Kỳ Sơn: Phát động phòng chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm và an toàn vệ sinh thực phẩm
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Viết Hùng – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, ông Lữ Quang Hưng – UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện cùng đại diện lãnh đạo các ban, phòng, MTTQ và các đoàn thể cấp huyện và lãnh đạo một số xã cùng cán bộ HND 21 xã, thị trấn.
Hiện tại, thời tiết đang bắt đầu chuyển lạnh, dự kiến thời gian tới khu vực miền núi có khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là công tác chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn huyện chưa thực sự đảm bảo cùng với thực hiện các quyết định, kế hoạch của cấp trên.
Phát biểu tại buổi lễ phát động, ông Nguyễn Viết Hùng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nhấn mạnh: “Phòng chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm không chỉ là trách nhiệm của mỗi một hộ gia đình mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bởi chăn nuôi là một vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế huyện nhà, là nguồn thu chính của mỗi hộ gia đình và là nguồn thu của toàn xã hội, sau mỗi đợt rét đậm, rét hại thiệt hại kinh tế của các hộ gia đình nói riêng, nền kinh tế của toàn huyện nói chung bị thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng, thế nhưng vấn đề đảm bảo phòng chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm vẫn còn lơ là bỏ quên.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, sự phát triển giống nòi mà còn tác động đến quá trình sản xuất, lưu thông hàng hoá, du lịch, thương mại và an sinh xã hội. An toàn thực phẩm còn là biểu hiện sự văn minh của các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh, lưu thông phân phối, của người sử dụng, của mỗi địa phương và mỗi quốc gia. Được tiếp cận với thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản đối với mỗi con người”.
Cũng tại buổi lễ phát động, Chủ tịch UBND huyện đề nghị các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội phải tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai đồng loạt và đạt chất lượng cao các hoạt động đảm bảo phòng chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm trước khi gió mùa Đông Bắc tràn về, coi đó đó là nhiệm vụ bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nông dân, có chiến lược phát triển vùng thức ăn và phương án dự trữ thức ăn, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết tổ chức chăn nuôi hợp lý, đảm bảo theo quy trình kỹ thuật.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật, lơ là thiếu trách nhiệm trong quá trình chăm sóc đàn vật nuôi. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất, chăn nuôi sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương..
Lễ phát động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình về phổ biến kiến thức “phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm; sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn”; Thực hiện đúng các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm trong cung cấp dịch vụ ăn uống và chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hành vi vi phạm theo pháp luật; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nông sản, thực phẩm không an toàn; Thực hiện nghiêm túc “3 không”, “3 có” về an toàn vệ sinh thực phẩm theo Nghị quyết số 01-NQ/HNDT của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh.
Tại buổi lễ phát động, ông Phan Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn đã đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt trách nhiệm của Hội trong thời gian tới:
Thứ nhất: Tiếp tục tuyên truyền cho hội viên, nông dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, nhất là các quy định về trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, bảo quản và kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
Thứ hai: Đẩy mạnh liên kết sản xuất, chăn nuôi chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nhân rộng mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông sản thực phẩm. Phát huy vai trò của tổ chức Hội trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.
Thứ ba: Nâng cao trách nhiệm của nông dân trong sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thân thiện với môi trường. Thực hiện 3 không, đó là: Không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm; không kinh doanh chất cấm và nông sản thực phẩm không an toàn, kém chất lượng; không tiêu dùng nông sản, thực phẩm bẩn, nông sản thiếu an toàn. Thực hiện 3 có, đó là: Có hiểu biết về quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm an toàn; có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; có trách nhiệm phát giác và ngăn chặn thực phẩm không an toàn. Thả rông trâu bò, thiếu trách nhiệm chăm đàn gia súc, gia cầm.
Cũng nhân dịp này, Hội Nông huyện Kỳ Sơn trân trọng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để tổ chức Hội Nông dân làm tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, vận động hướng dẫn nông dân sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, không để xẩy ra tình trạng gia súc, gia cầm chết đói rét. Cùng với đó là nâng cao chất lượng nông sản góp phần “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”; đồng thời phát động toàn thể hội viên, nông dân ra sức phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm; sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.
Tại buổi lễ, lãnh đạo UBND, HND huyện; UBND, HND xã ký cam kết thực hiện công tác phòng chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm và sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.
- Nghệ An: Các cấp Hội cần tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, cách làm hiệu quả, kết quả ấn tượng
- Hội Nông dân huyện Diễn Châu đã chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, xây dựng Hội, xây dựng mô hình, điển hình
- Đoàn công tác Trung ương Hội NDVN thăm và làm việc tại tỉnh Đồng Tháp
- Tuyên truyền pháp luật đến nông dân được duy trì thường xuyên, ổn định