Những điều cần biết khi đi làm Thẻ Căn cước từ 01/7/2024
Bắt buộc cung cấp thông tin sinh trắc học mống mắt
Mống mắt con người bao gồm hai lớp: Lớp mạch sợi có sắc tố ở phía trước và lớp tế bào biểu mô chứa sắc tố ở phía dưới. Hình dạng của mống mắt khi khám trên kính hiển vi sẽ có các sợi, các hốc, các thớ cơ, sắp xếp hoàn toàn khác nhau, tương tự như dấu vân tay. Khi phân tích qua máy quét chuyên dụng, mống mắt ở mỗi người sẽ hoàn toàn khác nhau, là duy nhất, kể cả anh chị em sinh đôi. Việc mống mắt giống nhau là rất hiếm có thể xảy ra.
Mống mắt là thông tin sinh trắc học được nhận dạng nhanh nhất và đúng nhất, nếu chúng không bị thay đổi. Nhưng chỉ riêng mống mắt không thể định danh cá nhân một cách chính xác và đầy đủ, mà cần tích hợp thêm vân tay, vết sẹo trên cơ thể, nhiều yếu tố khác để nhận dạng. Bên cạnh đó, công nghệ nhận diện mống mắt có độ chính xác cao, đơn giản, dễ sử dụng, không cần thao tác phức tạp; hiện đã được nhiều quốc gia áp dụng để phục vụ nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, điền thông tin xác thực qua website...
Mống mắt ở mỗi người sẽ hoàn toàn khác nhau, là duy nhất, kể cả anh chị em sinh đôi
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 15 Luật Căn cước 2023, thông tin sinh trắc học trong cơ sở dữ liệu căn cước bao gồm thông tin ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói. Với 3 thông tin ban đầu, người dân bắt buộc phải cung cấp cho cơ quan chức năng. Với thông tin về AND và giọng nói, Điểm d, Khoản 1, Điều 16 quy định như sau: “Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước”. Như vậy, với người dân bình thường, việc cung cấp AND và giọng nói là không bắt buộc mà chỉ áp dụng với những trường hợp vi phạm pháp luật.
Việc thu nhận thông tin về mống mắt giúp nhanh chóng cung cấp thông tin để xác thực cá nhân với độ chính xác cao qua các thiết bị không yêu cầu tiếp xúc vật lý. Nhận dạng mống mắt được sử dụng như một trong những phương pháp thu thập dữ liệu sinh trắc học cần thiết để cấp số định danh cá nhân là duy nhất. Có thể xác thực chính xác và nhanh chóng ngay cả khi không có căn cước.
Từ 01/7/2024, người làm Thẻ Căn cước ngoài thông tin ảnh khuôn mặt, vân tay sẽ bắt buộc cung cấp mống mắt cho cơ quan chức năng,
Việc sử dụng kết hợp với dữ liệu sinh trắc học bổ sung lẫn nhau, chẳng hạn như vân tay, ảnh khuôn mặt, cho phép xác thực cá nhân một cách chính xác, chống lại hành vi mạo danh. Do đó, việc thu nhận thông tin về mống mắt giúp việc xác thực cá nhân bảo đảm tính chính xác cao, dễ dàng trong việc thực hiện, triển khai các ứng dụng để phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế số, công dân số.
Bảo mật tuyệt đối thông tin cá nhân
Theo đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Luật Căn cước quy định khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp Thẻ căn cước thì cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu nhận thông tin về mống mắt của công dân. Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết thêm, vấn đề bảo mật, an toàn thông tin đều được triển khai, thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức bảo mật, mã hóa cao nhất nên người dân hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề không bị lộ, lọt dữ liệu.
Một điểm mới trên Thẻ Căn cước là sẽ có thông tin và nghề nghiệp của công dân trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu. Tuy nhiên, nhiều người dân cũng thắc mắc vì điểm này cũng gây khó khăn cho người dân nếu chuyển nghề nghiệp hoặc không công tác ở cơ quan, đơn vị cũ thì có phải bắt buộc đổi lại CCCD hay không?
Dự tính trong năm sẽ có 5 triệu thẻ mới sẽ được cấp cho những cá nhân đủ 14 tuổi và các trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi có nhu cầu cần thiết
Dự tính trong năm đầu tiên của việc triển khai, Bộ Công an sẽ thực hiện cấp khoảng 15 triệu thẻ căn cước, một con số ấn tượng. Trong số này, có 5 triệu thẻ mới sẽ được cấp cho những cá nhân đủ 14 tuổi và các trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi có nhu cầu cần thiết. Đồng thời, có 3 triệu thẻ sẽ dành cho những công dân buộc phải đổi từ thẻ Chứng minh nhân dân (CCCD) sang thẻ căn cước do hết hạn sử dụng. Ngoài ra, 7 triệu thẻ sẽ được cấp cho những công dân có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước, một biện pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và tiện ích cho người dân. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo ra một hệ thống quản lý dân cư hiệu quả và tiến bộ hơn trong thời gian tới.
- Chỉ có 1 loại thuế GTGT 5% mới được hoàn thuế: Cần thay đổi để tạo công bằng giữa các doanh nghiệp
- Cà Mau: Chủ động xây dựng, hình thành các liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp
- Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
- Đồng Tháp: Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững