Nhà nông ước vọng trước thềm năm mới
Cần sự liên kết và đồng hành của “các nhà” với nông dân
“Công nghệ cải tiến, nông dân cũng cần phải trở thành “kiểu mẫu” để thích ứng với nhu cầu đòi hỏi của thị trường tiêu dùng. Hơn nữa, để người nông dân yên tâm vào sản xuất thì rất cần sự liên kết và đồng hành với nhiều nhà, đặc biệt là sự vào cuộc của nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp…”, đó là chia sẻ của hội viên nông dân Lê Văn Bàng ở thôn Tân Trù, xã Xuân Liên (Nghi Xuân - Hà Tĩnh)
Năm mới cận kề và trải qua một năm đầy thăng trầm do dịch bệnh triền miên, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là giá cả nông sản không ổn định, đến vụ thu hoạch lại không có thị trường đầu ra dẫn đến hầu khắp cả nước nông sản luôn trong thế bị động chờ kết nối, tiêu thụ để giảm tải thiệt hại cho người dân. Để không còn cảnh ngồi chờ đợi sản phẩm do mình vất vả làm ra được “vớt vát” với giá rẻ mạt không đủ bù vốn đã bỏ ra, người nông dân cần phải đổi mới tư duy trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Trò chuyện với hội viên nông dân Lê Văn Bàng - người vừa được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021” và cũng là người duy nhất đại diện cho hàng nghìn hội viên nông dân Hà Tĩnh lên đón nhận danh hiệu cao quý này. Chia sẻ về kỳ vọng cho một năm mới tiếp theo đối với nông dân và nông nghiệp, ông nói: “Sản xuất nông nghiệp cái cần nhất bây giờ là phải có tư duy trong cách nghĩ và cách làm. Thị trường nông nghiệp luôn luôn biến động nên trước khi đầu tư vào sản xuất cần phải nghĩ ngay đến tính tuần hoàn của sản phẩm nhằm làm chủ đầu ra cho mình để không bị phụ thuộc vào ai cả khi sản phẩm đến thời gian thu hoạch mà gặp sự cố gì đó chẳng hạn”.
Với hơn 8ha trang trại được hình thành trên đất hoang hóa của 2 xã Cương Gián và Xuân Liên từ năm 2004, ông Bàng khởi đầu bằng nuôi vịt đẻ trứng. Nhưng cái khác của ông ngay từ lúc bắt đầu hình thành mô hình nuôi vịt là ông không chỉ riêng bán trứng thương phẩm mà còn đầu tư thêm lò ấp trứng để nhập trứng vịt lộn cho thương lái và ấp vịt con bán cho các chủ hộ chăn nuôi. Ngày mới sơ khai bình quân mỗi lứa ông nuôi 5.000 đến 6.000 con vịt, mỗi đêm vịt đẻ dao động từ 4.000 đến 4.500 trứng có khi lên đến 5.000. Ấy thế mà có những hôm không đủ để cung cấp cho thương lái đến mua.
Chia sẻ về ý tưởng nuôi vịt lấy trứng cho ra nhiều “loại hình” từ trứng thương phẩm đến trứng vịt lộn và trứng ấp lấy con giống, ông nói: “Nếu chỉ nuôi vịt lấy trứng nhỡ khi họ không đến thu mua khoảng 3 ngày là tồn hơn 10.000 trứng thì biết xử lí thế nào. Nên cứ chủ động tạo ra nhiều sản phẩm từ trứng thì chắc chắn sẽ xoay chuyển được tình thế”.
Nhận thấy lượng đất còn chưa phát huy được hết, năm 2012 ông bắt tay liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi Việt Nam nuôi mỗi lứa khoảng 2.000 con lợn thịt, rồi đào ao thả cá vừa tạo sự tuần hoàn trong chăn nuôi vừa bảo vệ môi trường triệt để ngay tại nơi sản xuất. Chất thải từ chăn nuôi lợn sau khi xử lí chảy qua các cao nuôi cá rồi mới cho ra môi trường. Chính sự chăn nuôi kết hợp, tuần hoàn bổ trợ cho nhau nên giảm tải được phần vốn phải bỏ ra trong quá trình chăm sóc. Chính tư duy đổi mới đó mà mỗi năm riêng doanh thu về nuôi lợn liên kết không lo về đầu ra ông cũng đã thu về hơn 4 tỷ, nuôi cá dao động từ 500 đến 600 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ nuôi vịt.
Thời gian tới, ông tiếp tục đầu tư thêm 4 chuồng nuôi lợn và thuê thêm 3ha đất 5% của xã để trồng các loại cây tạo thêm nguồn thu cho trạng trại và bảo vệ môi trường từ cây xanh.
Mùa màng bội thu, nông thôn mới đổi thay
Năm 2021 đã khép lại nhưng những biến cố từ ngoại cảnh tác động đã để lại không ít khó khăn cho người nông dân. Hết dịch bệnh bùng phát đợt nay đến đợt khác, mưa bão triền miên, nắng nóng khô hạn bỏng rát nơi chảo lửa miền Trung chẳng trồng được cây gì tốt tươi. Hội viên nông dân Nguyễn Thị Mại - Thôn Yên Lạc, xã Thạch Thắng (Thạch Hà - Hà Tĩnh) bộc bạch: “Nghĩ đến thời gian vừa qua thấy ớn lắm rồi, không làm được gì lại còn mất mùa - mất giá rầu rĩ lắm. Năm mới cận kề rồi, những người nông dân như chúng tôi không mong gì hơn là có một năm mưa thuận gió hòa, bớt thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất chăn nuôi để cho mùa màng thêm bội thu, giảm bớt khó khăn. Đặc biệt, dịch Covid -19 sớm được đẩy lùi để thông thương thị trường cho giá cả các sản phẩm nông nghiệp được ổn định, không bấp bênh như thời gian qua”.
Hơn nữa, Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) mà Đảng, Nhà nước đang thực hiện sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và sâu rộng hơn, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng thêm khởi sắc. Đặc biệt, từ ngày toàn dân trong xã thực hiện xây dựng NTM nâng cao mọi thứ trở nên khang trang, sạch đẹp hẳn. Vấn đề môi trường nông thôn càng được chú trọng và văn hóa ứng xử của con người cũng vì thế mà thay đổi theo.
Để chiến dịch xây dựng NTM của xã sớm đạt đến đích vấn đề quan trọng nhất vẫn là chiến dịch phát triển kinh tế hộ nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người dân. “Người nông dân như chúng tôi muốn phát triển được kinh tế trang trại hay gia trại đều mong muốn chính quyền địa phương sẽ có những chính sách hỗ trợ nhà nông trong việc tiêu thụ nông sản, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn; hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho những hộ nông dân gặp khó khăn…
Cùng với đó là sự hỗ trợ tích cực về vốn sản xuất, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, tìm ra những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương của các ngành liên quan”, bà Mại nói thêm.
“Việc nâng cao năng suất trong sản xuất và tạo ra được thị trường ổn định cho sản phẩm của mình làm ra là yếu tố then chốt nhất để cho mình yên tâm vào sản xuất. Và để làm được điều đó thì người nông dân như chúng tôi rất cần có sự đồng hành của chính quyền, các doanh nghiệp, các chuyên gia khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp,…”
Theo ông Lê Văn Bàng.