Nông dân Quảng Ngãi chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp
Trong 5 năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển 512 mô hình kinh tế hiệu quả, trong đó Hội Nông dân tỉnh đã đầu tư 6 mô hình với số tiền hỗ trợ hơn 2,6 tỷ đồng
Đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu
Nhiều hoạt động phong phú và thiết thực của Hội Nông dân đã tạo động lực thúc đẩy phong trào nông dân toàn tỉnh phát triển mạnh, nhất là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".
Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Hàng năm có trên 108.000 hộ nông dân đăng ký, trong đó, có gần 74.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Thông qua phong trào đã vận động hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tương trợ, giúp đỡ, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục ngàn lao động nông thôn; Trực tiếp giúp đỡ cho 160 hộ nông dân thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh bình quân giai đoạn 2018 - 2022 là 1,46%/năm.
5 năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức 110 lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; Tư vấn, hỗ trợ các kiến thức về thành lập và phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác cho nông dân; Xây dựng và phối hợp hỗ trợ 512 mô hình kinh tế hiệu quả; Đào đạo nghề và tư vấn giải quyết việc làm cho gần 1.000 hội viên nông dân; Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện tín chấp và ủy thác cho gần 46.000 nông dân vay với số tiền trên 2.849 tỷ đồng; Vận động, phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền gần 76 tỷ đồng để hỗ trợ cho trên 1.500 hộ nông dân vay phát triển kinh tế với lãi suất thấp.
Hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 74.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng gần 26% so với Nghị quyết đề ra. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 53 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương.
Tiêu biểu là hộ nông dân Nguyễn Văn Lộc, ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức. Trang trại của ông Lộc có quy mô lớn và hàng năm cho doanh thu trên 10 tỷ đồng. Trong đó, chăn nuôi heo công nghệ cao với số lượng đàn gần 1.000 con, 8 hồ nuôi ốc hương, tôm thẻ chân trắng kết hợp nuôi cua trên diện tích 10.000m2; nuôi vịt để trứng với số lượng đàn 6.000 con. Trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng và 20 lao động thời vụ.
Ông Nguyễn Văn Lộc, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Kinh nghiệm là làm đến đâu tìm hiểu đến đó, thất bại chỗ nào nghiên cứu chỗ đó, đặc biệt nhất là tìm tòi, học hỏi thất bại của người khác, tìm hiểu cái thất bại để mình làm ra cái thành công nhất của mình.
Cùng với sự phát triển kinh tế, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được nông dân ứng dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả cao. Trong 5 năm qua đã có 10 nông dân tiêu biểu của tỉnh được đề cử tham gia Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, 5 nông dân có sáng kiến, giải pháp tham gia Hội thi KHKT cấp tỉnh và Trung ương; 1 nông dân được tôn vinh Nhà Khoa học của Nhà nông; 5 nông dân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Từ đó, có nhiều nông dân trở thành chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ. Các nông dân này đã biết liên kết trong sản xuất theo chuỗi tuần hoàn thông qua hình thức phát triển các mô hình kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ vốn, kỹ thuật và cầu nối tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như anh Lê Giang Phong, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nấm ở Đức Nhuận đã liên kết sản xuất theo chuỗi sản xuất phôi nấm để bán cho nông dân trong huyện về chăm sóc, thu hoạch nấm tươi; sau đó HTX thu mua nấm tươi của nông dân về sơ chế, tẩm, ướp để chế biến thành thức ăn nhanh như: Nấm khô sợi ăn liền, trà thảo dược linh chi, bột nêm nấm… cung ứng cho các thị trường siêu thị, chợ, cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện tại HTX sản xuất nấm Đức Nhuận có 6 loại sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao; 5 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và chiếm lĩnh thị trường nông nghiệp số trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Shopee, Vỏ Sò, Saely,…
Tương tự, trên diện tích 10 sào đất vườn và đất trồng rau màu của bà Lê Thị Bích Mỹ ở xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng hoa với nhiều loại hoa mới như thạch thảo, hoa huệ, hoàng anh. Theo bà Mỹ một năm trồng 3 loại hoa, cây hoa cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác.
Từ hiệu quả cây hoa mang lại khá cao, Hội Nông dân xã Nghĩa Hà đã vận động nông dân chuyển đổi sang trồng hoa. Hiện toàn xã có khoảng 40ha diện tích trồng hoa.
Tự nguyện hiến đất làm đường, xây dựng cảnh quan nông thôn sạch đẹp
5 năm qua, Hội Nông dân các cấp đã vận động nông dân trong tỉnh hiến gần 444.000 m2 đất, đóng góp gần 87 tỷ đồng, gần 351.000 ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như đường giao thông, cầu cống, kênh mương nội đồng, các thiết chế văn hóa ở nông thôn.
Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi đã vận động nhân dân đóng góp gần 26.000 ngày công, hơn 67 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, xây dựng hơn 220km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa 87km kênh mương nội đồng, thắp sáng hơn 123km đường giao thông nông thôn. Tự tháo dỡ tường rào cổng ngõ để mở rộng nâng cấp đường giao thông nông thôn. Nhờ đó diện mạo thôn xóm ngày càng khởi sắc. Đặc biệt, các huyện miền núi tuy còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng đã phát huy được sức mạnh của nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới, nhất là vận động nhân dân đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình công ích phục vụ đời sống.
Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng khi chính quyền địa phương phát động phong trào hiến đất mở đường, anh Đinh Văn Tăng, ở thôn Nước Kỉa, xã Sơn Tinh (Sơn Tây) đã nhiệt tình hiến hơn 600m2 đất của gia đình. Sải bước trên con đường bê tông khang trang, anh Tăng vui vẻ cho biết, đất đai là tài sản lớn của nhiều người, với anh cũng không ngoại lệ. Nhưng vì lợi ích chung, nên anh đã tự nguyện tháo dỡ hàng rào, chặt phá keo, cau để hiến đất mở rộng đường đi. “Từ ngày con đường được đổ bê tông khang trang, không chỉ giúp việc đi lại, vận chuyển nông sản dễ dàng, mà phần nào làm thay đổi nếp sống, cách nghĩ của người dân. Thấy được lợi ích đó, nên đã có nhiều nông dân mạnh dạn hiến đất để xây dựng quê hương”, anh Tăng chia sẻ.
Vận động nhân dân xây dựng các tuyến đường xanh, sạch đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu. Xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa thời gian qua đã phát động xây dựng mô hình “tuyến đường đẹp”. Trên địa bàn huyện những tuyến đường hoa, tuyến đường cây xanh xuất hiện ngày càng nhiều trong xã. Trong đó vai trò chủ thể của người dân được thể hiện rõ nét qua việc trồng và chăm sóc hoa.
Những con đường rực rỡ sắc hoa đã trở thành thân quen với mỗi người dân nơi đây không chỉ làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng môi trường sống trong lành cho người dân.
Tại thôn Phú Vinh, xã Tịnh Thiện, TP. Quảng Ngãi, nông dân tự nguyện đóng góp 150 triệu đồng, ngày công để làm khu vui chơi, giải trí trong thôn. Cây xanh cũng do các gia đình tự đóng góp và mang đến trồng. Không ai bảo ai, người dân chung tay xây dựng tự tay chăm sóc để làm đẹp làng quê.
Sự chung sức đồng lòng của người dân đã tạo ra những con đường mới, diện mạo mới, sức sống mới ở vùng nông thôn và những con đường nông thôn mới sẽ tiếp tục được nối dài để cuộc sống người dân nông thôn ngày càng phát triển, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.