Nguyên nhân nào gây ra các triệu chứng hậu COVID-19?
Tại sao một số người dễ nhiễm bệnh nghiêm trọng, kể cả COVID-19?
Đó là câu hỏi làm đau đầu các nhà khoa học nhưng giờ đây ít nhất họ đã biết một phần câu trả lời: Đó là do các tự kháng thể.
Tự kháng thể là gì?
Tự kháng thể không chỉ giúp giải thích khả năng dễ nhiễm bệnh của mỗi người mà còn là thủ phạm gây ra các bệnh như thấp khớp, tiểu đường, lão hóa và chứng COVID-19 kéo dài.
Tự kháng thể tấn công cơ thể từ bên trong. Đó là những tế bào miễn dịch chống lại cơ thể, thay vì bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm bệnh. Chúng lại tấn công các mô khỏe mạnh và các cơ quan quan trọng và quá trình này là nguyên nhân của rất nhiều bệnh tự miễn dịch.
Trong trường hợp này, hệ miễn dịch hoạt động sai, nhầm bộ phận của cơ thể là vật lạ và giải phóng các tự kháng thể để "tấn công". Những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh cũng sản xuất tự kháng thể.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, các tự kháng thể luôn tồn tại với số lượng ít ở một số người. Và khi già đi, số lượng tự kháng thể này tăng lên. Ngày nay, các nhà miễn dịch học đặc biệt quan tâm đến vai trò của các tự kháng thể đối với COVID-19 và COVID-19 kéo dài.
Tiến sĩ Jean-Laurent Casanova, chuyên gia về di truyền học - bệnh truyền nhiễm và nhóm nghiên cứu tại Đại học Rockefeller (Mỹ), đã thực hiện một phần dự án quốc tế - nhằm nghiên cứu các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện những bệnh nhân nhập viện - có mức độ tự kháng thể cao hơn nhiều, so với những bệnh nhân nhiễm bệnh nhẹ. Và ước tính rằng tự kháng thể có thể chính là thủ phạm gây ra khoảng 1/5 tổng số ca tử vong do COVID-19.
Họ cũng phát hiện ra rằng, các tự kháng thể gây bệnh nặng thêm bằng cách ngăn chặn hoạt động của các phân tử giúp cơ thể chống lại nhiễm virus.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, mức tự kháng thể thấp chính là lý do một số người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ./.
Theo VOV