Hỗ trợ nông dân

Nhờ nguồn vốn Quỹ nuôi cá thu tiền tỷ

Vân Nguyễn - 07:05 16/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhiều hộ nông dân nuôi cá nước ngọt ở xã Suối Rao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) cho vay vốn đúng thời điểm, chính vì vậy, nhiều hộ đã có nguồn thu nhập ổn định, thu lãi cả tỷ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Thanh Chức, Tổ trưởng Tổ hội Nghề nghiệp nuôi cá nước ngọt xã Suối Rao.

Nhiều mô hình được vay vốn Quỹ cho thu nhập cao

Là người điển hình trong nhiều hội viên tổ hội nghề nghiệp nuôi cá nước ngọt thành công tại địa phương, ông Nguyễn Thanh Chức chia sẻ: Trước đây gia đình trồng lúa và ngô nhưng hiệu quả kinh tế thấp, từ khi được Hội Nông dân vận động sang nuôi cá nước ngọt và được vay 200 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Châu Đức và nguồn vốn từ Quỹ HTND, tôi đã đầu tư nuôi các loại cá trắm, chép, rô phi… trên diện tích hơn 3ha mặt nước. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nuôi thả cá nên mỗi vụ cá, thu hoạch hơn 30 tấn cá các loại, giá cá trung bình khoảng 50 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 1 tỷ đồng/vụ. 

Theo ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội ND huyện Châu Đức, thời gian qua, Quỹ HTND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và huyện Châu Đức nói riêng đã kịp thời hướng dẫn xây dựng nhiều dự án có tính khả thi, đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân được vay vốn. 

Quỹ HTND huyện Châu Đức đã tích cực vào cuộc, triển khai kịp thời, hiệu quả các dự án của Hội Nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề xuất. Nhờ vậy, nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả, điển hình như Dự án trồng và chăm sóc Hoa tại Bình Trung từ nguồn vốn Quỹ HTND, hỗ trợ 16 hộ nông dân và thành lập được chi hội nông nghề nghiệp trồng hoa. Trong 6 tháng đầu năm, mô hình trồng Nha đam của 6 hộ gia đình tại xã Bình Giã đã đưa vào sản xuất, khai thác ổn định đạt 80 tấn trên diện tích 4,2ha. Mô hình chăn nuôi dê sinh sản, thịt; Mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Qua đó, các dự án này đã giải quyết được việc làm và tăng thu nhập cho rất nhiều hộ nông dân và thu hút ngày càng nhiều người tham gia vào Hội....

“Có thể nói nguồn vốn Quỹ HTND đã góp phần mạnh mẽ vào sự chuyển dịch phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Nhiều mô hình liên kết sản xuất mới ra đời, nông dân mạnh dạn vay vốn làm ăn. Nguồn Quỹ thực sự có ý nghĩa với các mô hình chăn nuôi nhỏ và vừa, giúp hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, mở rộng quy mô phát triển ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập trung ở nông thôn. Tạo điều kiện kịp thời cho hội viên, nông dân vay vốn đầu tư phát triển kinh tế; góp phần cho hội viên nông dân vươn lên làm ăn có hiệu quả và làm giàu chính đáng. Từ hiệu quả mô hình nuôi cá nước ngọt của gia đình ông Nguyễn Thanh Chức đã giúp cho nhiều hộ trong xã học tập và làm theo, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống” - ông Thân Xuân Động khẳng định.

Mô hình nuôi cá nước ngọt tại xã Suối Rao mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.

Liên kết sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế

Trước đây người dân tự phát nuôi cá nước ngọt, không chú trọng đến kỹ thuật nuôi nên hiệu quả thấp. Cuối năm 2016, Hội Nông dân xã Suối Rao đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo, vận động nông dân xây dựng tổ hội nghề nghiệp và tiến tới thành lập Hợp tác xã nuôi cá nước ngọt và dạy nghề. Tổ hội Nghề nghiệp nuôi cá nước ngọt xã Suối Rao, (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được hình thành với 32 thành viên, có tổng diện tích nuôi 55ha, ông Nguyễn Thanh Chức được bầu làm Tổ trưởng.

Thời gian đầu triển khai mô hình, do còn quen với tập quán nuôi trồng cũ, nên nông dân không mấy mặn mà. Tổ hội đã cùng Hội Nông dân xã, các ban, ngành kiên trì vận động, giúp bà con hiểu được lợi ích từ mô hình và tham gia nhiều hơn. Ngoài ra, Hội ND các cấp còn hỗ trợ bằng việc mở các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá cho các thành viên của Tổ, giúp bà con cập nhật nhiều kiến thức mới, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào nuôi trồng thủy sản, nhờ đó đã giúp cho bà con nâng cao năng suất và lợi nhuận.

Theo ông Nguyễn Thanh Chức, tham gia tổ hội nghề nghiệp nuôi cá nước ngọt, nông dân xã được hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá đạt hiệu quả cao, liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, thắt chặt mối quan hệ tình nghĩa, tương trợ giữa những người cùng nghề…

Trong các buổi tập huấn về nuôi cá nước ngọt tại tổ hội nghề nuôi cá, không khí tranh luận sôi nổi chia sẻ kinh nghiệm của những người nông dân nuôi cá nơi đây. Nội dung học tập, thảo luận xoay quanh vấn đề về kỹ thuật chăn nuôi, tính toán các công đoạn trong chăm sóc cá nước ngọt như: Chuẩn bị ao nuôi, chọn và thả cá giống, cách phòng trị bệnh, thu hoạch và tiêu thụ cá… Chính vì vậy, các thành viên của tổ áp dụng và đạt được hiệu quả kinh tế cao.

Tổ hội chủ yếu nuôi các loại cá: Trắm, chép, mè, rô phi, chim trắng, trê lai… Nguồn thức ăn dành cho cá nước ngọt tận dụng cũng rất phong phú, có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có của gia đình. Thông thường, chúng ăn 2 loại thức ăn chủ yếu đó là: Thức ăn có sẵn trong nước (thức ăn tự nhiên)  như các phiêu sinh vật, động vật đáy, các loại thực vật sống trong nước và thức ăn do người nuôi cung cấp như: các loại bột ngũ cốc, các loại lá xanh ở trên cạn, các phụ phế phẩm trong nông nghiệp do chế biến thực phẩm, chăn nuôi thải ra. Đây là những thức ăn cần thiết cho các loài cá nuôi hiện tại. 

“Đến nay, Tổ nuôi cá nước ngọt với diện tích 55ha đạt sản lượng khoảng 750 tấn cá thương phẩm cho thu nhập hàng năm khoảng 40 tỷ đồng. Nhờ nuôi cá có lãi mà nhiều nông dân khác cũng xin gia nhập Tổ” - ông Nguyễn Thanh Chức phấn khởi chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Chức cũng cho biết: Trong thời gian tới, Tổ sẽ vận động các thành viên để thành lập Hợp tác xã. Bởi vì thành lập HTX, có tư cách pháp nhân sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, giao dịch tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện nay, cá nước ngọt của Tổ được các đơn vị, siêu thị nông sản trên địa bàn tỉnh ký kết thu mua tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh.

Đánh giá về hiệu quả từ Quỹ HTND, ông Thân Xuân Động cũng cho biết: Tổ hội Nghề nghiệp nuôi cá nước ngọt xã Suối Rao là mô hình hay với bà con nông dân. Mô hình không chỉ giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập mà còn tạo nên sự liên kết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Thời gian tới, sẽ tiếp tục vận động nhân rộng mô hình, thu hút nhiều hộ trên địa bàn xã tham gia, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đời sống nông dân, đưa kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển. 

“Hiệu quả của Quỹ HTND không thể phủ nhận, nhưng hiện nay, nguồn vốn chỉ đầu tư cho các dự án sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và chỉ một mục đích sử dụng vốn, nên gặp khó khăn cho các hộ vay sản xuất bị thua lỗ, không chuyển đổi được mục đích khác như nuôi heo bị thua lỗ thì không chuyển được sang nuôi cá… Đề nghị, Hội ND cấp trên khi xây dựng  dự án nên để tối thiểu 2 mục đích sử dụng vốn và mở rộng đầu tư cho các hộ tiểu thương buôn bán nhỏ trong nông thôn như bán tạp hóa, bán nước giải khát...”
Ông Thân Xuân Động – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Châu Đức.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác