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp.
Còn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay: Thời gian tới, tiếp tục quán triệt tuyên truyền nâng cao phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, cũng như công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế đến các cấp, các ngành, người dân; thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và chống biến đổi khí hậu.
Đồng thời, ứng dụng các hình thức sản xuất hiện đại nhằm tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm, hạn chế tính tự phát của người nông dân trong sản xuất để hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả cao hơn. Tăng cường liên kết giữa các hội viên nông dân và giữa hội viên nông dân với DN để tạo liên kết chuỗi sản xuất. Đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật giống mới cho các hội viên nông dân áp dụng trong sản xuất nông, lâm, thủy sản.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho các hội viên nông dân nhằm nâng cao trình độ sản xuất, tăng năng suất lao động và tăng thu nhập người nông dân. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dịch vụ, chế biến, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, xây dựng nông thôn mới, phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn theo hướng “Nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có và nông thôn văn minh”.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là bệ đỡ quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa có nhiều biến động như ở nước ta. Cho nên, xây dựng nông thôn mới không chỉ là hạ tầng mà chính là đời sống của người dân.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững, tạo điều kiện cho người nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời, các bộ, ban, ngành, cấp ủy chính quyền các địa phương tiếp tục lãnh đạo thực hiện hiệu quả, sát hơn nữa Kết luận 61; trong đó có Đề án về nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam; cũng như kiểm tra lại các nội dung chương trình, những đề án kể cả kinh tế và văn hóa ở nông thôn để gắn với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Mặt khác, các cấp Hội Nông dân tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác của Hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nông dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cùng với đó, tiếp tục sử dụng hiệu quả các nguồn lực mà Đảng và Nhà nước đã giao cho Hội, nhất là trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân ở các địa phương. Song song đó, có trách nhiệm vận động các thành phần kinh tế đóng góp xây dựng nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, bền vững. “Muốn thành công trong nông nghiệp có hai việc là kinh tế hội, kinh tế trang trại, chủ thể của nền kinh tế nông nghiệp thì vấn đề đưa DN về nông thôn, phát triển mạnh mẽ các dịch vụ trong nông nghiệp, đầu vào, đầu ra để tạo chuỗi giá trị rất quan trọng. Đặc biệt, đoàn kết trong nông thôn. Người nông dân Việt Nam trong thời đại mới không chỉ là lực lượng mạnh về kinh tế mà còn là lực lượng mạnh về chính trị, văn hóa, xã hội, thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị cùng với ngân sách Trung ương, các địa phương xem xét cấp vốn cho Quỹ hỗ trợ nông dân.
Đình Lý