Bến Tre:
Nông dân năng động ứng dụng công nghệ số
Hỗ trợ, hướng dẫn ND về ứng dụng công nghệ số
Tháng 7/2023, Sở NN&PTNT phối hợp với Hội ND tỉnh Bến Tre tổ chức đoàn công tác tham quan, học tập kinh nghiệm tại Trang trại sầu riêng Mahalap, Thái Lan. Chuyến đi đã để lại nhiều bài học có giá trị đối với cán bộ quản lý, kỹ thuật và ND trong việc ứng dụng công nghệ số từ khâu chăm sóc, sản xuất đến đóng gói tiêu thụ sản phẩm trái sầu riêng. Nhất là đoàn đã tham quan được quy trình đóng gói sản phẩm với đầy đủ nhãn dán, thông tin, nguồn gốc, hướng dẫn sử dụng bằng mã QR Code trên từng trái sầu riêng.
Hội ND tỉnh cũng phối hợp với Bưu điện tỉnh, Viettel Bến Tre cùng các địa phương hướng dẫn, đào tạo các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh và các HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart và Voso. Kết quả, có 4.541 sản phẩm nông sản lên sàn, 153.482 lượt ND sản xuất nông nghiệp tham gia đưa sản phẩm lên sàn TMĐT.
Hội ND xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách được huyện chọn là đơn vị điểm thực hiện chuyển đổi số của tổ chức Hội ND trong năm 2024.
Theo bà Lê Thị Ngọc Yến - Chủ tịch Hội ND xã Vĩnh Thành, ND Vĩnh Thành hiện rất chủ động trong nắm bắt công nghệ, mang lại hiệu quả cao cho sản xuất, kinh doanh. Cơ bản đã hình thành được các thói quen như: Thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán online, kết nối, trao đổi qua các kênh mạng xã hội trực tuyến, dùng công nghệ để mang lại lợi ích cho đời sống.
Hội ND xã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ. Đến cuối năm 2023, Hội ND xã Vĩnh Thành đã thành lập được 4 tổ hội bán mai vàng online. Vận động ND ứng dụng buôn bán mai vàng online cùng tham gia tổ hội, chia sẻ kinh nghiệm và cách làm để việc kinh doanh online được hiệu quả hơn, giảm thiểu rủi ro.
Ông Lê Văn Chúc - Chủ tịch Hội ND huyện Chợ Lách cho biết, thời gian qua, các cấp Hội ND trên địa bàn huyện đã đồng bộ triển khai, phối hợp thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động để chuyển đổi số trên lĩnh vực nông nghiệp của huyện.
Cụ thể, Hội ND các cấp thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, lồng ghép các nội dung tập huấn, hướng dẫn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho ND trong các buổi sinh hoạt Hội. Bên cạnh đó, Hội ND huyện còn tạo Fanpage, Facebook để các xã, thị trấn và huyện cập nhật thường xuyên thông tin liên quan đến công tác Hội và phong trào ND.
Theo Chủ tịch Hội ND huyện Chợ Lách, chuyển đổi số là một nội dung rất quan trọng trong công tác của Hội ND huyện. Chuyển đổi số làm thay đổi tư duy của ND trong phương pháp tiếp cận và kết nối thị trường giữa doanh nghiệp với ND được gần hơn. Việc ứng dụng công nghệ tạo điều kiện cho ND nâng cao chất lượng sản phẩm tạo ra, nâng cao độ tin cậy sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, giúp ND quảng bá sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập ổn định về kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả
Chuyển đổi số tạo ra nền tảng cho phép người ND và các thị trường kết nối với nhau không phân biệt vị trí địa lý. Cũng từ đó xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, có 184.830 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số trong quá trình giao dịch trên sàn thương mại điện tử. 3.886 hộ sản xuất nông nghiệp, 100% sản phẩm OCOP tham gia triển khai sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Sàn thương mại điện tử Đặc sản Bến Tre có gần 73 gian hàng và 240 sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh kinh doanh, quảng bá sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Trên 15% các sản phẩm OCOP đã được kinh doanh qua kênh thương mại điện tử (Zalo, Facebook, Postmart, Shopee, Lazada, Sendo…).
Sau đợt hạn mặn lịch sử năm 2020, ông Nguyễn Văn Bảy ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm quyết định gia cố hệ thống đê bao toàn bộ vườn và đầu tư thiết bị công nghệ thông minh phục vụ cho sản xuất. Năm 2021, ông lắp đặt 2 hệ thống công nghệ 4.0 là hệ thống quan trắc mạng lưới giám sát sâu bệnh thông minh và hệ thống quan trắc nước mặn. Các hệ thống này hoạt động tự động quan trắc dữ liệu về sâu bệnh và độ mặn, sau đó chuyển về điện thoại thông minh đã được cài đặt sẵn. Mỗi ngày ông Nguyễn Văn Bảy chỉ cần một vài thao tác trên điện thoại là biết được tất cả dữ liệu về sâu bệnh xuất hiện trong vườn và độ mặn của nước. Ông còn nghiên cứu đầu tư hệ thống tưới thông minh trên toàn bộ 5ha vườn. Hệ thống tưới phun được thiết kế theo từng khu vực. Mỗi buổi sáng ông chỉ cần chạm nút khởi động là hệ thống sẽ tự động tưới.
Ngoài ra ông Bảy còn lắp đặt hệ thống pha phân bón tưới trực tiếp cho cây trồng. Với cách làm này, chi phí đầu tư giảm rất nhiều, từ đó tăng hiệu quả kinh tế hơn so với trước đây.
Ông Nguyễn Văn Bảy cho biết, công nghệ 4.0 đã giúp ông nhàn hơn trong công việc mà lại mang lại thu nhập cao hơn.
Gắn bó và làm giàu nhờ nuôi tôm công nghệ cao, nông dân Lê Văn Sấm, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, trở thành một trong những điển hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao thành công đầu tiên của tỉnh Bến Tre. Với trên 40ha nuôi tôm công nghệ cao, ông Sấm thu hoạch trung bình 70-90 tấn/ha, mỗi năm thu lợi từ 30-50 tỷ đồng.
Theo ông Sấm, ưu điểm của mô hình mới là có thể kiểm soát được môi trường nuôi, quản lý dịch bệnh, năng suất tôm thu hoạch cao gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống. Khả năng thành công trên 90%, một năm có thể nuôi 2-3 vụ. Tuy nhiên, cần chia tôm theo từng giai đoạn nuôi để dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước giúp tôm mau lớn, tránh dịch bệnh.
“Chuyển đổi số làm thay đổi tư duy của ND trong phương pháp tiếp cận và kết nối thị trường giữa doanh nghiệp với ND được gần hơn. Việc ứng dụng công nghệ tạo điều kiện cho ND nâng cao chất lượng sản phẩm tạo ra, nâng cao độ tin cậy sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, giúp ND quảng bá sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập ổn định về kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng”.
Ông Lê Văn Chúc, Chủ tịch Hội ND huyện Chợ Lách.