Thị trường

Nông dân, ngư dân và doanh nghiệp chế biến thủy sản khó tiếp cận vay vốn để phục hồi sản xuất

Ái Vân - 11:07 23/06/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 22/6 tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội nghị toàn thể hội viên năm 2022.

5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 160 thị trường

Năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD. Đây là kết quả đáng ghi nhận cho các doanh nghiệp thủy sản khi mà các doanh nghiệp đã trải qua một năm đầy biến động và khó khăn. Năm 2022, VASEP đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm đạt 4,2 tỷ USD, xuất khẩu cá tra đạt 2 tỷ USD và xuất khẩu hải sản đạt 3,8 tỷ USD. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 4,7 tỷ USD, tăng 44% so cùng kỳ năm 2021.

Theo VASEP, 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 160 thị trường, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang tất cả các thị trường chính đều bứt phá với tăng trưởng 2 con số, tăng từ 16 – 90% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng xuất khẩu sang thị trường Nga giảm 37% so với cùng kỳ năm 2021, vì xung đột quân sự khiến cho giao thương với thị trường này gần như đình trệ trong tháng 3 và tháng 4. Ngoài ra, ba thị trường chi phối tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng qua gồm: Hoa Kỳ chiếm 23%, Liên minh châu Âu (EU) chiếm 12%, Trung Quốc chiếm 16%.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Ái Vân

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi như nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các thị trường chính đều tăng mạnh sau dịch Covid-19; doanh nghiệp tận dụng lợi thế thuế quan ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường như EU, Australia, Canada, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Anh…, ngành Thủy sản vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp có thể thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu; dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine khiến chi phí đầu vào tăng mạnh làm giảm lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam. Đồng thời, cước vận tải biển tăng gấp 6-10 lần so với trước dịch, thiếu container để vận chuyển. Chính sách zero Covid-19 nghiêm ngặt tại Trung Quốc gây ách tắc xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.

Nông dân, ngư dân và doanh nghiệp chế biến thủy sản khó tiếp cận vay vốn để phục hồi sản xuất

Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các nước khác như Ấn Độ, Ecuador về nguồn cung, giá thành và giá xuất khẩu thủy sản. Một số quy định, chính sách trong nước gây bất lợi cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản như: Kiểm dịch thủy sản nhập khẩu, quy định ngưỡng phốt pho trong nước thải chế biến thủy sản…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết: Kể từ khi EC đưa ra cảnh báo vào năm 2017 về “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định (IUU), Việt Nam vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU. Các thủ tục chứng nhận cho nguyên liệu khai thác còn nhiều hạn chế.

IUU hiện không còn là yêu cầu riêng của EU mà đang dần trở thành yêu cầu của các thị trường lớn khác. Nhật Bản là nước mới đây đã thông qua đạo luật về việc chống đánh bắt bất hợp pháp. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp khi sử dụng nguồn nguyên liệu đánh bắt có chứng nhận.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam chia sẻ: VASEP vừa tổ chức chuyến công tác tại 3 tỉnh Bình Định, Khánh Hòa và Phú Yên nhằm ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các ngư dân, cảng cá, các Chi cục Thủy sản trong hơn 4 năm nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU. Hiện nay, Việt Nam vẫn còn nhiều tàu đánh bắt bất hợp pháp, ở các các tỉnh Kiên Giang, Vũng Tàu, Khánh Hòa. Việc còn tàu đánh bắt bất hợp pháp làm cho việc gỡ “thẻ vàng” trở nên khó khăn.

Từ những thực trạng trên, bà Sắc kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng cho các cảng cá. Đồng thời cần số hóa hệ thống nghề cá để lưu trữ các số liệu, qua đó hỗ trợ cho quá trình gỡ “thẻ vàng” IUU.

Ngoài những khó khăn vướng mắc, theo  VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2022 sẽ đạt mức cao nhất từ trước đến nay, khoảng 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,2 tỷ USD, xuất khẩu cá tra đạt 2 tỷ USD và xuất khẩu hải sản đạt 3,8 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác