Nguồn vốn Quỹ đồng hành giúp nông dân phát triển kinh tế
Những mô hình nông nghiệp hiệu quả
Thời gian qua, Hội Nông dân (ND) các cấp tại thành phố Hải Phòng đã chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ vốn, cung ứng vật tư, đào tạo nghề... giúp ND mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng.
Hiện tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) của thành phố đạt trên 73 tỉ đồng quay vòng cho vay gần 700 dự án với hơn 2.200 hộ được vay vốn. Thông qua hoạt động vay vốn, người vay được hướng dẫn cách thức làm ăn, áp dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, cách sử dụng vốn có hiệu quả, đã tạo thêm việc làm, có điều kiện thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi... góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả.
Hơn 30 năm trước, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa của địa phương, gia đình ông Hà Văn Chóng (xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng) đã đấu thầu được gần 2 mẫu đất ở khu vực nuôi trồng thủy sản của xã để phát triển kinh tế gia đình. Thời gian đầu, gia đình ông chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập không cao. Nhưng sau đó nhờ sự tư vấn của Hội ND xã và từ nguồn vốn vay của Quỹ HTND là 50 triệu đồng, cuối năm 2021, ông Chóng đã mạnh dạn thuê lại những diện tích đất kém hiệu quả của người dân xung quanh để nuôi tôm thẻ chân trắng và chăn nuôi gà với tổng diện tích hơn 2ha.
Nhận thấy tiềm năng của tôm thẻ chân trắng, ông Chóng vay vốn đầu tư đào ao, đắp bờ, mua trang thiết bị để nuôi loại tôm này. Đến nay, gia đình ông đã có thu nhập từ 400 đến 600 triệu đồng/năm từ nuôi tôm thẻ chân trắng.
Không chỉ có hộ ông Chóng mà nhiều hộ khác trên địa bàn huyện Tiên Lãng cũng được vay vốn từ Quỹ HTND, do đó các hộ có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, Hội ND các cấp đã chủ động hướng dẫn hộ ND thực hiện hồ sơ vay vốn, đồng hành cùng người dân trong quá trình triển khai để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng của các dự án, mô hình.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Hội ND xã Hùng Thắng cho biết, được sự quan tâm của Hội ND cấp trên đã tạo điều kiện cho hội viên ND trong xã tiếp cận được các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn của Trung ương Hội. Hiện nay Hội đang quản lý số vốn là 800 triệu đồng, triển khai cho 16 hội viên vay. Đến nay, một số hội viên đã đầu tư trang thiết bị, giống để chăn nuôi, trồng trọt giúp cho kinh tế các hộ từng bước được cải thiện. Một số hộ có thu nhập rất cao.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn Quỹ
Thực tế cho thấy nguồn Quỹ HTND đã giúp nhiều hộ hội viên khó khăn có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất. Đặc biệt, với phương thức cho vay theo các dự án, nhóm hộ, Quỹ HTND đã kết nối từng hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, xóa bỏ dần tập quán làm ăn manh mún, từng bước hình thành mô hình sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm. Qua hoạt động của Quỹ HTND, Hội ND các xã, thị trấn đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, tạo niềm tin và thu hút đông đảo ND tham gia vào tổ chức Hội.
Chủ tịch Hội ND huyện Tiên Lãng, ông Nguyễn Văn Miện chia sẻ: “Quỹ HTND chủ yếu phục vụ các mô hình mới, mô hình có tính lan tỏa rộng, chúng tôi tập trung phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả để các hội viên vừa tham quan, vừa học tập và nhân rộng. Trong tương lai, chúng tôi cố gắng ưu tiên cho những đơn vị thành lập chi hội nghề nghiệp, HTX vay để lan tỏa mô hình. Nhu cầu hiện nay của hội viên còn rất lớn để phát triển các mô hình sản xuất mới, chúng tôi rất mong các cấp tạo điều kiện để nguồn vốn Quỹ HTND được tăng lên hơn nữa để người dân có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh”.
Hội ND huyện Thuỷ Nguyên thực hiện hiệu quả các dự án từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương Hội và Hội ND thành phố, vay vốn từ Ngân hàng CSXH, vốn vay quốc gia giải quyết việc làm và hiện nay Hội đang quản lý số vốn là 10,3 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hơn 6.500 hội viên ND đầu tư sản xuất, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Nhờ được vay vốn, nhiều ND đã mạnh dạn tham gia phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Qua đó góp phần hình thành các vùng chuyên canh như: Chuối, na Liên Khê, An Sơn, Kỳ Sơn, cây cảnh Chính Mỹ, thủy sản xã Lập Lễ. Toàn huyện có 6 chủ thể và 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã tích cực hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều hộ là hạt nhân trong tuyên truyền vận động hội viên ND và nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước ở nông thôn. Hội ND huyện còn hỗ trợ hội viên ND thành lập các HTX, giúp ND liên kết và tiêu thụ sản phẩm
Bà Nguyễn Thị Nhung - Chủ tịch Hội ND huyện Thủy Nguyên cho biết, các nguồn vốn qua kênh Hội đã hỗ trợ giúp cho hội viên phát triển sản xuất đầu tư vào mô hình sản xuất kinh doanh gắn với quy hoạch góp phần xây dựng nông thôn mới - chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hình thành tổ, nhóm sản xuất trong nông thôn. Thời gian tới, Ban Thường vụ Hội ND huyện sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu chỉ đạo, vận động tuyên truyền để cán bộ, hội viên ND toàn huyện nhận thức đầy đủ ý nghĩa của phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, hỗ trợ và cung ứng vốn, dịch vụ cho bà con ND xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, mô hình nông nghiệp an toàn...
“Do là huyện rộng với 37 cơ sở hoạt động, nhu cầu vay vốn Quỹ HTND của hội viên nông dân huyện Thủy Nguyên khá lớn, chúng tôi kính đề nghị Trung ương Hội NDVN, Hội ND Thành phố, UBND huyện Thủy Nguyên hàng năm bổ sung nguồn ủy thác từ các cấp để góp phần giúp hội viên ND phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao hiệu quả các mô hình kinh tế nông nghiệp tập thể trên địa bàn huyện; Mong muốn được thành lập Quỹ HTND cấp xã để quản lý nguồn vốn do Hội ND xã vận động để tăng hiệu quả công tác vận động nguồn vốn tại các xã, thị trấn”, bà Nhung nói.
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi
- Nông dân Hiệp Hòa thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa “thân thiện với môi trường”