Long An: Huyện Tân Thạnh trình diễn mô hình canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải
Canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải
Mô hình canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải áp dụng máy sạ hàng hiệu ứng đường biên (nghĩa là cấy lúa hàng rộng xen kẽ hàng hẹp tạo điều kiện cho mọi khóm lúa trong ruộng đủ ánh sáng, đẻ nhánh khỏe như các khóm rìa bờ ruộng) và bón vùi phân bón tại Hợp tác xã xã Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình (HTX) được thực hiện trên diện tích 14ha với 7 hộ dân tham gia. Nông dân thực hiện mô hình sẽ sử dụng lượng giống gieo sạ là 80kg/ha và lượng phân là 200kg/ha. Phương pháp sản xuất này giúp nông dân vừa giảm được lượng giống, vừa bảo đảm việc không bón phân trong 45 ngày đầu gieo sạ.
Là một trong những nông dân tham gia mô hình này, ông Trần Văn Lựu ở ấp Cà Nhíp, xã Tân Bình cho biết, mô hình này có nhiều triển vọng nhất là mô hình xạ thưa sẽ giảm được lượng giống, phân bón, giảm chi phí cho nông dân. Bên cạnh đó, việc bón vùi phân còn góp phần giảm thất thoát và giảm hiệu ứng nhà kính.
Khi tham gia thực hiện đề án này, nông dân sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, cơ sở hạ tầng; cung cấp giống lúa chất lượng cao; hỗ trợ tiếp cận thị trường tiêu thụ ổn định; được hỗ trợ các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa và các chính sách trong khuôn khổ Đề án; được chia sẻ lợi ích từ việc bán tín chỉ carbon;… Mặc khác, nông dân phải đảm bảo thực hiện đúng quy trinh sản xuất; tham gia các hoạt động tập huấn, nâng cao kỹ năng; báo cáo kết quả sản xuất.
Ông Đặng Rô Săng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Bình cho biết, qua tham quan học hỏi nhiều mô hình trình diễn ở các địa phương khác thấy được hiệu quả của mô hình đem lại là rất thiết thực. Hợp tác xã đã triển khai cho xã viên nắm và cùng tham gia, xã viên rất phấn khởi cùng triển khai thực hiện, hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng để đam lại hiệu quả và lợi ích cho nông dân.
Mô hình này nhằm thực hiện đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đề án là một trong những dự án trọng điểm nhằm mục tiêu tăng năng suất và chất lượng lúa; giảm lượng khí thải nhà kính từ hoạt động nông nghiệp; phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đẩy mạnh cơ giới hoá, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa
Long An hiện đứng thứ tư khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng lúa, với gần 3 triệu tấn/năm. Toàn tỉnh có hơn 50.300ha lúa ứng dụng công nghệ cao (kế hoạch là 60.000ha); trong đó có hơn 11.500ha ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đã tích cực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hoá, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa. Khuyến khích nông dân và doanh nghiệp nắm bắt, tiếp cận các thành tựu khoa học - công nghệ mới, nhất là công nghệ 4.0 để ứng dụng vào sản xuất.
Một trong những mô hình tiêu biểu có thể kể đến mô hình ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa tại xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa. Từ năm 2016, xã Mỹ Lạc được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chọn làm điểm thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa với tổng diện tích thực hiện là 4ha, trong đó có 2ha thực hiện mô hình và 2ha đối chứng.
Sau thời gian triển khai, thực hiện, nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, Hội Nông dân xã Mỹ Lạc đã tham mưu Đảng uỷ, UBND xã tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa. Đến nay, xã duy trì và nhân rộng được 56ha lúa ứng dụng công nghệ cao với 27 hộ nông dân tham gia. Điểm nổi bật của mô hình ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa là thực hiện được các phương pháp gieo sạ cụm, cấy, hàng và thiết bị máy bay không người lái. Nông dân còn ứng dụng 100% thiết bị máy bay không người lái để xịt thuốc, bón phân.
Hay mô hình Điểm sản xuất lúa theo hướng VietGAP với diện tích 50ha tại xã Tân Đông, huyện Thạnh Hoá. Đất sản xuất nông nghiệp ở đây vốn bị nhiễm phèn nặng, cộng với việc những năm qua nước lũ về thấp dẫn đến bị bạc màu nên năng suất lúa ngày càng thấp. Khi tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP, năm thứ nhất nông dân được hỗ trợ 50% giống lúa xác nhận; 50% phân bón hữu cơ; 50% thuốc sinh học và 50% chi phí phun thuốc bằng thiết bị máy bay không người lái. Năm thứ 2, nông dân được hỗ trợ 30% giống lúa xác nhận; 30% phân bón hữu cơ; 30% thuốc sinh học và 30% chi phí phun thuốc bằng thiết bị máy bay không người lái.
Ông Lê Văn Dậy là một trong những thành viên nòng cốt của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Đông cho biết sẽ quyết tâm thực hiện, bởi mô hình này không chỉ mang giá trị về kinh tế mà còn mang giá trị nhân văn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Qua các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, nông dân thấy được hiệu quả của việc dùng lúa xác nhận, ưu điểm của việc giảm lượng giống trong gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch,...Qua đó, diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao của tỉnh ngày càng được mở rộng, năng suất và chất lượng lúa ngày càng được nâng cao.