Chuyện nhà nông

Vượt khó thành "triệu phú gà giống" trên quê lúa Thái Bình

Hoàng Tính - 10:25 06/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ban đầu chúng tôi cũng gặp khó khăn khi ngỏ lời tìm hiểu viết bài về mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, bởi ông e ngại đứng trước máy ảnh, máy quay. Nhưng khi được hỏi về kỹ thuật chăn nuôi gà thì ông Nguyễn Văn Thoa (sinh năm 1965) lại say mê chia sẻ một cách lạ thường.

Làm giàu trên quê hương

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ ông Thoa đã luôn có ấp ủ phát triển nông nghiệp để làm làm giàu ngay trên quê hương. Thái Bình là địa phương với truyền thống quê lúa, "chị Hai 5 tấn” vì vậy ông Thoa cũng xác định gắn bó với đồng ruộng cùng cây lúa, khoai lang, đỗ, lạc nhưng do diện tích đất canh tác nhỏ vì vậy giá trị từ những cây trồng không cao, khiến cho cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn, bấp bênh, vất vả.

Ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN (thứ 2 từ phải sang) cùng lãnh đạo Hội ND các cấp tham quan lò ấp trứng của gia đình ông Nguyễn Văn Thoa.

Không cam chịu cái nghèo, năm 2009 ông Thoa đã bàn với gia đình để vợ ở nhà lo đồng ruộng, còn ông xin đi làm phân phối con giống gia cầm cho Công ty TNHH Lượng Huệ. Làm việc ở môi trường “thương mại” phân phối gia cầm nhưng ông Thoa vẫn luôn nung nấu ước mơ làm giàu trên chính quê hương của mình. Vì vậy trong quá trình đi làm phân phối gia cầm, ông Thoa đã chủ động tìm hiểu, học hỏi những kinh nghiệm trong việc mở lò ấp trứng gà để cung cấp cho thị trường.

Sau 3 năm làm phân phối gà cho Công ty Lượng Huệ, ông Thoa đã xin nghỉ để thực hiện ước mơ làm giàu trên quê hương với lò ấp trứng gà. Nhưng “đời không như là mơ” như ông Thoa nói, bắt tay vào xây lò ấp trứng gà, ông Thoa đã gặp biết bao nhiêu khó khăn, vất vả vì thiếu vốn, kỹ thuật, thị trường, dịch bệnh…

Ông Thoa chia sẻ: "Khi bắt tay vào “khởi nghiệp” với lò ấp trứng gà, tôi biết là sẽ không tránh khỏi những khó khăn, bởi mọi thứ đều phải đến tay mình làm, từ việc mua trứng gà, lò ấp đến thị trường… Ví như, biết là trứng gà mình mua ở cơ sở có chất lượng về ấp, nhưng khi ấp thành gà con mọi người lại không tin là gà của mình đảm bảo chất lượng để mua về nuôi. Vì vậy mà giai đoạn đầu để có được thị trường và sự tin tưởng của các hộ gia đình chăn nuôi, tôi đã phải tự mình đi làm thị trường, có những lúc phải hỗ trợ cho các hộ gia đình chăn nuôi miễn phí con giống".

Vất vả đi làm để có được thị trường cung cấp gà giống, ông Thoa đã phải tự mình rong ruổi đi xe máy trong và ngoài tỉnh Thái Bình, có những ngày đội mưa đi cả trăm cây số để giới thiệu về con giống, hỗ trợ về kỹ thuật cho các hộ gia đình về xây dựng chuồng trại, thức ăn chăn nuôi, nước uống, phòng trừ dịch bệnh, tiêm phòng…

Mải mê với những công việc ở xa, có nhiều lúc lò ấp trứng gà ở nhà không có người trông nom, có lần cả 2.000 quả trứng gà đã bị cháy vì quá nhiệt…

Nhưng bằng sự kiên trì vượt qua khó khăn, việc kinh doanh gà ấp đã dần dần trở nên ổn định, từ đó, ông Thoa đã mở rộng thêm trang trại để chăn nuôi gà đẻ trứng để chủ động nguồn trứng cho lò ấp. Giờ đây ông Thoa đã có một trang trại rộng 5.000m2 với 2.000m2 chuồng trại đúng kỹ thuật, hợp vệ sinh, đầu tư 27 máy ấp trứng công nghệ cao, tổng chi phí đầu tư khoảng 12 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thoa trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với nghề chăn nuôi, ấp trứng gia cầm

Cùng bà con nông dân làm giàu

Để có nguồn nguyên liệu trứng ổn định và đảm bảo chất lượng cung cấp cho lò ấp trứng của gia đình, ông Thoa đã chủ động phối hợp với với Hội Nông dân tỉnh Thái Bình để tìm kiếm những hộ gia đình, hội viên nông dân có sở thích nuôi gà để làm vệ tinh cho cơ sở chăn nuôi gà của gia đình.

Đến nay, cùng Hội Nông dân tỉnh Thái Bình, gia đình ông Thoa đã xây dựng được 20 cơ sở trong tỉnh Thái Bình để nuôi gà đẻ trứng có chất lượng tốt, tạo ra những lứa con giống có chất lượng tốt được thị trường chấp nhận. Không chỉ riêng tỉnh Thái Bình, ông còn đưa con giống sang bán ở các tỉnh có ngành chăn nuôi gà phát triển như Quảng Ninh, Bắc Giang và cung ứng vào đến tận các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai…

Tỷ lệ nuôi 1 trống 10 mái nhằm đảm bảo cho trứng nở tốt nhất trong quá trình nuôi gà ấp trứng của gia đình ông Thoa

Nhiều năm liền làm "vệ tinh" chăn nuôi gà cho gia đình nhà ông Thoa, ông Phạm Văn Tuân (xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cho biết: "Hiện nay gia đình tôi đang nuôi 10.000 gà đẻ để cung cấp trứng gà cho ông Thoa; hợp tác với ông Thoa chúng tôi rất yên tâm bởi mọi kỹ thuật về gà đều được ông Thoa hướng dẫn rất chu đáo, tận tình…".

Từ việc chăn nuôi gà làm vệ tinh cho gia đình ông Thoa, 20 hộ gia đình đã tạo được công ăn, việc làm cho hơn 40 lao động ở địa phương với mức thu nhập ổn định từ 10 -15 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra “Cơ sở chăn nuôi gà Thoa Tuyết” của gia đình ông Thoa cũng giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên.

Đánh giá về trại gà của ông Thoa, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình cho biết thêm: Mô hình chăn nuôi gà của ông Thoa là một trong số những mô hình điểm của hội viên nông dân tỉnh Thái Bình trong phát triển kinh tế ở địa phương; mô hình đã tạo được chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất chăn nuôi gà. Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, cũng như xây dựng các đoàn của Hội Nông dân các huyện, xã đến tham quan học tập mô hình chăn nuôi gà của anh Thoa để phát triển kinh tế gia đình.

Trong cuộc sống ông Thoa luôn có trách nhiệm với cộng đồng, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới ở địa phương, tham gia đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện, ủng hộ thiên tai, bão lụt... Thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thoa đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng hoặc ghi nhận: Năm 2020, Hội Nông dân huyện Thái Thụy tặng Giấy Chứng nhận đạt danh hiệu “Hộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Huyện giai đoạn 2018-2020”, được Hội Nông dân tỉnh Thái Bình tặng Giấy Chứng nhận đạt Danh hiệu “Hộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Tỉnh”. Năm 2021, ông được Hội Nông dân Việt Nam trao tặng “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác