Doanh nghiệp

Nỗi đau của nhà đầu tư sau cổ phần hóa các công ty nông lâm nghiệp nhà nước

11:05 05/12/2021 GMT+7
Thực hiện đổi mới, cổ phần hoá các công ty nông lâm nghiệp nhà nước theo Nghị quyết 30, trái với nguồn lực và sự kỳ vọng, các công ty nông lâm nghiệp ở Tây Nguyên lại hoạt động rất kém hiệu quả. Các doanh nghiệp dù đã hay đang sắp xếp, cổ phần hoá đều đang bế tắc, sa lầy.

Tại Tây Nguyên, các công ty nông lâm nghiệp nhà nước đang quản lý một diện tích đất rất lớn, lên đến gần 1,2 triệu ha. Đây là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế ở Tây Nguyên. Thế nhưng, trái với nguồn lực và sự kỳ vọng, các công ty nông lâm nghiệp ở đây lại hoạt động kém hiệu quả.

Sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá các công ty nông lâm nghiệp nhà nước theo Nghị quyết 30 năm 2014 của Bộ Chính trị khoá XI và Nghị định 118 năm 2014 của Chính phủ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Tại Tây Nguyên, các công ty nông lâm nghiệp nhà nước đang quản lý một diện tích đất rất lớn, lên đến gần 1,2 triệu ha. Đây là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế ở địa bàn có thế mạnh như Tây Nguyên và đúng ra các công ty nông lâm nghiệp phải trở thành trụ cột cho kinh tế của vùng. Thế nhưng, trái với nguồn lực và sự kỳ vọng, các công ty nông lâm nghiệp ở đây lại hoạt động rất kém hiệu quả. Các doanh nghiệp dù đã hay đang sắp xếp, cổ phần hoá đều đang bế tắc, sa lầy.

Nghị quyết 30 về sắp xếp, cổ phần hoá công ty nông lâm nghiệp nhà nước.

Công ty Cổ phần Tập đoàn TH là một trong những doanh nghiệp tiên phong tham gia vào tiến trình sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp tại Tây Nguyên với việc đầu tư vào vùng đất rộng 27.000ha vốn được quản lý, sử dụng kém hiệu quả bởi hai công ty lâm nghiệp Rừng Xanh và Cư M’lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Cuối năm 2016, trên cơ sở sắp xếp mô hình hai thành viên, Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk được thành lập.

Ông Trịnh Xuân Thắng, Tổng Giám đốc Cổ phần Tập đoàn TH cho biết, chủ trương là cho phép công ty trồng trọt và chăn nuôi trên quỹ đất rừng nghèo kiệt mà thực tế nhiều diện tích đã không còn rừng. Tuy nhiên, quy định của Nhà nước có sự thay đổi với việc dừng chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang mục đích khác, kế hoạch ban đầu phải dừng lại. Trong khi đó, đã 6 năm nhưng các thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thiện, một số giấy tờ pháp lý như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện vẫn đứng tên hai công ty cũ. Đáng lo ngại hơn, trước khi cổ phần hoá, hàng nghìn ha đất đã bị mất và hiện Công an tỉnh Đắk Lắk đang điều tra sai phạm này. Việc đầu tư của công ty đang bế tắc cả về pháp lý lẫn thực tế.

“Mục tiêu của Tập đoàn vào đây là để có đất để đầu tư nhưng đến thời điểm hiện tại mới có đất trên giấy, đó là điểm mấu chốt nhất. Có những chỗ có thể làm được thì bị dân đuổi. Nếu có những vùng có đất dân chưa lấn thì đó là vùng khó khăn, xa, cách trở, cằn cỗi mà lại còn manh mún. Tập đoàn không thể mạo hiểm bỏ tiền đầu tư được, bởi vì xác định là chỉ mất chứ không được”, ông Trịnh Xuân Thắng nói.

Cũng tự tin tham gia cổ phần hoá vào lĩnh vực nông nghiệp ở Tây Nguyên là Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood khi mua lại gần 80% cổ phần tại Công ty Cà phê Phước An, doanh nghiệp có tiếng về cà phê tại Đắk Lắk. Chiến lược của công ty là ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đưa những sản phẩm chất lượng ra thị trường trong nước và thế giới. Nhưng 4 năm sau cổ phần hoá, không những không triển khai được chiến lược sản xuất, doanh nghiệp còn đang vướng vào vòng luẩn quẩn tranh chấp pháp lý với những người dân nhận khoán. Những tranh chấp, mâu thuẫn này vốn đã hình thành từ giai đoạn trước cổ phần hoá, là hậu quả của cơ chế khoán mà thực chất là “phát canh thu tô”. Tuy nhiên, doanh nghiệp tham gia cổ phần hoá đã không được nắm bắt đầy đủ và cũng không đánh giá hết được những vấn đề phát sinh.

Bà Nguyễn Huyền Trâm, Tổng giám đốc Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood cho biết, dù đã nỗ lực đối thoại, vấn đề vẫn không thể giải quyết, công ty buộc phải đưa ra toà để xử lý theo quy định pháp luật: “Để giải quyết tranh chấp, công ty đã triển khai nhiều biện pháp để thực hiện trên tinh thần hợp tác, thỏa thuận hài hòa giữa người nhận khoán với công ty, thực hiện đúng qui định của pháp luật. Kết quả vẫn chưa thành công. Giải pháp cuối cùng, bất đắc dĩ, chúng tôi buộc phải gửi đơn đưa những hộ nhận khoán ra tòa án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

Thực trạng mất đất, mất rừng nghiêm trọng, tranh chấp đất đai phức tạp, những tồn tại của cơ chế cũ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, vướng về cơ chế, chính sách và pháp luật đã và đang làm khó các doanh nghiệp

Hậu quả của việc thiếu minh bạch trong cổ phần hoá cũng đang khiến cho Công ty Cổ phần Cà phê Gia Lai và Công ty Cổ phần Chè Biển Hồ, với gần 1.700ha tại tỉnh Gia Lai rất khó triển khai các phương án sản xuất, kinh doanh sau 3 năm cổ phần hoá. Năm 2016, khi triển khai cổ phần hoá, tỉnh Gia Lai chỉ cho phép kéo dài phương án khoán vườn cây đến thời điểm công ty chính thức chuyển sang công ty cổ phần. Thế nhưng, hai công ty cũ là Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai và Công ty TNHH MTV Chè Biển Hồ lại làm trái chỉ đạo của UBND tỉnh, tiếp tục ký phụ lục hợp đồng khoán kéo dài thời gian với người lao động đến năm 2042 và năm 2047.

Ông Trịnh Đình Trường, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc của hai Công ty cổ phần cho biết, nhà đầu tư đã không nắm bắt được và với những hợp đồng khoán như vậy, người lao động hiện nay đang là chủ thực sự của vườn cây. Ông Trường khẳng định, việc cổ phần hoá công ty nông lâm nghiệp chưa triệt để. “Công ty cổ phần nông lâm nghiệp” là một chủ thể rất mới, chưa có các quy định cụ thể về luật pháp phù hợp.

Công ty cổ phần vẫn được xem như công ty nhà nước, vẫn còn tình trạng áp đặt phương án sản xuất, kinh doanh, chưa có những cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có thể thoát ra lối làm ăn cũ. Trong khi đó, thứ nhà đầu tư mua không chỉ là cổ phần, tài sản trên đất, quyền được thuê đất mà còn là trách nhiệm với người lao động, nghĩa vụ của doanh nghiệp nhà nước để lại. Những điều này đã không được xem xét thấu đáo trước và sau cổ phần hoá.

“Đấu giá trên sàn thì mặt nguyên lý là phải đấu giá sạch, đất đai sạch, tất cả mọi thứ sạch nhưng mà Nhà nước không lường hết được hậu quả đó. Chúng tôi trở thành “con tin”. Bây giờ có vẻ như thò chân vào bùn, đau ở câu chuyện là giẫy là tụt xuống, bước thì không bước lên được, ngồi yên thì không được, kiểu gì cũng chết”, ông Trịnh Đình Trường lo lắng.

Doanh nghiệp bỏ ra hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng để tham gia cổ phần hoá, đặt mục tiêu cùng với Nhà nước khai thác có hiệu quả những diện tích đất rộng lớn và phì nhiêu ở Tây Nguyên. Thế nhưng, sau sắp xếp, cổ phần hoá, nhiều doanh nghiệp lại vướng vào những rắc rối, những tranh chấp chưa có hồi kết và hậu quả là sản xuất, kinh doanh thua lỗ kéo dài.

Với thực trạng mất đất, mất rừng nghiêm trọng, tranh chấp đất đai phức tạp, những tồn tại của cơ chế cũ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, vướng về cơ chế, chính sách và pháp luật như hiện nay, thì dù NutiFood, Tập đoàn TH hay doanh nghiệp có năng lực, thực lực đến đâu cũng khó đổi mới sản xuất, kinh doanh trên nền tảng này./.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác