Nữ nhạc sĩ gắn với biển đảo quê hương qua những tác phẩm đi vào lòng người
Từ duyên nợ âm nhạc…
Có lẽ nhiều người, nhất là những người lính canh giữ biển đảo quê hương đã từng biết đến cái tên Trịnh Thùy Mỹ. Đơn giản, vì bà có những ca khúc đi vào lòng người nói về tình yêu biển đảo quê hương, đất nước. Nghe nhạc Trịnh Thùy Mỹ mới thấy có khi thật sâu lắng, nhẹ nhàng, êm đềm… có khi sôi nổi, khi hào hứng.
Là một hội viên của Hội nhạc sĩ Việt Nam, vì thế mà bà thường có dịp theo đoàn vào tận những tỉnh vùng sâu vùng xa như: Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, An Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu… để cùng hòa nhịp với sự thay da, đổi thịt từng ngày của dân làng. Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, để rồi người nữ sĩ ấy đã viết lên những ca khúc đi vào lòng người về tình yêu biển đảo quê hương. Nhiều tác phẩm của bà đến nay đã gây tiếng vang lớn, in sâu vào trong lòng thính khán giả khắp mọi miền cả nước. Trong số đó phải kể đến: Dáng đứng Trường Sa; Giữ vững hải đảo; Lính nhà giàn nơi có con trai cha; Tâm tình người lính đảo, giữ vững chủ quyền biển đảo; Lễ thả hoa ở biển Đông; Tình ca lính biển; Huyền thoại đường Trường Sơn; Vinh quang tám chữ vàng; Đất nước mừng Xuân…
Những ngày này, khi cả nước đang chuẩn bị hướng về Kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi may mắn được trò chuyện và nghe bà kể rất nhiều về những ca khúc mà mình sáng tác. Nhìn bà với dáng vẻ phong trần, pha lẫn với chút lãng tử của người nghệ sĩ mà trong lòng chúng tôi trào lên những cảm xúc thật khó tả về người phụ nữ đã bước qua tuổi 60 nhưng vẫn khá bận rộn với gia đình và công việc. Tháng 7/2009, trong một lần đi Đăk Nông, bà đã gặp gỡ nhiều anh chị em thanh niên xung phong có tấm lòng đôn hậu, cũng từ đây mà nhạc sĩ Trịnh Thùy Mỹ đã cho ra đời tác phẩm “Khúc hát thanh niên xung phong” từng được khá nhiều bạn bè quan tâm và biết tới.
Nhạc sĩ Trịnh Thùy Mỹ cho biết: “Mỗi lần có dịp gặp gỡ các anh chị em thanh niên xung phong, hay những người lính biển là tôi lại nhớ đến những học viên ở trường cai nghiện. Tôi rất vui khi thấy các em đã tìm lại chính bản thân mình, đang hòa nhập với cộng đồng, góp sức xây dựng gia đình quê hương vững mạnh hơn. Tình cảm giữa người cán bộ, với từng học viên nơi đây rất thắm thiết như ruột thịt trong gia đình vậy. Đến nỗi khi học viên hết hạn, phút chia tay của họ bao giờ cũng bịn rịn tràn đầy nước mắt, chứng kiến cảnh tượng ấy mà cảm xúc của tôi lại cứ dâng trào”.
Đến tình yêu biển đảo quê hương
Người ta thường nói “nghề chọn người chứ người không chọn nghề”, nhạc sĩ Trịnh Thùy Mỹ là người như vậy. Bởi trước khi trở thành nhạc sĩ cùng những ca khúc nói về biển đảo quê hương và tình yêu đất nước được nhiều người biết đến, bà đã từng ấp ủ cho riêng mình giấc thành một nhà báo, để được đi khắp nơi viết về những mảnh đời khốn khổ trên khắp đất nước Việt Nam này.
Đằng sau những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Thùy Mỹ, là những câu chuyện với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó là tình cảm mà bà luôn dành cho mỗi người lính, trên mọi miền Tổ quốc là không hề thay đổi. Trong những chuyến đi như thế, trước mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận những tình người và rồi bà lại có nhiều tác phẩm hơn nữa.
“Cứ mỗi lần mở ti vi lên xem chương trình nhắn tìm đồng đội, là tôi lại vô cùng xúc động không kiềm chế nổi chính mình. Nhìn những gương mặt hãy còn trẻ và tràn đầy sức sống đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ hòa bình cho đất nước. Vì thế mà tôi đã viết lên những ca khúc về người lính, bằng tất cả trái tim và tình yêu thương vô bờ bến”, Nhạc sĩ Trịnh Thùy Mỹ tâm sự.
Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, một cảm xúc rất khác nhau để sáng tác. Ở đâu có người lính, có chiến sĩ là ở đó có nốt nhạc của Trịnh Thùy Mỹ. Dù ở các đồn biên giới hay nơi hải đảo xa xôi bà vẫn nhiệt tình giao lưu, sáng tác và hát những ca khúc do mình sáng tác... Tháng 5/2014, bà cùng một số nhà văn nữ đi thăm Lữ Đoàn 171 tại vùng biển Vũng Tàu. Tại đây bà đã gặp gỡ những chiến sĩ nhà giàn, và được nghe họ kể về những khó khăn, gian nan từng trải qua. “Tôi đã xuống tàu thăm những người lính hải quân, tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt và ăn uống của họ. Khi biết tin nhà giàn bị sập, nhiều chiến sĩ đã hy sinh không tìm thấy, người cha lấy nhành san hô làm hài cốt của con và đặt trên bàn thờ, mà lòng tôi đau như cắt. Vì thế mà tôi đã cho ra đời ca khúc “Lính nhà giàn nơi có con trai cha” và ca khúc “Sóng nhà giàn” được phổ từ thơ Trương Nam Phi người đi cùng tôi ra thăm các chiến sĩ”, nhạc sĩ Trịnh Thùy Mỹ xúc động.
Với những nỗi nhớ của người lính, nhìn ánh trăng nhớ về mẹ, nghe tiếng sóng nhớ về người yêu. Những câu ca như thế, cứ mượt mà thắm đượm tình non sông, đôi lứa đã cho bà rất nhiều cảm xúc để cất lên giai điệu. Có lẽ, niềm vui lớn nhất của nhạc sĩ Trịnh Thùy Mỹ là được gặp gỡ giao lưu với những người lính hải quân và cho ra đời tới hàng chục ca khúc về người lính biển, cùng 9 ca khúc nói về người lính bộ đội cụ Hồ. Lòng tin và sức mạnh về tình yêu Tổ quốc từ những người lính, luôn ùa vào trong những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Thùy Mỹ qua những ca khúc về tình yêu người lính gửi về với đất liền.
Nhạc sĩ Trịnh Thùy Mỹ tâm sự: “Tuy chiến tranh đã qua đi, đất nước đã thống nhất nhưng biển đảo nước nhà vẫn đang bị đe dọa ngày đêm bởi kẻ thù xâm lăng. Tôi thương những người vợ của lính đảo phải nuôi con vất vả một mình nơi quê nhà, trong khi người chồng vẫn kiên trung bám biển, hy sinh cho gia đình và cho Tổ quốc. Biển đảo là máu thịt của người Việt Nam, vì thế tôi ước muốn được ra Trường Sa trong thời gian tới để cảm nhận mảnh đất hình chữ S thiêng liêng đến chừng nào. Tôi tự hào rằng đất nước ta có những bãi biển thật nổi tiếng, càng tự hào hơn nữa về truyền thống lịch sử oai hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Cũng vì thế mà tôi đã viết nên những ca khúc này bằng tất cả tấm lòng, nhằm ca ngợi tình yêu quê hương đất nước; đồng thời cũng muốn kêu gọi người Việt Nam hãy chung tay góp sức, giữ gìn biển đảo nước nhà”.
- Phát huy giá trị văn hiến Thăng Long - Hà Nội qua triển lãm sách 70 năm giải phóng Thủ đô
- Biến “phế liệu chiến tranh” thành nhạc cụ nơi bản làng Hướng Hoá, Quảng Trị
- Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Nắng Ba Đình"
- 119 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ Hai