Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

“Nhà khoa học của nhà nông”:

Đam mê sáng chế máy móc phục vụ nông nghiệp

Bùi Ánh - 07:46 03/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Năm 2020, anh Nguyễn Hữu Vinh (sinh năm 1987) ở Bình Định được đánh giá là nhà khoa học đầy sức trẻ khi nhận danh hiệu “Nhà khoa học của Nhà nông”. Chỉ sau 4 năm anh đã có thêm sáng kiến với 3 sản phẩm: Nâng cấp hệ thống sấy, máy gọt dừa xiêm, máy nướng bánh tráng.
TIN LIÊN QUAN
Anh Nguyễn Hữu Vinh - người đã nhận danh hiệu danh giá từ Chương trình “Nhà khoa học của nhà nông” năm 2020.

Từ sáng kiến tạo ra các sản phẩm khoa học

Vốn theo học ngành Kinh tế nhưng đam mê nghiên cứu máy móc, trong một lần về quê nhìn thấy người dân làm bánh thủ công, anh Nguyễn Hữu Vinh đã nảy sinh ý tưởng nghiên cứu loại máy phù hợp với nghề làm bánh tráng nước dừa truyền thống của làng. Từ đó, anh bắt tay vào sáng chế loại máy đầu tiên vào năm 2016 “Hệ thống sấy nông sản và bánh đặc sản tiết kiệm”. Hệ thống này bao gồm các công đoạn: Điểm trở tạo ra nhiệt, buồng đốt tạo ra nhiệt, hệ thống cảm biến nhiệt điều khiển nhiệt độ khi sấy, hệ thống cảm biến độ ẩm điều khiển lưu lượng gió tuần hoàn của hệ thống sấy, hệ thống quản lý thời gian sấy và báo khi hoàn thành. 

Để sáng kiến của mình hoàn thiện hơn ở các công đoạn sản xuất, năm 2019 anh đã cho ra đời “Máy rang hạt nông sản bằng điện”. Loại máy này có hệ thống đèn hồng ngoại cấp nhiệt cho buồng rang, có hệ thống kiểm soát nhiệt tự động giúp các hạt rang chín đều, giảm tải sức lao động và tránh ô nhiễm môi trường.

Đến năm 2020, anh Vinh tiếp tục có thiết kế và chế tạo ứng dụng nhiệt hơi nước, hệ thống máy tráng bánh nước dừa tự động vào sản xuất loại bánh đặc sản mang tên bánh tráng nước cốt dừa. Ở dạng này, máy móc sẽ thay thế công đoạn thủ công, giúp việc trải bột trên bề mặt đồng đều và chính xác. Máy có thể lập trình để tạo ra các loại bánh tráng với nhiều hình dạng khác nhau như hình tròn, hình vuông, hình tam giác tùy theo yêu cầu.

Với sức trẻ và nhiệt huyết say mê nghiên cứu khoa học, anh Nguyễn Hữu Vinh không dừng lại ở các sản phẩm đã có trước đó, chỉ sau 4 năm khi nhận danh hiệu “Nhà khoa học của Nhà nông”, anh Vinh tiếp tục cho ra đời các sản phẩm mới nhằm hoàn tất các khâu trong sản xuất loại bánh đặc sản trứ danh Bình Định. Trong số đó phải kể đến hệ thống máy sấy và hấp được nâng công suất lên 5 tấn/ngày ổn định ở các thời tiết khác nhau, đáp ứng cho các xưởng sản xuất với số lượng lớn. Hệ thống được tự động hóa với thời gian, nhiệt độ được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng. Quá trình sấy cũng được tối ưu hóa để bánh tráng giữ được độ giòn và vị thơm ngon đặc trưng.

Song hành với hệ thống sấy, máy nướng bánh và máy gọt dừa xiêm cũng ra đời đáp ứng nhu cầu sản xuất của xưởng sản xuất bánh. Ở giai đoạn sau này, các công trình này đều được tích hợp IoT giúp theo dõi, quản lý quy trình sản xuất từ xa, từ điều chỉnh nhiệt độ, thời gian hấp, cho đến kiểm soát các thông số khác trong quá trình sản xuất.

Các sáng kiến này đã tạo nên chuỗi công trình nghiên cứu có ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tăng năng suất, giảm chi phí lao động và đảm bảo chất lượng đồng đều cho sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài nước.

“Nhờ có Chương trình “Nhà khoa học của Nhà nông” mà các công trình nghiên cứu của tôi được ghi nhận, ứng dụng rộng rãi. Đây chính là sáng kiến quan trọng, giúp kết nối khoa học và thực tiễn nông nghiệp. Chương trình có ý nghĩa là đã ghi nhận và tôn vinh sự cống hiến những người nông dân trong việc mang lại những giải pháp thiết thực, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững. Chương trình cũng truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, khuyến khích họ nghiên cứu các giải pháp có ích cho đời sống. Việc mở rộng chương trình, kết hợp trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật, sẽ giúp tăng cường tính ứng dụng và giá trị thực tiễn trong nông nghiệp”, anh Nguyễn Hữu Vinh khẳng định.

Một trong các công trình nghiên cứu, sáng tạo của anh Nguyễn Hữu Vinh.

Đến xây dựng nhà máy thực phẩm mang thương hiệu Sachi Foods

Hiện tại, các công trình nghiên cứu của “Nhà khoa học của Nhà nông” đã được nhiều người tiếp nhận và sử dụng rộng rãi trong sản xuất. Điển hình như cơ sở sản xuất muối Phương Nguyên, cơ sở chế biến dừa dòn Thanh Phương, cơ sở chế biến Hương Thịnh, HTX Ngọc An, HTX Tam Quang… Đồng thời, anh cũng là người tư vấn công nghệ và chuyển giao công nghệ cho các tỉnh như Đắk Lắk, Bến Tre, Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai…

Đặc biệt, những sáng kiến sáng tạo này không chỉ được sử dụng sản xuất cho bà con trong và ngoài tỉnh mà còn được anh Vinh dùng để xây dựng nhà máy với tên gọi Công ty Cổ phần IPP Sachi có địa chỉ tại Khu phố 8, phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định được xây dựng trên tổng diện tích 3ha với nhiều kho: Nguyên liệu, thành phẩm, đóng gói… Cũng từ nhà máy Sachi đã cho ra đời nhiều sản phẩm bánh tráng mang đậm hương vị quê hương Bình Định như bánh tráng nước dừa, bánh tráng cuốn ram, bánh tráng tẩm vị… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là món bánh tráng Sachi.

Các dòng sản phẩm mang thương hiệu Sachi Food do Công ty sản xuất được bán ra thị trường và có mặt tại các siêu thị lớn Winmart, BigC, Eon, Lotte. Đặc biệt, dòng sản phẩm này còn xuất khẩu sang Mỹ và Đài Loan. Một số sản phẩm đạt OCOP 4 sao, FDA, đơn vị đã có chứng nhận ISO 22000. Toàn bộ nguyên liệu đầu vào của Sachi Food sử dụng từ sản vật của nền nông nghiệp địa phương. Sản xuất theo tiêu chí xanh, sạch, an toàn và thân thiện với môi trường. Bình quân mỗi năm doanh thu của Công ty đạt hơn 25 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho lao động địa phương hơn 100 người.

Nói về chứng nhận ISO 22000, anh Vinh cho hay: Để doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm áp dụng và đạt chứng nhận ISO 22000 phải là một đơn vị có hệ thống quản lý tốt an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo cung cấp các sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng. Để làm được điều này, yếu tố đóng vai trò quan trọng là ứng dụng hệ thống máy móc tự động vào trong quá trình sản xuất.

Đặc biệt, quy trình sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Sachi Food được sản xuất trên dây chuyền công nghệ tự động do người sáng lập nghiên cứu, phát triển, vận hành. Do đó, toàn bộ nhà máy anh Vinh đều nắm được nguyên lý vận hành và cải tiến theo ý muốn mà không phụ thuộc các nhân tố bên ngoài. 

Với sức trẻ và nhiệt huyết say mê nghiên cứu khoa học, anh Nguyễn Hữu Vinh không dừng lại ở các sản phẩm đã có trước đó, chỉ sau 4 năm khi nhận danh hiệu “Nhà khoa học của Nhà nông”, anh Vinh tiếp tục cho ra đời các sản phẩm mới nhằm hoàn tất các khâu trong sản xuất loại bánh đặc sản trứ danh Bình Định. Trong số đó phải kể đến hệ thống máy sấy và hấp được nâng công suất lên 5 tấn/ngày ổn định ở các thời tiết khác nhau, đáp ứng cho các xưởng sản xuất với số lượng lớn.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác