Phân tích, nhận định thị trường để nâng tầm giá trị tôm Việt Nam
Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 4 năm 2023 với chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị”. Đây cũng là thông điệp chính của Hội chợ Triển lãm gọi tắt là “VietShrimp 2023” sẽ được tổ chức từ ngày 12 - 14/4/2023 tại TP. Cần Thơ. Nội dung trên được Ban Tổ chức đưa ra tại buổi họp báo diễn ra ngày 24/5 tại Cần Thơ.
Với chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị”, VietShrimp 2023 trở thành “diễn đàn” của cả 4 nhà gồm: Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh doanh, nhà nông. Ngoài ra, Triển lãm còn giới thiệu các sản phẩm công nghệ, mô hình tiên tiến, kết nối sản xuất, tiêu thụ, nhằm nâng cao sản lượng, giá trị, bảo đảm lợi ích cho ngành tôm Việt Nam; tăng cường quảng bá hình ảnh con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới, đưa thủy sản Việt Nam nói chung, ngành tôm tôm Việt Nam vươn xa hơn trên thị trường thế giới.
Các đại biểu trong Ban Tổ chức chủ trì buổi họp báo.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, để tăng sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế, điều kiện cần và đủ là chất lượng sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu thị trường và hiệu quả sản xuất tối ưu. Muốn làm được thì tất cả mọi quy trình sản xuất tôm đều phải được chú trọng, nâng cao và liên kết chặt chẽ, phải xây dựng được một chuỗi giá trị hoàn chỉnh cho con tôm. Mặc dù những vấn đề đã được ngành tôm chú trọng từ sớm, tuy nhiên vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Ông Nguyễn Việt Thắng thông tin, chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị” là mục tiêu mà ngành tôm hướng đến. Đây cũng là thông điệp của Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 4 năm 2023, gọi tắt là “VietShrimp 2023”. Hội chợ được Hội Nghề cá Việt Nam và Tạp chí Thủy sản Việt Nam phối hợp tổ chức diễn ra từ ngày 12 đến 14/4/2023 tại TP. Cần Thơ là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, kết nối kinh doanh.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam chia sẻ, trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm có trên 200 gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản nói chung và tôm nói riêng. Bên cạnh đó, các phiên hội thảo chuyên đề với sự tham gia và chia sẻ thông tin hữu ích của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp về quy trình đầu vào, chế biến và xuất khẩu; phân tích, nhận định thị trường và nhu cầu của thế giới.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 39,7% kế hoạch. Ảnh minh họa.
"Chúng ta hay nói đến khía cạnh nuôi nhưng khía cạnh đầu ra, sự tham gia của các nhà chế biến, chuỗi đầu vào ít được tham gia. Chúng tôi mong muốn rằng trong hội chợ lần này ngoài triển lãm khoa học công nghệ phục vụ nuôi thì chúng ta dành thời gian, cơ hội để chúng ta trao đổi, chia sẻ để khai phá nâng tầm lên chuỗi giá trị cả đầu vào lẫn đầu cuối" - ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Trong Kế hoạch phát triển ngành tôm Việt Nam mục tiêu phát triển sản xuất gắn chặt với nhu cầu thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm Việt Nam. Đồng thời, đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị; trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt là động lực của toàn chuỗi giá trị. Đây là định hướng mà ngành tôm hướng đến nhằm đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả tối đa, duy trì sự bền vững trong tương lai.
Năm 2021, trước những khó khăn của dịch COVID-19 gây ra, sự liên kết trong chuỗi sản xuất đã giúp cho ngành hàng tôm vượt khó đạt doanh thu xuất khẩu khoảng 3,9 tỷ USD. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 39,7% kế hoạch. Hiện nay, ngành tôm đang duy trì ổn định sản xuất trong nước, tận dụng thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cao kim ngạch xuất khẩu và khẳng định vị thế tôm Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Theo VOV