Hỗ trợ nông dân

Quỹ Hỗ trợ nông dân Hà Giang:

Kênh dẫn vốn, giúp nông dân yên tâm mở rộng sản xuất và làm giàu

Quỳnh Chi - 09:57 21/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều dự án mới phù hợp với điều kiện kinh tế tại địa phương đã xuất hiện, hàng nghìn nông dân được vay vốn vươn lên làm giàu. Đồng thời, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
TIN LIÊN QUAN
Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã thúc đẩy sự phát triển KT-XH huyện vùng cao Hà Giang, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Điểm tựa vững chắc cho nhà nông xây dựng những mô hình hiệu quả

Những năm qua, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) là 1 trong những nguồn lực trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo ở các địa phương trong tỉnh Hà Giang. Từ nguồn vốn này, nhiều gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống. Có không ít gia đình từng bước làm giàu từ những mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Một số mô hình tiêu biểu như: Thâm canh cam tại các xã Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang; xã Yên Hà, Hương Sơn, huyện Quang Bình; Trồng và chăm sóc cam theo hướng VietGAP tại các xã Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang); xã Yên Hà, Hương Sơn (huyện Quang Bình); chăn nuôi trâu tại các xã Vĩ Thượng, thị trấn Yên Bình (huyện Quang Bình); trồng "na núi đá" phường Quang Trung (TP. Hà Giang); mô hình "Nông dân làm du lịch" - nhà nghỉ homestay xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn).

Gia đình bà Nguyễn Thị Hòa ở tổ 8, phường Quang Trung, TP. Hà Giang là 1 trong 6 hội viên nông dân của phường được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ HTND với số tiền 100 triệu đồng từ tháng 10/2022 để phát triển kinh tế tổng hợp. Gia đình bà đã đầu tư phát triển cây na, chăn nuôi lợn và thả cá. Mô hình mang về cho gia đình bà mỗi năm trên 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.

Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Giang cho biết, với mức cho vay cao nhất là 100 triệu đồng mỗi hội viên cũng phù hợp với vốn đầu tư chăn nuôi và trồng trọt. Bà con tiếp cận vốn thì không phải thế chấp gì cả, được tiếp cận nhanh, giải ngân sớm.

Vườn cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Nguồn vốn được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích

Cũng từ nguồn vốn Quỹ HTND, gia đình anh Bàn Thanh Vân ở thôn Nà Vàn, xã Tùng Vài, huyện Vị Xuyên được vay với số tiền 50 triệu đồng, gia đình anh có điều kiện mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi lợn gà thương phẩm. Trước đây, anh Vân chỉ chăn nuôi lợn với quy mô nhỏ, chuồng trại không đáp ứng được nhu cầu chăn nuôi. Nhờ có số tiền được vay kết hợp số vốn tích luỹ, anh đã đầu tư mở rộng chuồng và nhân rộng đàn lợn. Mỗi năm gia đình anh nuôi 2 lứa lợn, bình quân mỗi lứa xuất chuồng từ 2-3 tấn lợn hơi, tổng thu nhập hàng năm đạt trên 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí, công chăm sóc. Từ đó kinh tế gia đình dần khá lên.

 Thông qua nguồn vốn đã hỗ trợ cho nhiều gia đình hội viên nông dân  ở Vị Xuyên có thêm nguồn lực đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở nông thôn. Hiện nay toàn huyện Vị Xuyên có 26 hội viên nông dân được hỗ trợ vốn với số tiền 1,7 tỉ đồng. Để tạo điều kiện cho hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn, những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã chủ động linh hoạt quỹ HTND, giúp đỡ hội viên nông dân vay vốn phát triển các mô hình trang trại, gia trại.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, hàng năm, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn những mô hình, dự án có tính khả thi để triển khai thực hiện. Đặc biệt, ưu tiên cho những hộ hội viên nông dân có kế hoạch sử dụng nguồn vốn hiệu quả, có nguồn nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay. Đồng thời, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên nông dân. Bên cạnh đó, Hội còn tăng cường kiểm tra giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn vốn vay để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng các dự án cho vay lồng ghép các nguồn vốn cấp tỉnh và cấp huyện. Vì vậy, các dự án vay vốn cũng được mở rộng về quy mô, hoạt động của các dự án qua nguồn vốn vay được đảm bảo, mang lại hiệu quả cao, góp phần tích cực vào hoạt động chung của Hội và công tác phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động các nguồn quỹ và tạo điều kiện cho hội viên nông dân phát triển kinh tế trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp cũng như những hàng hóa mang tính đặc trưng của tỉnh”.

Bà Nguyễn Thị Thúy- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang nhấn mạnh

Tin cùng chuyên mục
Tin khác