Nhờ vốn Quỹ nhiều tổ hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả
Quỹ HTND - kênh vốn thiết thực của nhà nông
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là đổi mới về tư duy kinh tế và xác định vai trò chủ thể của giai cấp Nông dân về phát triển nông nghiệp, nông thôn hướng đến tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp tỉnh Nghệ An luôn chú trọng đến công tác hỗ trợ người nông dân trong việc phát triển sản xuất và bảo vệ sản xuất nhằm mang đến những thuận lợi nhất cho hội viên nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Quỹ HTND không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ hội viên xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn; Tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp…
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay, Hội Nông dân tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn Quỹ tại cơ sở. Tính đến thời điểm 31/5/2022, tổng nguồn vốn Quỹ HTND huyện quản lý gần 6 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt và một số ngành nghề khác.
Song song với việc phát triển nguồn Quỹ, các cấp Hội Nông dân huyện Diễn Châu luôn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để quản lý tốt nhất nguồn vốn khi được phân bổ. Nhờ đó, hoạt động của Quỹ HTND luôn nhận được sự chỉ đạo của cấp ủy và phối hợp với chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều dự án sử dụng nguồn vốn vay của Quỹ HTND phát huy tốt hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế hộ cũng như phát huy, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Cùng với đó, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, Ban Điều hành Quỹ HTND và đội ngũ cán bộ quản lý đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đưa Quỹ HTND huyện trở thành kênh dẫn vốn quan trọng trong mối quan hệ mật thiết giữa Hội Nông dân và hội viên.
“Tuy nhiên, quá trình hoạt động của nguồn vốn Quỹ thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn như: Tình trạng dịch bệnh Covid- 19 kéo dài khiến nhân dân lo lắng, kinh tế giảm sút rõ rệt, sản xuất kinh doanh trì trệ, giá cả một số vật tư nông nghiệp tăng khiến nhiều hộ dân mang theo tâm lý e ngại đầu tư. Những nguyên nhân đó ít nhiều làm ảnh hưởng đến mọi hoạt động trong công tác Hội và triển khai thực hiện các chỉ tiêu liên quan, trong đó có công tác vận động xây dựng quỹ Hội. Cùng với đó, công tác tham mưu của Hội và tổ chức thực hiện của cán bộ Hội từ xã đến huyện còn nhiều bất cập; Kinh phí của UBND các xã còn hạn chế nên việc trích các nguồn quỹ để Hội Nông dân hoạt động và phát triển sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu”, ông Ngô Đình Tưu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diễn Châu cho biết.
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cần được nhân rộng
Diễn Châu là huyện lớn, điều kiện địa hình hội đủ cả đồng bằng, miền núi và ven biển. Do đó, kinh tế phát triển đa lĩnh vực, đời sống sản xuất, kinh doanh đa dạng. Đây chính là cơ hội để người nông dân thử tài của mình ở những lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt… khác nhau.
Từ lợi thế đó mà nông nghiệp Diễn Châu nằm ở tốp khá của tỉnh. Chính nhờ việc được hỗ trợ nguồn vốn, được tập huấn, cầm tay chỉ việc mà nhiều hộ gia đình làm ăn khấm khá trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh... Những tiền đề đó dần bắt đầu xây dựng thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của huyện và tạo vùng chuyên canh rộng lớn như: Dưa hấu (Diễn Thịnh, Diễn Yên), khoai tây (Diễn Phong, Diễn Hoàng, Diễn Kỷ, Diễn Thịnh, Diễn Tân, Diễn Trung, Diễn Hải), trồng hoa (Diễn Kỷ), trồng lạc (Diễn Lâm), nuôi tôm vùng bãi ngang, nuôi dê (Diễn Hùng),…
Vốn vay từ nguồn Quỹ đã hình thành nhiều tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp có tiếng trong vùng. Cụ thể như tổ hội nghề nghiệp nuôi hươu tại xã Diễn Hùng, với 10 thành viên tham gia, tổng số vốn ban đầu gần 400 triệu cho 4 hộ gia đình có nhu cầu vay. Từ đó, một số hộ đã gây dựng nâng tổng số đàn lên đến 20 - 30 con, giá nhung hươu hiện tại khoảng gần 11 triệu đồng/kg, giá hươu giống 25 triệu/con đực và 20 triệu/con cái. Hươu con nuôi sau 2 năm thì bắt đầu cho thu hoạch nhung 2 lần/năm. Cuộc sống khấm khá, kinh tế phát triển đã giúp nhiều hộ dân nâng cao cuộc sống cả về vật chất và tinh thần.
Hay như hộ anh Lê Văn Giang xóm 5 Diễn Trung, Diễn Châu từ nguồn vốn vay Quỹ HTND và vốn gia đình, hiện nay anh đã xây dựng trang trại và nuôi 6.000 con gà đẻ trứng mỗi đêm cho gần 5.000 trứng, trên nền diện tích 1.500m2. Trứng nhập cho thương lái với giá 3.000 đồng/quả.
Anh Giang cho biết: “Nuôi gà đẻ trứng phải biết cách điều tiết thuốc thang cho phù hợp, ăn uống có chế độ, phải biết cách phòng bệnh… như thế gà mới đẻ đều, nếu không thì hôm đẻ hôm không thì mình không thể đủ trứng để nhập cho họ được, mà quả trứng cũng không đều. Nếu chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc tốt thì 1 con gà đẻ trứng nuôi được 1,5 năm còn bình thường chỉ 1 năm là phải thải để thay thế giống mẹ mới. Chi phí nuôi 1 con gà trưởng thành vào lứa sinh sản mất khoảng 200 nghìn đồng/con. Thời gian tới anh dự định mở rộng 1.500m2 nhưng chưa có quỹ đất”.
Quỹ HTND không chỉ là “phương tiện” hữu hiệu và thiết thực cho hội viên nông dân trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm. Đó còn là “nhịp cầu” đưa hình ảnh người nông dân lên tầm cao mới biết thay đổi để phù hợp với thời cuộc công nghệ số.
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi
- Nông dân Hiệp Hòa thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa “thân thiện với môi trường”