Diễn đàn

Nông dân Thủ đô nhận được nhiều hỗ trợ từ Hội

Ngọc Ánh - 07:21 28/01/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Nhằm thu hút hội viên nông dân tham gia công tác Hội và phong trào nông dân, Hội Nông dân TP. Hà Nội đã có nhiều chương trình hành động thiết thực giúp hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, phát triển kinh tế tập thể. Nhờ đó đã có hàng nghìn hội viên nông dân đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo hiệu ứng, lan toả sâu rộng, thu hút đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội.
 Nông dân huyện Gia Lâm chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập.

Hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất

Theo bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội ND TP. Hà Nội, năm 2022, các cấp Hội ND thành phố đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động ND chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo bước chuyển biến quan trọng trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, vận dụng các mô hình hay, những kinh nghiệm quý để từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh mang lại giá trị kinh tế cao.  Trong năm 2021, các cấp Hội đã vận động ND thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa được 79.454ha và đang triển khai 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 105 mô hình trồng trọt, 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thuỷ sản…

Đặc biệt, Hội ND đã hỗ trợ các chi hội, tổ hội ND nghề nghiệp thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động có hiệu quả; phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã từ chi, tổ hội ND nghề nghiệp, điển hình như: Chi hội ND nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh miến dong xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai với 29 thành viên ở 3 cơ sở, mỗi cơ sở sản xuất khoảng 10 nhân công, có thu nhập bình quân 8 đến 11 triệu đồng/người/tháng, thu hút khoảng 300 lao động trong và ngoài địa phương. Hay chi hội trồng hoa, cây cảnh xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ với 60 thành viên, thu nhập hàng năm đạt từ 300 - 350 triệu đồng/thành viên, tạo việc làm cho 100 lao động tại địa phương có thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng; Chi hội sản xuất rau an toàn xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì có 30 thành viên tham gia sản xuất trên 5,4ha, năng suất đạt 130 tấn rau quả/năm, giải quyết cho 70 lao động; Chi hội sản xuất đồ mộc và điêu khắc thôn Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ là nơi hội tụ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất đồ gỗ, điêu khắc với 40 hội viên, thăm hỏi động viên giúp đỡ ốm đau, bệnh tật, hiếu hỉ...;

Đồng thời, các cấp Hội đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng về thông tin kinh tế thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp, kỹ năng phát triển mô hình kinh tế tập thể cho hơn 2.000 hội viên ND. Phối hợp tuyên truyền, vận động ND tham gia thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Năm 2022, các cấp Hội ký kết với ngành Bưu điện cùng cấp triển khai thỏa thuận hợp tác đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn; kết nối, tiêu thụ nông sản cho ND; phát triển cộng tác viên, đại lý bán hàng; tổ chức truyền thông về chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn. Đã có gần 500 hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi, các chủ trang trại, tổ hợp tác và hợp tác xã ở Hội ND các huyện như Đông Anh, Ba Vì, Thường Tín, Quốc Oai được tập huấn cách đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Đến nay, đã có 1.234 sản phẩm OCOP và 54 chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh nông sản đã lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Tuyến đường hoa xanh, sạch, đẹp tại xã Yên Viên (huyện Gia Lâm).

Tạo động lực để nông dân gắn bó với Hội

Với mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, Hội ND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Hội xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào ND ngay từ đầu năm. Trong năm 2022, đã kết nạp được 12.088 hội viên mới đạt 115% so với chỉ tiêu Trung ương Hội NDVN giao, nâng tổng số hội viên của thành phố lên 481.374 người.

Đối với công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội, bà Phạm Hải Hoa cho biết, Ban Thường vụ Hội ND thành phố tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động của chi hội, tổ hội ND nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức các hội nghị, tọa đàm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, nâng cao nghiệp vụ công tác tổ chức Hội cho cán bộ cơ sở.

Bên cạnh đó, Hội sẽ tăng cường tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng các nguồn vốn vay ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ ND giúp ND đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống…

Ngoài ra, Hội tích cực phối hợp tổ chức, tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát về thực hiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, ND, nông thôn để kịp thời phát hiện tháo gỡ, điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Hội và phong trào ND.
Trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Người tốt, việc tốt” giai đoạn từ 2005 đến nay, đã có 57 hội viên ND được trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, “Nông dân Thủ đô xuất sắc”, 826 tập thể, cá nhân được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen; 5.314 hộ ND được cấp giấy chứng nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố; Hội ND TP tặng Bằng khen cho 205 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến phong trào thi đua yêu nước.

“Thời gian tới, Hội ND TP. Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động của chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức các hội nghị, tọa đàm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, nâng cao nghiệp vụ công tác tổ chức Hội cho cán bộ cơ sở. Bên cạnh đó, Hội sẽ tăng cường tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm”.

 Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội ND TP. Hà Nội.

Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên ND tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hoá, tuyến phố văn minh. Đi đầu trong các phong trào này có Hội ND huyện Gia Lâm, Đan Phượng, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Trì, Chương Mỹ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây… đã tổ chức phát động thi đua thực hiện các mô hình như xây dựng cánh đồng sạch, tuyến đường nông dân kiểu mẫu, mô hình về bảo vệ môi trường, mô hình tổ tự quản về an ninh trật tự...; đăng ký các phần việc trong xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh; phát triển kinh tế hộ gia đình, đảm nhận trồng và chăm sóc cây xanh...

Hiện trên địa bàn thành phố đã có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 48 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; góp phần nâng cao đời sống ND; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 55 triệu đồng/người/năm.

“Năm 2023, Hội ND TP. Hà Nội tiếp tục chú trọng đến quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên ND, hỗ trợ giúp đỡ hội viên ND phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tạo động lực để hội viên ND gắn bó với tổ chức Hội ND và xây dựng giai cấp ND  trong thời kỳ mới”, bà Phạm Hải Hoa nhấn mạnh. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác