Ninh Thuận:
Nông dân thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Trong những năm qua, Ninh Thuận tập trung ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, khác biệt, có lợi thế của tỉnh.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã giúp Ninh Thuận cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh có 560ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đóng góp đến 13% tổng giá trị sản xuất toàn ngành, gía trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 938 triệu đồng/ha. Riêng dưa lưới, nho đạt đến 1,2 tỉ đồng/ha/năm.
Ngành Nông nghiệp Ninh Thuận đã chú trọng phân vùng, nghiên cứu lựa chọn đưa các giống mới, quy trình sản xuất hiện đại, hiệu quả vào sản xuất; lựa chọn các cây trồng, vật nuôi đặc thù, tiềm năng, lợi thế để tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cao gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Hiện nay, nhiều cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn Ninh Thuận đang tích cực đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào trồng các loại cây như: Nho, táo, hành, tỏi, măng tây, nha đam, dưa lưới, dưa lê, hoa lan, bưởi da xanh, chuối, chanh không hạt...
Các loại cây trồng này được áp dụng trồng theo công nghệ như canh tác thủy canh, khí canh, trồng trên giá thể trong nhà màng, bao lưới, tưới tiết kiệm tự động kết hợp quy trình chăm sóc tối ưu để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hiện ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận ưu tiên các vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại huyện An Hải; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phước Trung; vùng sản xuất nho ứng dụng công nghệ cao Vĩnh Hải; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phước Tiến. Đến nay, toàn tỉnh đã nhân rộng các mô hình như: Ứng dụng công nghệ bao lưới chống ruồi vàng vào sản xuất táo trên 868ha; ứng dụng tưới tiết kiệm nước trên các loại cây trồng với tổng diện tích trên 15.800ha. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 565ha, hình thành 15 vùng chuyên canh hướng đến xuất khẩu, thu hút đầu tư 37 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, qua 2 năm triển khai Nghị quyết 06 của Tỉnh uỷ Ninh Thuận về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030 đã cho thấy sự chỉ đạo đúng đắn của Tỉnh uỷ về phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng được 70 liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Toàn tỉnh đã phát triển được 182 sản phẩm OCOP, trong đó có 30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 4 sao và 152 sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao.
Hội giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất
Cuối tháng 3 vừa qua, Hội Nông dân (ND) tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Diễn đàn chuyển đổi tư duy từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”.
Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, HTX và Hội ND đã thảo luận, chia sẻ, khẳng định, tư duy “kinh tế nông nghiệp” sẽ tạo ra những sản phẩm “xanh” gắn với chế biến, đáp ứng nhu cầu của thị trường theo hướng “tiêu dùng xanh”, chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang chuỗi giá trị ngành hàng giúp ND nâng cao thu nhập. Do đó, Hội ND cần vận động hội viên ND tham gia tổ chức kinh doanh theo chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập; chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Thanh Hùng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận là tỉnh có điều kiện khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Nông dân chủ yếu sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thị trường dẫn đến tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Do đó, việc chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” là rất quan trọng và là xu thế phát triển hiện nay. Đồng thời, ông cũng đề xuất các giải pháp đẩy mạnh phát triển và nhân rộng các mô hình tổ hợp tác (THT), HTX nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội sẽ là cầu nối giữa cơ sở sản xuất, THT/HTX, hội viên, ND… với các doanh nghiệp, tham gia phát triển kinh tế tập thể và tổ chức kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị nhằm nâng thu nhập cho hội viên, ND.
Được biết, năm 2023, các cấp Hội ND trong tỉnh đã tạo điều kiện hỗ trợ cho 342 hộ dân vay vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ ND tỉnh với tổng số tiền gần 10,5 tỷ đồng; triển khai 31 dự án trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản và các ngành nghề khác. Nhờ đó, các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh của ND cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều người lao động. Điển hình như mô hình: Sản xuất muối trải bạt chất lượng cao (của bà Trần Thị Tân, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải); sản xuất nho giống (của ông Nguyễn Thường Lang, phường Mỹ Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm); Dịch vụ xay xát kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt (của ông Chamaléa Ninh, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc); trồng Măng tây xanh kết hợp sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm (của bà Châu Thị Xéo, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước)...
“Thời gian tới, Hội ND tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả; bồi dưỡng ND điển hình làm kinh tế giỏi, có uy tín làm nòng cốt để trở thành giám đốc hợp tác xã, tổ trưởng sản xuất nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Song song đó, Hội ND tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với hỗ trợ ND khởi nghiệp”.
Ông Lê Thanh Hùng – Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Thuận.