Nông dân Quảng Bình chung tay bảo vệ môi trường biển
Chú trọng công tác tập huấn, tuyên truyền
Theo ông Trần Tiến Sỹ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, trong năm qua để đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng và có ý thức trong việc phân loại, xử lý rác thải thì một trong những nhiệm vụ tiên quyết cần được thực hiện là công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm nhưng phải đa dạng, linh hoạt. Để từ đó, tạo hiệu ứng tích cực trong đại bộ phận nhân dân về chương trình, kế hoạch của Hội.
Hoạt động tuyên truyền đó được thể hiện dưới nhiều kênh thông tin, hoạt động thiết thực, cụ thể như đăng tải các thông tin tuyên truyền trên các kênh thông tin, mạng xã hội, các hội nhóm…; Cùng với đó là lồng ghép trong các buổi sinh hoạt Hội, các hội thảo chuyên đề; sinh hoạt chi, tổ hội; qua tài liệu tuyên truyền, tờ rơi...
Vận động hội viên, ngư dân giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, đặc biệt không xả rác ra biển các loại chai nhựa, túi nilon trong quá trình đánh bắt xa bờ mà thu gom lại để mang về bờ, để đúng nơi quy định chờ xử lý; duy trì, nhân rộng các mô hình chi hội Nông dân tham gia thu gom rác thải tại cộng đồng, đường làng, ngõ xóm và trong gia đình và các đường ven bờ biển bằng nhiều mô hình thiết thực.
Bên cạnh tuyên truyền nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung và môi trưởng biển nói riêng cho cán bộ, hội viên, ngư dân thì công tác tập huấn cũng được Hội Nông dân tỉnh chú trọng. Hội đã phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Khoa học và công nghệ tổ chức 3 lớp tập huấn cho 300 cán bộ, hội viên nông dân về kiến thức bảo vệ môi trường, phân loại và ủ rác thành phân hữu cơ tại 3 xã Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa), Võ Ninh (huyện Quảng Ninh), Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn)…
Bình quân 1 lớp tập huấn có 60 hội viên, ngư dân tham gia, sau khi tập huấn các hộ ứng dụng những kiến thức được học vào công tác bảo vệ môi trường, thực hiện thu gom và phân loại rác tại nguồn và vận động các hộ khác cùng thực hiện. Sau khi được tập huấn, 100% hội viên, ngư dân trên địa bàn được tuyên truyền, nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường.
Song song với đó, Hội cũng đã hỗ trợ các hộ gia đình hội viên, nông dân thùng đựng rác ủ chất thải sinh hoạt và sản xuất thành phân hữu cơ; vừa tận dụng các chất thải làm phân bón hướng đến giảm lượng rác thải ra môi trường.
“Các cấp Hội tích cực phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành tổ chức các phong trào nông dân tham gia bảo vệ môi trường, tổ chức tập huấn, hướng dẫn hội viên nông dân về thu gom, phân loại những loại rác thải sinh hoạt; rác ven bờ biển. Thông qua những hoạt động này nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được nâng lên. Bước đầu đã hình thành trách nhiệm, hành vi sống thân thiện với môi trường, tạo diện mạo mới ở nông thôn, xây dựng được làng quê đáng sống với cảnh quan môi trường trong lành, sáng, xanh, sạch đẹp”, ông Trần Tiến Sỹ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết.
Nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường là việc cần làm thường xuyên
Với đường bờ biển dài và vùng đặc quyền lãnh hải rộng trên 20.000km2, kinh tế biển trở thành một trong những ngành quan trọng của Quảng Bình. Để hiện thực hóa chiến lược phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Bình đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm triển khai, hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác các dự án đầu tư về cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí và các dự án trọng điểm du lịch vùng ven biển.
Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản tại một số nơi chưa bảo đảm quy hoạch đã làm phát sinh đáng kể lượng chất thải ra môi trường; sự phát triển nhanh của ngành du lịch biển, dịch vụ hậu cần nghề cá trong khi công tác bảo vệ môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này thực hiện đầy đủ khiến môi trường biển đứng trước nguy cơ ô nhiễm ngày càng cao.
Do đó, Hội Nông dân các cấp tỉnh Quảng Bình đã tuyên truyên, vận động hội viên, nông dân, ngư dân thực hiện mô hình “Nông dân, ngư dân chung tay bảo vệ môi trường biển”, nhờ vậy góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường và thu gom, phân loại rác thải, phát huy được vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân và các hộ dân trong công tác bảo vệ môi trường biển. Hội viên, ngư dân sau khi được tập huấn đã trở thành các tuyên truyền viên tích cực đối với hoạt động bảo vệ môi trường, có ảnh hưởng tốt đến các xã, địa phương lân cận trong địa bàn thành phố và trong tỉnh.
Có thể nói, việc triển khai mô hình này góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, hội viên và cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường nông thôn, môi trường biển trực tiếp giải quyết được triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế của người dân; kiểm soát chặt chẽ các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, mỗi hội viên nông dân cần ý thức được giá trị của môi trường mình đang sống nhằm mang lại nguồn sống trong lành cho bản thân, gia đình và vì sự phát triển bền vững trong tương lai.”
Ông Trần Tiến Sỹ - Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Bình.