Long An tổ chức lại sản xuất, hướng tới trồng lúa chất lượng cao
Tổ chức lại HTX sản xuất lúa gạo
Để tạo tiền đề cho việc hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, HTX nông nghiệp 4.0 tỉnh Long An đã chủ động chuyển đổi 100ha lúa truyền thống sang trồng lúa công nghệ cao xuất khẩu thị trường châu Âu. Nông hộ cá thể của địa phương cũng thực hiện chuyển đổi thêm khoảng 120ha. Đối với diện tích lúa đạt chất lượng xuất khẩu EU sẽ được bao tiêu thu mua giá cao hơn thị trường khoảng 200 đồng/kg đối với lúa gạo và 400 đồng/kg đối với lúa nếp.
Ông Nguyễn Văn Lành, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp 4.0 cho biết: Hiện 17 xã viên đã đồng loạt triển khai toàn bộ cho sản xuất lúa xuất khẩu. Qua đó chủ động có kế hoạch tham gia vùng chuyên canh 125.000ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất để gia tăng giá trị, phát triển bền vững. Ý thức của người dân có sự chuyển biến một cách rõ nét, hoạt động đầu tư, quy trình canh tác cũng được quan tâm một cách bài bản hơn khi giá cả sản phẩm hữu cơ được đối tác chấp nhận, đảm bảo sự ổn định về nguồn thu nhập cho nhà nông.
"Sản xuất hữu cơ thì bền vững, đất đỡ bị hoang hóa, thay vì dùng phân vô cơ ngày càng khiến đất ngày càng cằn cỗi, bón phân vô cơ càng nhiều nên chi phí cũng cao, mà chi phí sản xuất cao thì giảm lợi nhuận. Trong khi đó sản xuất chất lượng cao với quy trình hữu cơ sẽ bền vững hơn, giúp cải tạo đất" - ông Lành chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, để thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệuha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, đến năm 2025 địa phương sẽ triển khai 60.000ha vùng lúa ứng dụng công nghệ cao tập trung và trên nền Dự án VnSAT. Đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thực hiện 125.000ha theo đề án tại vùng lúa chất lượng cao tại các địa phương khu vực Đồng Tháp Mười và hai huyện giáp ranh là Đức Huệ, Thủ Thừa.
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho biết: "Hiện nay nông dân áp dụng tiêu chuẩn 1P5G, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng giống nguyên chủng và xác nhận, cơ giới hóa trong các khâu sản xuất… đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí, tạo nền để thực hiện Đề án là lợi thế để tỉnh tiếp tục triển khai. Ngoài việc đã hợp đồng với một số doanh nghiệp để chủ động đầu ra, Long An đang phối hợp với Cục trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai".
Địa phương đã mời các giám đốc HTX tham gia trong vùng dự án để tập huấn lên bản đồ quản lý về phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon... Chúng tôi cũng có kế hoạch mời Cục trồng trọt về hỗ trợ địa phương triển khai đến từng xã, huyện tham gia dự án để nắm được chủ trương cùng tham gia, ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin thêm.
Đưa quy mô HTX tương xứng với đề án
Việc tổ chức lại sản xuất, hướng tới trồng lúa chất lượng cao được tỉnh Long An triển khai trên địa bàn tỉnh tại 8 huyện, thị xã gồm: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường.
Đề án được thực hiện theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2024 - 2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) với 60.000ha. Đồng thời triển khai công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV); kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho những vùng lúa đạt chuẩn. Bên cạnh đó củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030.
Giai đoạn 2 (2026 - 2030), Long An xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT, mở rộng thêm 65.000ha để hướng tới mục tiêu 125.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn này tập trung vào các hoạt động chủ yếu như đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV, đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng Đề án trong giai đoạn 2024 - 2025.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thanh Tùng cho rằng: "Một trong những khó khăn là vận động được sự tham gia của bà con. Tuy nhiên, vấn đề này có thể thay đổi được, cần thêm thời gian. Một khó khăn khác là số diện tích tham gia cần thiết phải nằm trong các hợp tác xã nông nghiệp, câu lạc bộ sản xuất định hình để sản xuất tập trung. Thực tế vừa qua cho thấy diện tích có thể tăng nhanh tuy nhiên quy mô hoạt động và số lượng hợp tác xã cả khu vực chưa tương xứng với Đề án đang triển khai".
Để tham gia đề án này thì những diện tích triển khai bắt buộc phải nằm trong sự quản lý, phải vào HTX. Như vậy, tốc độ HTX phải nhanh hơn nữa. Chúng ta phải hình thành, củng cố các HTX. Hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng trên 2.000 HTX mà diện tích của những HTX này chưa tương xứng với yêu cầu của đề án 1 triệu ha. Ông Lê Thanh Tùng nhận định.
Long An là một trong những tỉnh sản xuất lúa hàng đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2023, tổng diện tích gieo trồng lúa ở Long An đạt trên 516.000ha, sản lượng 3,067 triệu tấn. Đây là năm đầu tiên sản lượng lúa của Long An vượt mốc 3 triệu tấn. Địa phương đang chủ động hỗ trợ các hợp tác xã tham gia Đề án, hướng đến phát triển chuỗi giá trị sản xuất lúa bền vững.
Theo VOV