Nông dân xã Thái Sơn tham gia canh tác lúa thân thiện với môi trường
Theo đó, nhằm góp phần hỗ trợ người trồng lúa trên địa bàn tăng năng suất, chất lượng cũng như giảm giá thành, vật tư đầu vào, bảo vệ môi trường… trong 2 năm qua, Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã tích cực đẩy mạnh triển khai Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường” từ nguồn vốn của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Giang trong hỗ trợ mở tập huấn kỹ thuật, giống lúa, phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học. Từ đó đã làm thay đổi nhận thức, nâng cao năng suất, giá trị nông sản và góp phần tích cực đến nâng cao cuộc sống của người dân trồng lúa.
Hiệp Hòa là địa phương có “truyền thống” về cánh tác lúa, chính vì vậy khi triển khai Chương trình canh lúa thân thiện với môi trường, những ngày đầu người dân cũng gặp một số những khó khăn như: Đã quá quen thuộc với lối canh tác truyền thống; ngại thay đổi; sợ thay đổi quy trình canh tác sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm… Chính vì vậy, sau khi họp bàn, thống nhất chủ trương, Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã lựa chọn xã Thái Sơn và xã Lương Phong là những đơn vị triển khai mô hình mẫu của dự án.
Xã Thái Sơn nằm ven dải sông Cầu, được phù sa bồi đắp, từ thuở khai ấp lập làng, đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng với tinh thần đoàn kết một lòng, cần cù sáng tạo trong lao động, Nhân dân xã Thái Sơn đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh vượt trội, tiêu biểu phải kể đến là “Gạo Nếp cái hoa vàng Thái Sơn”.
Ở Thái Sơn người dân canh tác lúa đã có nhiều kinh nghiệm “truyền thống” để sản xuất, chính vì vậy để đưa được kỹ thuật mới “Canh tác lúa thân thiện với môi trường” vào sản xuất, Hội Nông dân xã Thái Sơn cũng đã tổ chức triển khai, tuyên truyền các kỹ thuật trong các buổi tập huấn, cuộc họp, trên hệ thống loa phát thanh…
Ông Nguyễn Văn Mỳ - Trưởng thôn Quế Sơn (xã Thái Sơn) cho hay: Sau khi được Hội Nông dân các cấp tỉnh Bắc Giang tuyên truyền hướng dẫn, cùng với vai trò là người đứng đầu của thôn, gia đình tôi đã tham gia xây dựng mô hình mẫu 2 sào. Đến nay sau 2 năm thực hiện tôi thấy kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường mới này đã cho nhiều ưu điểm vượt trội (giảm phân bón, nước tưới… lại tăng năng suất, còn chất lượng sản phẩm gạo vẫn đảm bảo thơm, ngon, dẻo). Giờ đây gia đình tôi đã hoàn toàn yên tâm vào kỹ thuật canh tác mới này; không những vậy tôi cũng đã chia sẻ những kỹ thuật này để bà con trong thôn cùng sản xuất, cùng canh tác.
Ông La Văn Trọng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Sơn cho hay: Là người con của địa phương, giờ đây lại đang được công tác trong Hội Nông dân xã, vì vậy tôi luôn mong muốn đưa được những sản phẩm nông sản của địa phương, nhất là sản phẩm truyền thống “Nếp cái hoa vàng Thái Sơn” tới nhiều người. Chính vì vậy khi Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang triển khai Dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường vào trên địa bàn, tôi rất kỳ vọng vào kỹ thuật mới này sẽ mang lại hiệu quả cho người dân và hạt gạo nếp quê hương tôi có cơ hội phát triển hơn nữa.
“Từ năm 2023 đến nay với sự hỗ trợ của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Giang chúng tôi đã tổ chức được nhiều buổi tập huấn kỹ thuật ở các thôn, làng; hỗ trợ giống, phân bón, chế phẩm vi sinh… cho người dân trồng lúa. Giờ đây không chỉ các hộ gia đình được hỗ trợ làm mô hình mẫu mà người dân trồng lúa trên toàn xã Thái Sơn đã hoàn toàn tin tưởng vào kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường này. Trên mỗi thửa ruộng các hộ gia đình đã chủ động áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường (100% các hộ áp dụng phương pháp tưới ướt khô xen kẽ, 100% áp dụng phương pháp bón phân đúng cách, 100% áp dụng phương pháp xử lý rơm rạ và 100% áp dụng cả 3 kỹ thuật)”, ông Trọng cho hay.
Đến nay, trên địa bàn xã Thái Sơn đã có 600 hộ dân cùng tham gia áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường với diện tích trên 70ha đất trồng lúa (60ha Nếp cái hoa vàng và 12ha lúa J02). Sự thay đổi này không những giúp cho sản phẩm “Nếp cái hoa vàng Thái Sơn” sản xuất, phát triển ổn định, chất lượng giữ vững, từ đó sẽ góp phần quan trọng để “Nếp cái hoa vàng Thái Sơn” ngày một vươn xa hơn nữa trên thị trường.
Việc triển khai Dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn huyện Hiệp Hòa bước đầu đã tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức cũng như phương pháp canh tác của hội viên, nông dân. Phương pháp này có tính ưu việt, không chỉ giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích, mà còn nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất lúa an toàn. Vì vậy, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa, UBND xã Thái Sơn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân canh tác lúa theo phương thức mới, thân thiện với môi trường; chú trọng hướng dẫn các kỹ thuật canh tác bằng hình thức "cầm tay chỉ việc"; lấy nông dân tuyên truyền cho nông dân, từng bước góp phần thay đổi hành vi và nhận thức của nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Nghệ An: Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới
- Nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam tại các trường đào tạo của Hội Nông dân Việt Nam
- Bến Tre: Hội Nông dân tỉnh tập huấn chương trình khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp cho hội viên
- Thanh Hóa: Đối thoại và tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho nông dân